Đầu tư trái phiếu ngân hàng: Bắt sóng xu hướng

Đầu tư trái phiếu ngân hàng: Bắt sóng xu hướng

(ĐTCK) Trái phiếu ngân hàng đang trở nên hấp dẫn hơn so với tiền gửi thông thường bởi sự an toàn, lãi suất cao và sự linh hoạt trong suốt quá trình đầu tư…

Đau đầu vì tiền

Chị N.T.Thuý ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ, gia đình có một chút tiền tiết kiệm nhưng cứ đến kỳ hạn lại đau đầu. “Trước khi đến hạn sổ tiết kiệm, tôi tiếp tục một chiến dịch cũ là một “vòng” điện thoại các ngân hàng để khảo sát lãi suất, tuy nhiên, đến tận phòng giao dịch, trao đổi trực tiếp với giao dịch viên sẽ có mức lãi suất tốt hơn. Lúc rảnh rỗi, khoẻ mạnh thì còn đỡ, thời điểm bận rộn mệt mỏi, thêm được chút tiền nhưng quả là “ăn được bữa cỗ, chạy ba quãng đồng”. Vật vã vì tiền”, chị N.T.Thuý kể.

Nhưng đó vẫn chưa phải là vấn đề chính. “Gửi tiền tiết kiệm xong vẫn canh cánh trong lòng, Ngân hàng mình gửi tiền tiết kiệm thực tế có vấn đề gì hay không mà lãi suất huy động “tốt” vậy? Tham được chút tiền nhưng cứ nơm nớp lo không biết liệu ngày mai ngân hàng này sẽ như thế nào”, chị N.T.Thuý nói.

Tâm sự của chị N.T.Thuý cũng giống với kha khá người Việt khi gửi tiết kiệm. Người viết bài này đã nhiều lần được đồng nghiệp hỏi: “Này cô, bố mẹ anh có chút tiền bán nhà, anh đi khảo sát thị trường rồi, định gửi ngân hàng B vì lãi suất bên đó cao lắm nhưng bên ngân hàng S có chế độ rất tốt dành cho người có tuổi. Hai ngân hàng này cũng có những vấn đề trước đây, không biết bây giờ thế nào, cô có gợi ý gì giúp anh với”…

Bản thân người viết bài này có lần hỏi một lãnh đạo cao cấp NHNN: “Em đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng V nhưng đọc báo cáo tài chính Ngân hàng này có lẽ không ổn lắm. Để tiền ở đó có sao không anh?”.

Vị lãnh đạo NHNN nói: “Đọc báo cáo tài chính Ngân hàng thấy không ổn mà vẫn gửi tiết kiệm chứng tỏ cô ham lãi suất cao nên liều. Gửi tiết kiệm trong ngắn hạn thì không phải vấn đề lớn nhưng dài hạn lại là một câu chuyện khác. Sao cô không dành thời gian tìm hiểu thêm danh mục đầu tư khác hay chuyển sang giao dịch tại ngân hàng khác? Còn không thì, dám làm thì dám chịu”.

Quả vậy, khi nghĩ đến các kênh đầu tư, nhà đầu tư cá nhân vốn vẫn thường chỉ xoay quanh ngoại tệ, vàng, cổ phiếu, bất động sản, gửi tiết kiệm…, trong khi đó kênh đầu tư có tính an toàn cao hơn, mức sinh lời tốt như trái phiếu doanh nghiệp thì hầu như ít nghĩ đến và mặc định chỉ dành cho các nhà đầu tư tổ chức.

Cũng không quá bất ngờ về điều này bởi không phải nhà đầu tư cá nhân nào cũng biết để có thể tìm hiểu sâu, chi tiết về trái phiếu doanh nghiệp qua mỗi đợt phát hành, tuy nhiên, thực tế này đã có những biến chuyển mạnh mẽ.

Cú đảo chiều chậm nhưng chắc

Theo thống kê của Ngân hàng Phát triển châu Á, tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tính đến cuối quý I/2019 khoảng gần 130.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 1 tỷ USD là trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ.

Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tính trên GDP của Việt Nam ở mức 1,8%, tuy còn thấp so với các nước trong khu vực nhưng liên tục tăng trong những năm gần đây. Và nhóm ngân hàng thương mại được nhận định vẫn luôn là chủ thể phát hành lớn nhất trên thị trường này

Một nghiên cứu của SSI cho biết, thực tế kênh tiền gửi tiết kiệm tiếp tục bị cạnh tranh khá mạnh từ các kênh đầu tư khác, đặc biệt là kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, trong nửa đầu năm 2019, các NHTM phát hành là 30.450 tỷ đồng, chiếm khoảng hơn 40% tổng lượng phát hành. Báo cáo tài chính của 17 ngân hàng đang niêm yết trên 3 sàn chứng khoán cho thấy, tổng huy động (tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) tại thời điểm 31/3/2019 là 5.178.162 tỷ đồng, tăng 3,1% so với đầu năm.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Agribank cho biết, trái phiếu ngân hàng đang trở nên hấp dẫn hơn so với tiền gửi thông thường bởi lãi suất cao và sự linh hoạt trong suốt quá trình đầu tư.

