Còn nhiều việc để con tàu Vinashin “ra khơi”

(ĐTCK) Sau gần 3 năm, Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC, tiền thân là Vinashin) đã giải quyết được những điểm khó khăn nhất, mang tính then chốt về tài chính, trọng tâm của Đề án tái cơ cấu. Song nói một cách ví von, con tàu Vinashin mới được trục vớt, để có thể tiếp tục hải trình, còn rất nhiều việc cần làm.
Ông Nguyễn Ngọc Sự

Ông Nguyễn Ngọc Sự

Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC trao đổi với ĐTCK. 

Thông tin về tái cơ cấu Vinashin luôn được dư luận quan tâm. Ông có thể cho biết, đến thời điểm này, SBIC đã làm được những gì?

Trước đây, “tàu” Vinashin chìm cũng vì tài chính, tiền vay được nhiều nhưng sử dụng kém hiệu quả. Do vậy, mấu chốt chính là tái cơ cấu tài chính, xử lý nợ. Vinashin đã trải qua gần 3 năm tái cơ cấu và bước đầu đạt được kết quả khá tích cực.

Trước tái cơ cấu, Vinashin vay nợ trên 4 tỷ USD, trong đó có vay lại của Chính phủ từ nguồn trái phiếu quốc tế, vay nước ngoài, vay của các ngân hàng trong nước, vay từ các chủ tàu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị…

Đến nay, các khoản nợ này cơ bản đã được thu xếp, áp lực lớn nhất là khoản vay 600 triệu USD từ các chủ nợ nước ngoài đã được xử lý, các khoản vay trong nước cũng xử lý được hơn 50%. Các khoản còn lại được tái cơ cấu, với thời hạn trả nợ khoảng 10 - 12 năm nữa, lãi suất thấp. Như vậy, đến thời điểm này, có thể nói, SBIC không còn phải lo lắng nhiều với các khoản nợ cấp bách, mà chỉ còn lo làm để tích lũy trả nợ.

Một năm trở lại đây, thị trường có dấu hiệu tốt lên, nhu cầu đóng mới tàu bắt đầu tăng 

Vậy nguồn trả nợ sẽ lấy từ đâu, thưa ông?

Số nợ sau tái cơ cấu đã giảm hơn một nửa, nhưng vẫn còn rất lớn. Bởi vậy, nhiệm vụ của SBIC còn rất nặng nề, từ nay trở đi phải tìm cách tích lũy trả nợ dần. Nguồn thu, theo tính toán của chúng tôi, có thể từ nhiều nguồn. Thứ nhất, từ bán tài sản của các doanh nghiệp không giữ lại, bán doanh nghiệp, bán tài sản thu hồi vốn trả nợ. Thứ hai là các khoản thu từ sản xuất - kinh doanh, lợi nhuận. Ngoài ra, từ nay đến khi đáo hạn 10 - 12 năm nữa, các chủ nợ có thể giao dịch trái phiếu của Vinashin trên thị trường thứ cấp, nếu có cơ hội thích hợp, có thể xem xét mua lại để giảm nợ.

Với thực tế thị trường hiện nay, các ông sẽ làm gì để hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định trở lại, tiến tới có lợi nhuận?

Số doanh nghiệp và tài sản SBIC không cần giữ lại, phải xử lý lên tới hơn 200 đơn vị, nhưng tài sản còn lại có giá trị không lớn, khó đáp ứng được nguồn trả nợ, do vậy phải huy động từ các nguồn khác.

Sau khủng hoảng kinh tế, hiện thị trường tàu trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, hy vọng sau năm 2015, thị trường phục hồi, hoạt động sản xuất - kinh doanh của SBIC sẽ có nhiều tiến triển.

Trong một năm trở lại đây, thị trường đã có dấu hiệu tốt lên, nhu cầu đóng mới tàu bắt đầu tăng. Sau khi bắt tay vào tái cơ cấu, SBIC đã xúc tiến nhiều hoạt động quảng bá thương hiệu, tìm kiếm chủ tàu ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Cũng đã có nhiều đối tác quan tâm trở lại, đặc biệt với thị trường trong nước, SBIC đã đóng nhiều tàu phục vụ biển đảo, ngư dân.

Xác định thị trường nước ngoài là chủ lực, SBIC làm gì để nâng cao sức cạnh tranh?

Trước đây, Vinashin đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng được một phần yêu cầu đóng tàu, nhưng nay để theo kịp công nghệ đóng tàu hiện đại, SBIC còn phải làm nhiều việc. Đơn cử, các hãng đóng tàu lớn đều đầu tư ụ khô cỡ lớn để đóng tàu, còn chúng ta hầu hết đóng tàu trên đà, triền, công nghệ này khiến thời gian đóng tàu kéo dài và tốn nhiều chi phí, nhân công. Muốn có công nghệ mới, hiện đại, đến thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ xem xét đầu tư cơ sở hạ tầng cho đóng tàu.

Câu chuyện đầu tư thêm có thể cần nhiều thời gian, vậy trước mắt, SBIC sẽ làm gì?

