Với việc mạnh tay 
trích lập dự phòng, Eximbank cho biết, đã giải quyết được những tồn đọng

Với việc mạnh tay trích lập dự phòng, Eximbank cho biết, đã giải quyết được những tồn đọng

Eximbank nỗ lực làm sạch nợ xấu

(ĐTCK) Trước khó khăn chung của nền kinh tế và yêu cầu tái cấu trúc ngành một cách quyết liệt, để làm sạch được nợ xấu, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. 

Lợi nhuận của ngân hàng vì thế mà “teo tóp”, cổ đông phải hy sinh cổ tức. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là một trong những trường hợp điển hình phải tăng trích lập dự phòng trong những năm qua.

Để dành cho tương lai

Kết quả kinh doanh trong 2 năm gần đây của Eximbank không đạt kế hoạch đề ra do Ngân hàng tăng trích dự phòng rủi ro nợ xấu.

Để đảm bảo hoạt động an toàn, tăng trưởng bền vững, Eximbank đã mạnh tay trích dự phòng rủi ro từ rất sớm vào những tháng đầu năm 2014. Chính mức trích lập dự phòng quyết định con số lợi nhuận trước thuế cuối cùng của Eximbank năm qua, song theo quan điểm của Hội đồng quản trị và Ban điều hành Ngân hàng thì đây được xem là “của để dành” cho ngân hàng trong tương lai, có thể dùng đến, có thể không dùng đến và quay trở lại thành thu nhập bất thường cho Eximbank.

Ngoài những quy định chung về phân loại nợ và trích dự phòng, mỗi ngân hàng hiểu rõ nhất chất lượng từng khoản cho vay của mình. Cho nên, tùy vào chiến lược của từng ngân hàng mà mức “để dành” này sẽ nhiều hay ít, vì nếu khoản nợ xấu được xử lý, khoản dự phòng này sẽ được hoàn nhập. Vì thế, không phải đợi đến cuối năm mà ngay từ những quý đầu trong năm Eximbank đã mạnh tay trích dự phòng. Tuy con số dự phòng sẽ quyết định mức lợi nhuận, song với Eximbank, mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn trong hoạt động.

Eximbank nỗ lực làm sạch nợ xấu ảnh 1

Báo cáo tài chính quý III/2015 của Eximbank cho thấy, thu nhập lãi thuần của Eximbank đạt 891 tỷ đồng trong quý III/2015, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong kỳ tăng 11%, lên 533 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Eximbank đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh bất thường, từ 84 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 332 tỷ đồng, nên tổng lợi nhuận trước thuế quý này chỉ còn 110 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 677 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ mạnh tay trích dự phòng, nên tỷ lệ nợ xấu Eximbank giảm từ 2,46% xuống 1,64%. Tổng nợ xấu giảm 35% so với đầu năm, còn 1.402 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh 44%, xuống còn 758 tỷ đồng.

Theo Eximbank, trước mắt, có thể lợi nhuận sau trích lập dự phòng còn lại ít, các cổ đông sẽ không nhận được cổ tức, nhưng trong tương lai, khi tình hình các doanh nghiệp hồi phục và phát triển thì ngân hàng sẽ thu hồi được các khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng trước đây, khi đó lợi nhuận và cổ tức cổ đông sẽ tăng.

Do đó, việc xác định đúng, đủ chất lượng các khoản cho vay của mình để có mức trích lập tương ứng sẽ là điều kiện tiên quyết để Eximbank có thể lập kế hoạch khả thi cho hoạt động những năm tiếp theo. Điều này cũng phù hợp với thị trường hiện nay khi các NHTM đang ưu tiên xử lý nợ xấu. Cổ đông, nhà đầu tư cũng sẽ hiểu vấn đề ngân hàng phải hy sinh nguồn lợi nhuận hiện tại để đảm bảo an toàn hoạt động và tạo đà tăng trưởng tốt hơn trong tương lai.

Triển vọng 3 năm tới

Với việc mạnh tay trích lập dự phòng, Eximbank cho biết, đã giải quyết được những tồn đọng, “hệ thống trở nên nhẹ nhàng như một động cơ được thay mới dầu bôi trơn”. Chủ trương này là quyết tâm của tập thể Ban điều hành và đã thuyết phục được HĐQT chấp thuận. Thực tế cho thấy, yếu tố cần thiết nhất lúc này đối với hoạt động ngân hàng là phải dự phòng đẩy đủ, đảm bảo rủi ro.

Tình hình hoạt động của Eximbank ổn định và bền vững. Đến hết quý III/2015, Eximbank cũng đáp ứng đầy đủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 36/2014 như tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp; tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) đạt 15%; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi duy trì ở mức 75%.

Với chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến đạt 1.000 tỷ đồng trước thuế được Eximbank đưa ra cho năm nay, dự báo nhà băng này sẽ khó đạt kế hoạch do một số tác động từ những thay đổi trong tiêu chuẩn kế toán áp dụng cho dự phòng các khoản nợ xấu và dự phòng trái phiếu VAMC.

