Công nghệ chắp cánh sức mạnh doanh nghiệp vừa và nhỏ

Công nghệ chắp cánh sức mạnh doanh nghiệp vừa và nhỏ

(ĐTCK) Nếu như trước đây, chỉ có các doanh nghiệp (DN) lớn mới có đủ ngân sách để thu thập, phân tích và khai thác dữ liệu, thì hiện tại, các DN vừa và nhỏ cũng có thể tận dụng những giải pháp công nghệ phù hợp để mang lại hiệu quả với lợi thế năng động, sáng tạo. “Đây là cơ hội để khối DN quy mô nhỏ nắm bắt cơ hội nhằm bứt phá”, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) chia sẻ.

Trực tiếp chèo lái nhiều DN và tham gia không ít diễn đàn quốc tế, ông nhìn nhận cơ hội cho các DN Việt Nam vươn lên ở thời kỳ này như thế nào?

Các DN Việt Nam, trong đó khối DN vừa và nhỏ đang trở thành trung tâm của quá trình phát triển, được nhận định là có nhiều cơ hội để thành công, cũng như sở hữu sức mạnh tạo sự đột phá trong nhiều lĩnh vực, nếu biết kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng những công nghệ mới.

Tôi muốn đề cập trước hết đến là các DN kinh doanh bất động sản công nghiệp và thu hút đầu tư như các DN đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hiện đang phát triển mạnh mẽ của KBC. Chúng tôi đang nắm bắt và tranh thủ hiệu quả hóa tối đa những cơ hội từ các làn sóng đầu tư, nhất là từ lĩnh vực công nghệ cao. 

Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong thời gian qua?

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế quốc tế, vị thế và vai trò không ngừng được nâng cao. Chính phủ đã chú trọng đúng mức trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước cũng như các nhiệm vụ, giải pháp đề ra về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian qua chưa tạo ra những đột phá thực sự. Năng lực cạnh tranh quốc gia được các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng vẫn ở mức thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.

 Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc

Thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều lĩnh vực chưa được cải thiện rõ rệt, dẫn đến sức cạnh tranh yếu. Trong đó DN phải đối diện với những khó khăn như: Thực thi pháp luật về kinh doanh còn thiếu tính ổn định, minh bạch, không dễ dự báo cả trong nội dung và cách thức thực thi, tạo ra gánh nặng trong thực thi đối với các chủ thể kinh tế. Hoạt động cải cách tư pháp còn thiếu đồng bộ. Hệ thống pháp luật dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, tố tụng tư pháp, tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp chậm hoàn thiện. Các DN gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và thị trường, đặc biệt là thị trường lao động và nguồn nhân lực, trong y tế và giáo dục, tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai, khoa học công nghệ…

Ông nhắc tới việc tạo ra sự đồng bộ trong chuyển động và thực thi chính sách. Ðể làm được việc này, những giải pháp nào nên được xem xét nhìn từ kinh nghiệm thực tế trong và ngoài nước, thưa ông?

Quá trình hoạch định và thực thi chính sách ở Việt Nam hiện nay đang gặp phải những rào cản trong khâu hoạch định và ban hành chính sách, trong thực thi và đánh giá chính sách.

Việc cần thiết là phải xây dựng và hoàn thiện thể chế hoạch định chính sách theo hướng công khai, minh bạch; thiết lập quy trình xây dựng chính sách với sự tham gia của tất cả các bên liên quan; tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định chính sách...

Ðể khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng và thực thi chính sách, theo tôi cần tập trung vào các giải pháp:

Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế hoạch định chính sách. Một trong những nhược điểm lớn nhất của quy trình lập pháp và hoạch định chính sách công ở nước ta thời gian qua là đồng nhất quy trình hoạch định và xây dựng chính sách công với quy trình làm luật; lồng ghép việc xây dựng chính sách và xây dựng luật. Ðiều đó dẫn đến tình trạng có khi luật được ban hành nhưng chưa thể đi vào cuộc sống, hoặc không phù hợp với cuộc sống do việc nghiên cứu, hoạch định chính sách còn yếu, không tương thích với luật.