Trước hết, chúng tôi sắp xếp, phân công lại nhân sự và bộ máy cho hợp lý. Trước đây, Vinashin có thời điểm có tới 70.000 nhân công, nay chúng tôi dự kiến chỉ giữ tối đa 8.000 công nhân có tay nghề cao, còn lại khuyến khích thành lập các nhà thầu phụ chuyên môn hóa cho một số lĩnh vực, nhưng SBIC vẫn kiểm soát được tiến độ, chất lượng, giá thành.

Đóng tàu cần huy động nhiều nhân công như thợ điện, thợ ống, thợ hàn, thợ sơn, nếu nuôi cả một bộ máy khổng lồ thì sẽ có cảnh nhân công ngồi chơi xơi nước, vì không phải tất cả đều có thể cùng bắt tay đóng tàu trong cùng thời điểm. Với nhà thầu phụ, họ vừa chuyên nghiệp trong một lĩnh vực sẽ có tay nghề cao, vừa có thể tìm thêm các công việc bên ngoài nhằm tăng hiệu suất lao động.

Áp lực lớn nhất với SBIC hiện nay là thị trường chưa có, đặc biệt là thiếu vốn. Trước đây, các chủ tàu thường ứng vốn cho đối tác đóng tàu, nay họ thường yêu cầu hãng tàu phải đóng tàu trước, sau khi nhận mới thanh toán tiền. Bởi vậy, muốn vay được vốn, SBIC phải ký được hợp đồng, chứng minh được phương án kinh doanh khả thi, năng lực tài chính trả nợ cho chính con tàu đó.

Các ông có tính đến việc hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, bán cổ phần không, vì họ có thị trường, có công nghệ?

Đây là hướng đi chúng tôi sẽ tập trung triển khai trong thời gian tới. 8 công ty con trực thuộc SBIC sẽ cổ phần hóa hết, nếu có điều kiện thì cổ phần hóa cả công ty mẹ. Trên thực tế, các doanh nghiệp đều hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa do gắn trách nhiệm rất cao với người lãnh đạo doanh nghiệp, đa dạng sở hữu cổ đông sẽ giám sát và gây sức ép cho họ làm việc tốt hơn. Ở không ít doanh nghiệp, chính lãnh đạo doanh nghiệp trở thành cổ đông trực tiếp, khi ấy quyền lợi của họ gắn với vốn góp, làm cho mình nên họ có trách nhiệm hơn.

Quan trọng hơn, cổ phần hóa tạo cơ hội để doanh nghiệp tìm được đối tác chiến lược. Ngành đóng tàu có đặc thù cần đầu tư lớn, nếu không có thị trường, không có công nghệ thì rất khó hoạt động hiệu quả, vì đầu ra rất quan trọng.

Chúng tôi xác định, đối tác chiến lược phải đặc biệt mạnh về công nghệ và thị trường, do đó nhất định phải là nhà đầu tư nước ngoài. Vừa rồi, Tập đoàn Damen (Hà Lan) sau thời gian hợp tác liên doanh với CTCP Đóng tàu Sông Cấm đã đánh giá rất cao doanh nghiệp và thương thảo để mua lại phần lớn tỷ lệ cổ phần của Sông Cấm. Ngoài ra, họ cũng dự kiến mua lượng lớn cổ phần tại Nhà máy Đóng tàu Hạ Long.

Đây là các mô hình thành công và chúng tôi sẽ nhân rộng ở các doanh nghiệp khác. Vừa rồi, SBIC đã sang Nhật Bản tìm kiếm đối tác tham gia vào các nhà máy. Trước đây, họ có ý định đầu tư vào nhà máy Cam Ranh, Nam Triệu…

Căn cứ Kết luận số 65 ngày 6/6/2013 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1224 ngày 26/7/2013 về việc phê duyệt Đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin. Theo đó, kết thúc thí điểm mô hình Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) theo các Quyết định số 103 và 104 ngày 15/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ để chuyển về hoạt động theo mô hình Tổng công ty như trước đây. Thực hiện Quyết định số 1224 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định số 3287 ngày 21/10/2013 thành lập Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC).

SBIC có vốn điều lệ 9.520 tỷ đồng, kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của Công ty mẹ -Vinashin; trực tiếp hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết; thực hiện sắp xếp 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Vinashin trước đây. Cụ thể: cổ phần hóa, bán, chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập 69 doanh nghiệp; bán, giải thể, phá sản 165 doanh nghiệp.

Cơ cấu tổ chức SBIC gồm văn phòng và các phòng (ban) tham mưu giúp việc; đơn vị trực thuộc và đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Hợp tác đào tạo lao động với nước ngoài, Trung tâm Tư vấn thiết kế Công nghiệp tàu thủy, Tạp chí Công nghiệp tàu thủy. Các công ty con gồm: Đóng tàu Phà Rừng, Đóng tàu Bạch Đằng, Đóng tàu Hạ Long, Đóng tàu Thịnh Long, Đóng tàu Cam Ranh, Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn, Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn, Đóng tàu Sông Cấm.

Tin bài liên quan