Đẩy mạnh hàng tự sản xuất, Bidiphar lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 23,5%

Đẩy mạnh hàng tự sản xuất, Bidiphar lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 23,5%

(ĐTCK) Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, mã chứng khoán DBD) đang thực hiện các thủ tục để nới room ngoại lên 100%. Điều này đồng nghĩa với việc Công ty sẽ không còn được phân phối hàng cho bên thứ ba. Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Bidiphar cho biết, năm 2020, Công ty lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 23,5% thông qua đẩy mạnh sản lượng và tiêu thụ nhóm hàng tự sản xuất. 

Ða phần nguyên liệu sản xuất của ngành dược Việt Nam phải nhập khẩu. Dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu có ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu sản xuất của Bidiphar hay không?

Tại Bidiphar, nguyên liệu sản xuất cho quý I/2020 đã được chuẩn bị từ tháng 12/2019. Do vậy, trong quý đầu năm nay, Công ty không bị ảnh hưởng nào đáng kể.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, Bidiphar đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để chuẩn bị nguyên liệu cho quý II/2020 và những quý tiếp theo. Ðến nay, nguyên liệu để sản xuất cho quý II đã được ký hợp đồng với các nhà cung cấp. Công ty tiếp tục làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để hàng về đúng hạn.

Tuy nhiên, có một số nguyên liệu tăng giá và một vài nguyên liệu thiếu hàng. Công ty đã phân tích cụ thể các hợp đồng đã ký, các chính sách bán hàng đã ban hành, chủ động làm việc với các bệnh viện và khách hàng khác để thông báo về tình hình, đồng thời giới thiệu các mặt hàng có thể thay thế trong điều trị cho khách hàng.

Một số sản phẩm bắt buộc phải tăng giá, Công ty đã làm thủ tục xin phép cơ quan chức năng và thông báo điều chỉnh giá sau khi nhận được sự đồng ý.

Trong các nhóm sản phẩm của Bidiphar, có nhóm sản phẩm nào hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19?

Hiện tại, Công ty có một số dòng sản phẩm hỗ trợ việc phòng chống dịch. Chẳng hạn, nhóm thuốc điều trị các nhiễm khuẩn kháng sinh trong danh mục thuốc điều trị viêm đường hô hấp cấp theo Công văn 979/KD-QLD ngày 5/2/2020 của Cục Quản lý dược như vancomycin, levofloxacin, meropenem, amikacin, cefoperazone, ceftrione, ceftazidim. Nhóm hạ nhiệt, giảm đau, kháng viêm gồm biragant, tocimat.

Hay nhóm hỗ trợ nâng cao đề kháng cơ thể, nhóm thuốc làm ẩm và làm sạch mắt, mũi, miệng, họng và nhóm sát khuẩn bên ngoài (dung dịch sát khuẩn tay, cồn 70 độ, povidon).

Trong đó, nhóm sản phẩm cần thiết nhất hiện nay là dung dịch sát khuẩn tay. Sản phẩm này của Bidiphar đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành dưới dạng thuốc và được sản xuất, kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn GMP, trong thời gian qua được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và được tiêu thụ với sản lượng gấp nhiều lần trước đó.

Một số nhóm sản phẩm hỗ trợ khác như nhóm bổ sung vitamin, nước muối súc miệng…, tuy nhiên, sản lượng chưa chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của Công ty.

Hội đồng quản trị Bidiphar đã thông qua việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Công ty. Khi nào thì Công ty hoàn tất các thủ tục nới room lên 100%?

Bidiphar đã nộp hồ sơ nới room lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và bổ sung theo yêu cầu. Theo quy định, trong khoảng 3 tháng sẽ hoàn tất thủ tục và có quyết định.

Tuy nhiên, Công ty dự báo tiến trình này có thể nhanh hơn (trong tháng 5), nhờ công tác cải cách thủ tục hành chính của Nhà nước và việc chuẩn bị hồ sơ tốt từ phía doanh nghiệp.

Nới room ngoại lên 100%, Bidiphar sẽ phải điều chỉnh ngành nghề kinh doanh theo hướng chỉ được phân phối hàng do Công ty sản xuất, không được phân phối hàng cho bên thứ ba như trước. Ðiều này liệu có ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh năm 2020 của Công ty?

Sau khi hoàn tất nới room ngoại, Bidiphar sẽ không phân phối hàng cho bên thứ ba. Thay vào đó, Công ty sẽ tập trung phát triển sản phẩm mới chất lượng cao và phát triển thị trường để đảm bảo sự tăng trưởng.

Hiện nay, lợi thế của Bidiphar là dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao khi tham gia đấu thầu và cung ứng thuốc trên cả hai kênh bệnh viện và nhà thuốc. Công ty cũng có hệ thông phân phối dược phẩm trên cả nước.

Dĩ nhiên, Bidiphar sẽ điều chỉnh một số chính sách nhằm phát triển thị trường bền vững hơn, phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Đẩy mạnh hàng tự sản xuất, Bidiphar lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 23,5% ảnh 1

Năm ngoái, Bidiphar đạt doanh thu thuần 1.261 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 174 tỷ đồng. Với các nhà máy mới công nghệ cao sắp đưa vào hoạt động, được hưởng ưu đãi thuế và sản lượng dự kiến tăng 15% hàng năm, biên lợi nhuận hoạt động của Công ty sẽ được cải thiện.