Cụ thể, người sở hữu trái phiếu hoàn toàn có quyền chuyển nhượng, bán, cho, tặng, thừa kế, thậm chí như trái phiếu của Agribank còn có thể “vào” tên của cá nhân dưới 16 tuổi.

Trong khi đó, mỗi lần phát hành trái phiếu, đại diện Agribank chia sẻ, không hề dễ dàng bởi việc vượt qua các khâu kiểm duyệt chặt chẽ của cơ quan quản lý mới được phát hành ra công chúng như vượt “tường lửa”.

Các ngân hàng phải chứng thực các tiêu chuẩn như: tỷ lệ an toàn, lợi nhuận trong bao nhiêu năm, việc sử dụng trái phiếu lần trước có đúng mục đích, hiệu quả?... Hay nói cách khác, mỗi trái phiếu của Agribank xuất hiện trên thị trường thực sự là hàng chất lượng cao.

“Trên thị trường, những ngân hàng có vốn nhà nước thường không khó khăn về nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Việc phát hành trái phiếu nhằm huy động nguồn vốn trung dài hạn để cho vay các dự án lớn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đồng thời, tăng nguồn vốn cấp 2 đảm bảo tỷ lệ an toàn cho Ngân hàng”, đại diện Agribank thông tin.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói: “Đầu tư vào trái phiếu cũng là một trong những “bộ lọc” khách hàng biết lựa chọn sự an toàn, ổn định, lợi nhuận tốt cùng tính thanh khoản cao”.

Đầu tư trái phiếu ngân hàng: Bắt sóng xu hướng  ảnh 1

Đầu tư trái phiếu Agribank: Tại sao không?

Đại diện lãnh đạo Agribank cho biết, Ngân hàng đã được cơ quan quản lý chấp thuận kế hoạch phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu dài hạn 2019 ra công chúng với mệnh giá tối thiểu là 1 triệu đồng/trái phiếu dành cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản của Agribank, được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam.

Lãi suất của trái phiếu áp dụng cho toàn bộ thời hạn 7 năm là lãi suất thả nổi (có điều chỉnh định kỳ) và được xác định theo công thức: lãi suất = lãi suất tham chiếu + 1,2%/năm. Lãi suất tham chiếu dùng để xác định lãi suất cho mỗi kỳ tính lãi là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng đồng Việt Nam, kỳ hạn 12 tháng được công bố trên trang thông tin điện tử chính thức của 4 NHTM bao gồm BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank - tại ngày xác định lãi suất. 

Ví dụ lãi suất dài hạn thời điểm hiện tại của Agribank bình quân là 6,9%/năm + 1,2%/năm = 8,1%/năm. 

Chia sẻ thêm về sự hấp dẫn của trái phiếu Agribank, đại diện Agribank tiết lộ, chẳng hạn cùng một khoản tiền là 1 tỷ đồng khi đầu tư trái phiếu, nếu có việc cần dùng 500 triệu đồng trong một thời gian, khách hàng dùng trái phiếu vay tại chính ngân hàng mình mua trái phiếu hay sang ngân hàng khác thì lãi suất cộng thêm khoảng 2-3% tuỳ ngân hàng. Còn ở Agribank, thủ tục tiến hành vay vốn rất đơn giản nhưng quan trọng hơn là lãi suất chỉ cao hơn 0,5%/năm so với lãi suất trả cho khách hàng trong kỳ.

“0,5%/năm lãi suất này ngân hàng chỉ dùng để bù đắp chi phí quản lý chứ không mục tiêu kiếm lợi nhuận’, đại diện Agribank nói.

Còn đương nhiên, nếu so sánh với việc gửi tiết kiệm dài hạn tại ngân hàng, đại diện Agribank cho biết thêm, khi khách hàng cần rút tiền trước hạn sẽ chỉ được hưởng lãi suất 0%, còn khoản trái phiếu bán đi sẽ vẫn có lãi khoảng 2-3% tùy ngân hàng. Nếu để khoản tiền với kỳ hạn càng lâu thì lãi suất lại càng lớn, khoảng trên 6 tháng là chắc chắn có lãi cao hơn so với gửi tiết kiệm.

Lãi suất trái phiếu của Agribank được tính toán tỷ lệ lãi suất đầu vào phù hợp để có mức lãi suất đầu ra tương ứng nhằm cho vay các chương trình của Chính phủ, phục vụ sự phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó, là một trong những ngân hàng trụ cột của hệ thống, Agribank còn có trách nhiệm giữ mặt bằng lãi suất ổn định cho nền kinh tế.

“Agribank có trách nhiệm bảo đảm người sở hữu trái phiếu được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo trái phiếu”, đại diện Agribank nhấn mạnh. 

Agribank là Ngân hàng do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, có sứ mệnh đặc biệt trong hỗ trợ, phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.

Năm 2018, lợi nhuận trước thuế Agribank đạt được 7.525 tỷ đồng, được Moody’s- một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới ngay lần đầu tiên thực hiện xếp hạng đối với Agribank đã đưa ra những đánh giá tích cực đối với Agribank ở mức ngang bằng với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Dự kiến năm 2019, con số lợi nhuận Agribank sẽ đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng. Trong chiến lược phát triển, Agribank đang phấn đấu trở thành một trong 150 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất khu vực châu Á vào cuối năm 2020. 

Tin bài liên quan