Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), tháng 4/2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), tháng 4/2018.

Hapro giải bài toán nông nghiệp bền vững

(ĐTCK) Kể từ sau Đại hội cổ đông lần đầu tiên, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã có những bước tiến lớn trong xuất khẩu, tiêu thụ các nông sản chủ lực như gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê. Không chỉ là câu chuyện mở rộng hoạt động kinh doanh, chiến lược hoạt động của Hapro đang góp phần giải bài toán khó “đầu ra” cho nông nghiệp. 

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Xuất khẩu gạo vào thị trường chính là Trung Quốc, vốn chiếm tới 50% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên tới trên 1 tỷ USD, đột ngột sụt giảm bởi hàng rào thuế quan được nâng lên và chính sách thắt chặt nhập khẩu.

Trước sự sụt giảm nhập khẩu của Trung Quốc, những thị trường “khó tính” nhưng cũng rất giàu tiềm năng và ổn định như Hoa Kỳ được các nhà xuất khẩu Việt Nam, trong đó có Hapro, đẩy mạnh khai thác.

Đơn cử, tháng 6 vừa qua, ngay sau khi sản phẩm gạo của Hapro được cấp Giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Hoa Kỳ, 45 container gạo trị giá gần 400.000 USD đã được Hapro xuất khẩu đến thị trường này.

Nhờ vậy, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm của cả nước ước đạt 3,865 triệu tấn, với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,8% về lượng và tăng đến 32% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Những chuyến gạo xuất khẩu sang thị trường nổi tiếng khó tính như Hoa Kỳ là tín hiệu rất tích cực cho mảng xuất khẩu nông sản.

Ông Vũ Thanh Sơn, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Hapro cho biết: “Để có gạo xuất khẩu với số lượng lớn vào thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến với công nghệ hiện đại gắn với nguồn nguyên liệu bền vững”.

Hapro đã đầu tư nhà máy chế biến, xay xát gạo tại vựa lúa Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Nhà máy có năng lực chế biến từ 45.000 - 50.000 tấn gạo/năm, ngoài tạo nguồn cung cho thị trường Hoa Kỳ, còn cung cấp tới các thị trường lớn khác như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, châu Âu.

 Gạo Hapro được chế biến và đóng gói tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.

Trong tương lai, ông Sơn khẳng định, Hapro sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác thuộc khu vực châu Phi và Trung Đông, đưa hạt gạo Việt Nam đi khắp thế giới. 

Không riêng với sản phẩm gạo, Hapro cũng là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu nông sản của Việt Nam từ đầu năm tới nay.

Tháng 7 vừa qua, theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu hạt điều của cả nước đạt 30.000 tấn, kim ngạch 267 triệu USD, giảm 7,2% về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với tháng 6/2018, so với cùng kỳ năm 2017 giảm 18,1% về lượng và giảm 29,5% về trị giá.

Xuất khẩu hạt tiêu nửa đầu năm ước đạt 132.000 tấn, giá trị 453 triệu USD, tăng 5,1% về lượng, nhưng giảm 36,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân sang tất cả các thị trường đều giảm mạnh. Cụ thể, giá xuất khẩu hạt tiêu bình quân 6 tháng đầu năm ước đạt 3.438 USD/tấn, giảm tới 61% so với cùng kỳ năm trước

Trong bối cảnh xuất khẩu hạt tiêu và hạt điều của cả nước chứng kiến sự sụt giảm thì Hapro, nhờ kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu, sát cánh cùng người nông dân để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, vẫn có doanh thu tốt từ xuất khẩu hai mặt hàng này.

Nếu như cả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của Hapro đạt hơn 53 triệu USD thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018 đã  đạt gần 43 triệu USD.

Kết quả này là nhờ Hapro đã góp vốn với một số đối tác xây dựng nhà máy chế biến điều xuất khẩu tại Bình Phước, tỉnh có sản lượng trồng điều lớn nhất Việt Nam hiện nay để chủ động về số lượng và chất lượng của nguồn nguyên liệu.