Vấn đề quan trọng hiện nay là triển khai các văn bản pháp luật vào quá trình hoạch định và tổ chức thực thi chính sách công của chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, kịp thời loại bỏ những cách làm và văn bản không phù hợp, trái với quy định của luật.

Thứ hai, đổi mới quy trình hoạch định chính sách công theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch; thể chế hóa sự tham gia của các chủ thể trong xây dựng chính sách; thiết lập quy trình xây dựng chính sách công với sự tham gia của tất cả các bên có liên quan: Chính phủ, DN, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, các nhà khoa học, chuyên gia...

Việc xây dựng chính sách công từ chỗ chỉ là chức năng đặc quyền của các cơ quan nhà nước trở thành mối quan tâm và trách nhiệm của toàn xã hội. Việt Nam cần có một đội ngũ những người hoạch định chính sách chuyên nghiệp, với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội khác nhau. Tiếp tục tổ chức và thực hiện diễn đàn đối thoại giữa DN với Thủ tướng để các DN có thể trao đổi trực tiếp với Thủ tướng về những vấn đề của DN. Thông qua đối thoại, Chính phủ hiểu các DN muốn gì và các DN biết Chính phủ định làm gì; Thành lập nhóm các chuyên gia giỏi giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu và thiết kế chính sách...

Ở Việt Nam hiện nay còn thiếu vắng các tổ chức nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập mà hoạt động của các tổ chức này sẽ giúp cho Chính phủ nhìn nhận chính sách từ nhiều góc độ, bảo đảm khách quan hơn.

Thứ ba, các nhà tổ chức thực thi chính sách, các lực lượng tham gia và đối tượng chịu ảnh hưởng của chính sách cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn, hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của chính sách và các giải pháp thực hiện, từ đó tạo ra sự đồng thuận trong xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách.

Chính sách sau khi được ban hành, cần phải cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, các kế hoạch 
thực hiện.   

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các tầng lớp nhân dân; thực hiện công khai chính sách để mọi người biết, bàn, thực hiện và kiểm tra chính sách. Chính sách sau khi được ban hành, cần phải cụ thể hóa bằng các chương trình hành động, các kế hoạch thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về tiến độ, hiệu quả thực hiện chính sách công.

Thứ tư, đề cao vai trò của hoạt động phân tích, đánh giá chính sách để từng bước cải thiện chất lượng của quy trình hoạch định và thực thi chính sách. Tổ chức các nhóm chuyên gia đánh giá độc lập, khách quan. Trong quá trình đánh giá, cần quan tâm đến dư luận xã hội, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để thấy được các bất cập. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra những thay đổi trong mỗi DN, xuất hiện những mô hình kinh doanh mới. Cả DN và cơ quan quản lý nên nhìn nhận và thích ứng với những chuyển động này như thế nào?

Tại Việt Nam, các mô hình số hóa đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và điều kiện thuận lợi cho việc tận dụng một cách hiệu quả các nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Tuy nhiên, những mô hình mới này cũng tạo ra những mâu thuẫn, sự thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Vì vậy, đối với cơ quan quản lý, các công cụ hành chính, chính sách cần được cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài.

Ðể có thể hòa nhập, đối với DN, yếu tố đầu tiên là bản thân các DN phải thay đổi tư duy, tích cực quan tâm nhiều hơn đến việc áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Nếu như các tập đoàn lớn có lực lượng nhân sự hùng mạnh trong việc quản trị, áp dụng công nghệ thì các DN vừa và nhỏ cũng có thể tận dụng những giải pháp công nghệ phù hợp để mang lại hiệu quả với lợi thế năng động, sáng tạo sẽ giúp họ tăng cường đột phá.

Ví dụ, các DN vừa và nhỏ có thể khai thác dữ liệu mở với nguồn kinh phí thấp, phục vụ cho hoạt động của mình như nắm bắt đối tượng khách hàng, nhu cầu khách hàng, xu hướng phát triển của thị trường, phân tích, đánh giá để có những kế hoạch phát triển mạnh mẽ..., trong khi trước đây, chỉ có các DN lớn mới có đủ ngân sách để thu thập, phân tích và khai thác dữ liệu.