Trong quý III/2020, dự kiến nhà máy thuốc chữa ung thư mới của Bidiphar sẽ đi vào hoạt động. Ðây là nhóm sản phẩm có thế mạnh đã tạo dựng được uy tín trong các cơ sở điều trị.

Trong năm nay, doanh thu nhóm sản phẩm này có thể chiếm 12% tổng doanh thu và tương ứng là lợi nhuận khoảng 15%.

Theo đó, Công ty vẫn dự kiến kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mục tiêu 1.450 tỷ đồng doanh thu, tăng 15%; lợi nhuận trước thuế 215 tỷ đồng, tăng 23,5% so với thực hiện năm 2019.

Cơ cấu doanh thu vẫn sẽ đến từ dược phẩm sản xuất, ước đạt 1.150 tỷ đồng, chiếm 79,3%; doanh thu nhóm dược phẩm mua bên thứ ba ước tính chỉ còn chiếm 6,9%, tương ứng khoảng 100 tỷ đồng và doanh thu trang thiết bị y tế ước đạt 100 tỷ đồng, chiếm 13,8%.

Bidiphar dự định tái đánh giá 11 dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn GMP-WHO, đặc biệt là việc đánh giá mới 3 dây chuyền (2 dây chuyền theo chuẩn GMP-EU và 1 dây chuyền sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe). Việc này liệu có ảnh hưởng đến công suất, sản lượng của Công ty?

Bidiphar là doanh nghiệp có thương hiệu trên thị trường nhờ hoạt động tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và đảm bảo chất lượng thuốc.

Việc triển khai đầu tư nhà máy theo tiêu chuẩn GMP-EU, Bidiphar tin tưởng có khả năng thực hiện.

Nếu việc chứng nhận từ cơ quan thẩm quyền hoàn thành, các sản phẩm sản xuất trên dây chuyền GMP-EU sẽ được xếp nhóm 2 theo Thông tư 15/2019/TT-BYT, qua đó có ưu thế cạnh tranh về thị trường, tạo tiền đề đẩy mạnh xuất khẩu, giúp Công ty tăng doanh thu và hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, việc chứng nhận sẽ không ảnh hưởng đến sản xuất, vì Bidiphar sẽ mời Bộ Y tế chứng nhận trước để được cấp số đăng ký cho sản phẩm.

Ngoài ra, theo nguyên tắc, quá trình kiểm tra sẽ không làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất. Dự kiến, cuối năm 2020 hoặc quý I/2021, Công ty mới hoàn thành việc chứng nhận GMP-EU.

Ðối với dây chuyền sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chúng tôi sẽ chú trọng phát triển các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên tại địa phương (dầu gan cá mập, sụn cá mập đánh bắt không chủ ý của ngư dân, hàu…), dược liệu được nuôi trồng theo tiêu chuẩn GACP của Công ty tại dự án trồng dược liệu sạch tại huyện An Lão, tỉnh Bình Ðịnh.

Bidiphar được biết đến là nhà sản xuất tân dược lớn tại Việt Nam, danh mục sản phẩm đa dạng, trong đó 2 dòng sản phẩm chủ lực là thuốc ung thư và thuốc đông khô. Kế hoạch gia tăng công suất của Công ty như thế nào, thưa bà?

Lợi thế lớn nhất của Bidiphar là sản phẩm đã được các cơ sở điều trị từ tuyến Trung ương tới tuyến tỉnh tin dùng và đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Công ty có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất các thuốc vô trùng thể tích lớn nhỏ, là dạng bào chế đòi hỏi kỹ thuật cao.

Bidiphar cũng là doanh nghiệp có dây chuyền thuốc tiêm đông khô hiện đại, tự động, công suất cao; có dây chuyền sản xuất thuốc điều trị ung thư, tiêm chuyên biệt duy nhất tới thời điểm này được Bộ Y tế cấp chứng nhận GMP.

Sản phẩm của Bidiphar khá đa dạng, bao gồm hơn 200 sản phẩm với 19 nhóm điều trị. Dạng bào chế cũng rất phong phú, gồm thuốc tiêm (tiêm bột, tiêm đông khô, tiêm ống/lọ), thuốc viên (viên nén, viên nang cứng, nang mềm, viên bao phim, bao đường, viên sủi, viên phóng thích có kiểm soát, viên tan nhanh, cốm bột…), thuốc nhỏ mắt, thuốc nhỏ mũi, các dạng thuốc uống dạng lỏng, thuốc dùng ngoài, thuốc đạn…) phù hợp nhu cầu điều trị cho các đối tượng khác nhau

Công ty dự kiến trong giai đoạn tới, mỗi năm sẽ tăng trưởng ít nhất 15% sản lượng cũng như doanh thu các sản phẩm do chính Công ty sản xuất và phân phối.

Tin bài liên quan