Eximbank nỗ lực làm sạch nợ xấu ảnh 2

Eximbank được Tạp chí Asiamoney - Hongkong trao tặng danh hiệu “Ngân hàng Quản lý Tiền mặt Nội địa Tốt nhất Việt Nam năm 2015”

CTCK TP. HCM (HSC) dự đoán, Eximbank sẽ phải trích lập khoảng 1.000 tỷ đồng dự phòng trong 6 tháng cuối năm 2015, nên có ảnh hưởng đến lợi nhuận. Mặc dù vậy, HSC cho rằng, triển vọng 3 năm tới, lợi nhuận trước thuế của Eximbank sẽ có mức tăng trưởng gộp là 56,35%.

Giả thiết rằng tín dụng sẽ có tốc độ tăng trưởng gộp là 16% và huy động khách hàng có mức tăng trưởng gộp là 16,49% trong cùng kỳ. HSC cũng dự báo rằng, NIM sẽ cải thiện từ mức 2,06% lên 2,37% trong năm 2015, 2,64% trong năm 2016 và 2,82% trong năm 2017. Đồng thời, tổng tài sản sinh lãi của Eximbank sẽ có tốc độ tăng trưởng gộp là 15,04%.

Thu nhập lãi thuần sẽ tăng trưởng gộp 23,07% trong 3 năm tới. Chi phí dự phòng sẽ tăng trưởng gộp 19,73%, đạt mức cao nhất vào năm 2017 là 1.748 tỷ đồng trước khi lại giảm xuống. Ngoài ra, HSC còn dự báo tỷ lệ nợ xấu sau xử lý cho các năm 2015, 2016 và 2017 lần lượt là 1,75%, 1,93% và 2,05%.

Việc xử lý nợ tuy còn nhiều bất cập, nhưng thị trường bất động sản đang trong quá trình hồi phục sẽ là điều kiện tốt để các ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, trong đó có Eximbank. Mặt khác, từ năm 2016, nền kinh tế có nhiều tín hiệu khả quan hơn thì mức dự phòng cũng giảm đi, đồng thời khoản trích lập cho hai năm 2014, 2015 sẽ quay trở lại thành thu nhập bất thường sau khi Ngân hàng xử lý được nợ xấu. Đặc biệt, khi Thông tư số 14/2015 của NHNN có hiệu lực sẽ có tác động lớn tới hoạt động mua - bán và xử lý nợ xấu qua VAMC, do có những sửa đổi, bổ sung quan trọng.

Thực tế, trong những năm gần đây, Eximbank đã trở thành ngân hàng trong Top đầu của nhóm ngân hàng TMCP. Uy tín của Eximbank được củng cố, đặc biệt trong những giai đoạn khắc nghiệt của thị trường. Eximbank cũng là ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn, trên dưới 14.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, Eximbank có sự hỗ trợ rất lớn từ cổ đông lớn, đối chiến lược nước ngoài là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – một định chế tài chính Nhật Bản với quy mô toàn cầu. Không chỉ tham gia góp vốn, SMBC còn hỗ trợ kỹ thuật nhiều lĩnh vực cho Eximbank, đặc biệt trong vấn đề phát triển khách hàng, hạ tầng công nghệ thông tin và quản trị rủi ro, tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho Eximbank…

Mục tiêu lớn nhất của Eximbank trong 2 - 3 năm tới là kiện toàn hoạt động, nhất là với quản lý rủi ro và xử lý nợ xấu, tạo đà cho bước phát triển mới cao hơn. Vì vậy, Eximbank vẫn liên tục tái đầu tư vào các hạng mục hiện đại hóa ngân hàng, trong đó chú trọng về các tiện ích thanh toán truyền thống cũng như điện tử, từng bước đẩy mạnh nguồn thu nhập phi tín dụng.

Đến năm 2020, Eximbank phấn đấu trở thành ngân hàng thanh toán quốc tế chính ở những thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Cuối tháng 11/2015 vừa qua, Eximbank và Infosys ký kết triển khai giải pháp phần mềm Infosys Finacle Core Banking để dần thay thế hệ thống Core Banking đang sử dụng hiện nay.

Sau khi triển khai giải pháp Core Banking, sẽ giúp Eximbank tạo nên đột phá trong khai thác sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, phát triển thêm nhiều dịch vụ, sản phẩm và quản lý nội bộ chặt chẽ, hiệu quả hơn. Chính nền tảng công nghệ của Core Banking tạo ra những bước chuyển biến rất lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng Eximbank, thể hiện sức mạnh công nghệ của ngân hàng, quyết định tính đa dạng sản phẩm, mở rộng mạng lưới kinh doanh, đa dạng hóa kênh dịch vụ.            

Ngày 15/12/2015, Eximbank sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường để bầu thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ VI (2015-2020). Ngân hàng cho biết, số lượng thành viên dự kiến được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ VI tối đa 11 người. Tối thiếu 1/2 tổng số thành viên HĐQT phải là người không điều hành và thành viên độc lập trong đó ít nhất 1 thành viên HĐQT độc lập. Chủ tịch HĐQT có thể là người do Ngân hàng Nhà nước cử sang.

Trước đó, ngày 10/12, HĐQT Eximbank đã có quyết định bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc Thường trực Eximbank lên giữ vị trí chức vụ quyền Tổng giám đốc, thay cho ông Phạm Hữu Phú xin rút khỏi danh sách ứng cử HĐQT. 

Tin bài liên quan