Với sản phẩm hạt tiêu, Hapro có doanh thu xuất khẩu hơn 6 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2018. Với cà phê, mặt hàng có sự biến động giá lớn trên thị trường thế giới, nhưng với phương thức chốt đơn hàng xuất khẩu trước khi thu mua đã giúp cho Hapro duy trì được hiệu quả kinh doanh. 

Giữ vững thị phần nội địa

Bên cạnh xuất khẩu, Hapro cũng chú trọng tới thị phần trong nước và doanh nghiệp có cách thức phát triển sản phẩm sạch, đảm bảo nguồn gốc tương tự như cách tạo nguồn hàng xuất khẩu.

Để chủ động được nguồn hàng hóa đưa vào hệ thống bán lẻ của đơn vị, Hapro tự xây dựng các cơ sở vệ tinh, các vùng nguyên liệu cung cấp, hoặc đặt hàng các trang trại chăn nuôi để có nguồn nông sản, thực phẩm tươi, an toàn mang thương hiệu riêng của doanh nghiệp.

Có nguồn hàng sạch và rõ nguồn gốc, các sản phẩm của Hapro dễ dàng tiếp cận tới khách hàng Hà Nội và các địa phương lân cận thông qua thương hiệu HaproMart, HaproFood và hệ thống các cửa hàng ăn uống, dịch vụ, hệ thống bán lẻ, gồm hơn 100 địa điểm kinh doanh tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc; trong đó có 30 siêu thị tập trung chủ yếu vào mặt hàng nông sản sạch.

Đặc biệt, sau khi cổ phần hóa, Hapro còn nhận được sự đồng hành của chuỗi siêu thị Intimex, do có cùng nhà đầu tư chiến lược. Gần đây nhất, hai doanh nghiệp đã cùng đem vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), nhãn Sông Mã (Sơn La) đến tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng thực phẩm an toàn của Hapro và hệ thống siêu thị Intimex Home&Food của Intimex…

Tháng 6 vừa qua, Hapro đã xuất khẩu 2 container vải thiều Thanh Hà sang Malaysia và được người tiêu dùng nước này đón nhận tích cực. Hapro đang triển khai các bước để đưa nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Sông Mã xuất khẩu sang thị trường Malaysia trong thời gian sớm nhất.

Những chuyển động tích cực của Hapro kể từ sau cổ phần hóa, với sự liên kết, cộng hưởng các nguồn lực từ nhiều doanh nghiệp nhờ vai trò kết nối hiệu quả từ nhà đầu tư chiến lược, Hapro đã tạo ra một hình mẫu cho lời giải “Phát triển nông nghiệp bền vững”, thích ứng và đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng khắt khe của cả thị trường trong nước và quốc tế.

Thêm “đôi cánh” để bay xa  

Sự góp mặt của nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, kinh nghiệm quản lý và mạng lưới các đối tác quốc tế đến từ các thị trường lớn như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thái Lan…, được kỳ vọng sẽ tiếp thêm “đôi cánh” cho Hapro tiếp tục mở rộng và chinh phục các thị trường quốc tế, cũng như đảm bảo cho người tiêu dùng trong nước được sử dụng những sản phẩm nhập khẩu đa dạng hơn từ các thị trường nước ngoài.

Để tiếp tục phục vụ mục tiêu xuất khẩu cũng như tối đa hóa mối hợp tác kinh doanh của đối tác chiến lược trên thị trường quốc tế, Hapro sẽ sớm nghiên cứu đầu tư một số nhà máy chế biến đặt tại các vùng nguyên liệu chính như mở rộng hoạt động và công suất của nhà máy chế biến và xay xát gạo.

Đầu tư nhà máy chế biến hạt điều chuyên sâu, sản xuất các sản phẩm điều chế biến có thể xuất khẩu và đưa vào hệ thống siêu thị, bán lẻ tại nước ngoài có giá trị gia tăng cao, nhằm nâng cao hiệu quả cho nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hapro cũng dự kiến đầu tư nhà máy chế biến hạt tiêu đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, để cạnh tranh sòng phẳng trên các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, giảm thiểu việc xuất khẩu nguyên liệu thô, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nông sản Việt.

Tin bài liên quan