Với sản lượng 800.000 tấn/năm, Đạm Cà Mau đáp ứng 40% nhu cầu ure của cả nước

Với sản lượng 800.000 tấn/năm, Đạm Cà Mau đáp ứng 40% nhu cầu ure của cả nước

Đạm Cà Mau: cổ phiếu đáng “đồng tiền bát gạo”

(ĐTCK) Khi những bao đạm ure hạt đục của Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) bắt đầu có mặt trên thị trường vào tháng 1/2012, ít ai biết rằng, kể từ thời điểm ấy, Việt Nam bắt đầu chuyển từ một nước nhập khẩu ure sang xuất khẩu ure. 

Với sản lượng 800.000 tấn/năm, Đạm Cà Mau là một trong những DN sản xuất ure lớn nhất cả nước, đáp ứng 40% nhu cầu. Công ty còn xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước như Campuchia, Thái Lan, Philippines, Bangladesh, Hàn Quốc.

Mở thị phần đến đâu, “cắm rễ” đến đó

Là một DN khá trẻ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nhưng Đạm Cà Mau đã nhanh chóng trở thành người bạn đồng hành của nông dân miền Tây Nam Bộ, nơi có 4,1 triệu héc-ta đất trồng lúa, tiêu thụ phân bón nhiều nhất nước, khoảng 700.000 tấn/năm. Năm ngoái, thị phần của Đạm Cà Mau tại đây đạt 45% và năm nay sẽ nâng lên 55%, nghĩa là hơn một nửa diện tích đất sử dụng sản phẩm ure của Công ty. Chưa có DN phân bón nào trước Đạm Cà Mau có được thị phần lớn và trong một thời gian ngắn như thế. Chất lượng ure, cộng với chính sách giá bán linh hoạt và một hệ thống phân phối rộng khắp đã giúp Đạm Cà Mau “cắm rễ” vững chắc ở miền đất nông nghiệp này.

Từ cây lúa ở miền Tây, Đạm Cà Mau mở rộng thị phần sang miền Đông Nam Bộ, thủ phủ của các loại cây cao su, cà phê, tiêu, điều... vốn tạo ra các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhu cầu tiêu thụ ure ở miền Đông Nam Bộ thấp hơn và cạnh tranh cũng gay gắt hơn, nhất là với sản phẩm của Trung Quốc. Thế nhưng, Đạm Cà Mau vẫn “len chân” vào được và khẳng định vị trí của mình với 25% thị phần.

Sau khi “bám rễ” ở cả miền Tây lẫn miền Đông Nam Bộ, Đạm Cà Mau liền “tiến quân” vào thị trường Campuchia. Thông qua việc xuất khẩu trực tiếp cho các đại lý, Công ty đã giành thêm 5% thị phần ở đất nước chùa tháp, nâng thị phần lên 35% từ mức 30% của năm trước.

Đạm Cà Mau còn đưa sản phẩm sang Thái Lan (trên 90% nông dân có thói quen sử dụng urê hạt đục), Philippines và Bangladesh. Ở khu vực Đông Bắc Á xa hơn, Đạm Cà Mau cũng đã xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc. Dự kiến, năm nay, Đạm Cà Mau xuất khẩu được 100.000 tấn ure. 

Lợi thế người đến sau

Khi PVN quyết định cổ phần hoá Đạm Cà Mau và bán 49% vốn ra bên ngoài, trong đó 24,36% dành cho công chúng (bán đấu giá 128,951 triệu cổ phần, với giá khởi điểm 12.000 đồng/CP, vào ngày 11/12 tới trên HOSE) và một tỷ lệ tương tương dành cho các đối tác chiến lược, không ít nhà đầu tư cho rằng, so với các DN trong lĩnh vực phân bón đang niêm yết, Đạm Cà Mau có vẻ kém hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, Đạm Cà Mau có những ưu thế riêng, đó là ưu thế nhà sản xuất đạm hạt đục duy nhất ở Việt Nam. Hơn nữa, vì là người đi sau, nên Đạm Cà Mau có cơ hội tiếp cận được những thiết bị và công nghệ mới nhất của thế giới.

Công nghệ chính là “át chủ bài” của Đạm Cà Mau, khi người nông dân đã quen với ure hạt đục, chính họ là người tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định cho Công ty. Ngoài ra, Nhà máy Đạm Cà Mau đặt tại Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất đang thử nghiệm mô hình cánh đồng mẫu lớn, nên Công ty còn có ưu thế về vận chuyển.

Đặc biệt, một yếu tố khác tạo nên sự ổn định thị trường tiêu thụ cho Đạm Cà Mau là nhu cầu sử dụng ure hạt đục của các DN sản xuất NPK lớn như Phân bón Bình Điền, Phân bón miền Nam, Phân bón Việt Nhật, Phân bón Ba Con Cò... Các DN này đều tin tưởng và lựa chọn Đạm Cà Mau làm đầu vào cho sản xuất NPK, thay thế hàng nhập khẩu. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn có mặt trên thị trường, thị phần Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng ở mảng này chiếm trên 70% và không đối thủ nào có khả năng qua mặt được.

6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau đạt 403,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế so với mức 525 tỷ đồng của cả năm ngoái. Đối với một DN đang trong giai đoạn khấu hao lớn, sự tăng trưởng lợi nhuận trên là rất đáng quan tâm, nhất là trong bối cảnh giá ure trên thế giới ở mức thấp, đang dao động tại vùng đáy.

Sau khi IPO, Đạm Cà Mau dự kiến sẽ niêm yết ngay để tạo thanh khoản cho cổ phiếu. Giới đầu tư đã từng chứng kiến sự “lột xác” của các DN dầu khí sau cổ phần hoá, có thể sẽ nhìn thấy một sự biến chuyển tương tự ở Đạm Cà Mau. Nhìn từ khía cạnh ấy, Đạm Cà Mau là DN đáng “đồng tiền bát gạo” để tham gia đấu giá cổ phần.          

Tin bài liên quan