BSR là đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

BSR là đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Cơ hội cho Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vươn ra thế giới

(ĐTCK) Ngày 17/1/2018, đợt đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), một trong những công ty trụ cột của ngành năng lượng Việt Nam sẽ diễn ra. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí, cũng là cơ hội để BSR nâng tầm quản trị vươn mình ra thế giới.

Cùng trong thời gian này, cũng diễn ra đợt đấu giá cổ phần của hai doanh nghiệp cùng "họ" PVN là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power). Việc cổ phần hóa ba công ty này nằm trong kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp có vốn Nhà nước mà Chính phủ đang đẩy mạnh.

Cận cảnh BSR trước ngày IPO

BSR được thành lập năm 2008 tại Quảng Ngãi, với 100% vốn điều lệ do công ty mẹ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm giữ, là đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Hoạt động của BSR bao gồm sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất nhập khẩu, vận chuyển và phân phối dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ, sửa chữa và bảo dưỡng máy móc, thiết bị trong ngành lọc - hóa dầu và cung cấp các dịch vụ liên quan đến dầu mỏ. Đến nay, BSR đã trở thành một mắt xích quan trọng trong ngành sản xuất chế biến dầu mỏ của Việt Nam.

Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, BSR đã sản xuất và kinh doanh gần 50 triệu tấn sản phẩm các loại, chiếm khoảng 40% nhu cầu xăng dầu trong cả nước.

Tổng doanh thu của Công ty đạt gần 870.000 tỷ đồng (tương đương 40 tỷ USD). Tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước đạt gần 150.000 tỷ đồng (trên 6,5 tỷ USD). Như vậy, tính đến cuối tháng 11/2017, giá trị nộp ngân sách nhà nước của BSR đã gấp đôi tổng mức đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (khoảng 3 tỷ USD).

Chú thích: 
Những dữ liệu cuối năm được lấy từ báo cáo tài chính thường niên được kiểm toán độc lập bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam. Những dữ liệu tháng 11/2017 được lấy từ báo cáo tài chính nội bộ theo mẫu của Bộ Tài chính.
*) Tiền mặt và các khoản tương đương tiền/Nợ ngắn hạn
**) Tài sản có ngắn hạn/Nợ ngắn hạn 

Năm nay, trong bối cảnh giá dầu trên thị trường thế giới hồi phục, BSR tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả cao nhờ công tác quản trị tiên tiến và tiết giảm chi phí, Nhà máy liên tục vận hành an toàn ổn định ở công suất tối ưu 105 - 107%.

Thông tin từ BSR cho biết, 11 tháng đầu năm, Công ty đã nhập 6,08 triệu tấn dầu thô và xuất bán 5,57 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước; doanh thu đạt 71.900 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế 11 tháng đầu năm đạt trên 7.000 tỷ đồng (trên 300 triệu USD). Nhờ vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Công ty đạt 21,12%, tốt hơn nhiều so với kế hoạch năm 2017.

Các chỉ số thanh khoản cao và tỷ lệ đòn bẩy tài chính ở mức rất thấp. Các chỉ tiêu tài chính rất tốt tại thời điểm này là điều kiện thuận lợi để BSR cổ phần hóa.

Các chỉ số ROA, ROE và các chỉ số tài chính khác được dự báo sẽ tiếp tục khả quan. Đặc biệt, BSR có tính thanh khoản cao so với chỉ số bình quân của các công ty lọc hoá dầu trên thế giới.

Tiền mặt và tài sản tương đương tiền có tỷ lệ gần gấp đôi các món nợ đến hạn trong vòng 12 tháng vào ngày 30/11/2017 và chỉ số thanh khoản (tài sản có ngắn hạn trên tài sản nợ ngắn hạn) có tỷ lệ 3:1, một tỷ lệ lý tưởng bảo đảm khả năng trả các khoản nợ đến hạn trong vòng 12 tháng cho Công ty.

BSR quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, là nơi sản xuất ra các sản phẩm sử dụng trong cuộc sống và sản xuất là mặt hàng xăng dầu. Với việc Nhà máy luôn vận hành, sản xuất tuyệt đối an toàn và ổn định, liên tục, BSR đáp ứng trên một phần ba nhu cầu xăng dầu nội địa.

Nhiều đối tác lớn, có uy tín của nước ngoài cùng với PVOil cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Petrolimex, PVOil và các đầu mối kinh doanh xăng dầu trong cả nước tiêu thụ xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu của Dung Quất để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. BSR đã hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, bảo đảm đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cơ hội cho BSR vươn ra thế giới

Theo phương án cổ phần hóa BRS được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mức giá khởi điểm chào bán trong phiên IPO vào 17/1/2018 là 14.600 đồng/cổ phiếu. Với mức lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 dự báo đạt 7.600 tỷ đồng, P/E ở mức giá khởi điểm tương đương gần 6 lần.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn được vận hành  tuyệt đối an toàn với 105 - 107% công suất, đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu của cả nước 

Hiện chỉ số P/E trung bình của cổ phiếu các nhà máy lọc dầu tương tự trên thế giới đang ở mức 10 lần. Xem xét các chỉ tiêu tài chính của BSR và tương quan so sánh với các nhà máy lọc dầu có quy mô tương tự trong khu vực và trên thế giới, năng lực cạnh tranh và lịch sử hoạt động của BSR, dự báo, giá đấu có thể đạt tới 23.000 - 25.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu của BSR đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm trước quyết định của Chính phủ cổ phần hóa BSR, nhất là trong lúc này, thị trường chứng khoán đang tăng trưởng ngoạn mục, chỉ số VN-Index tăng lên mức trên 900 điểm và vẫn đang trong xu hướng tăng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp ngành dầu khí luôn hấp dẫn nhà đầu tư vì đây là ngành có vai trò trọng yếu trong nền kinh tế.

Với BSR, triển vọng phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh và tăng lợi nhuận ngày càng lớn hơn khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dự kiến tăng năng suất chế biến, với đầu vào và đầu ra được đảm bảo bởi các nhà cung cấp, nhà phân phối có uy tín, chiếm thị phần lớn như: Socar, Glencore, PVOil, Petrolimex…

Đặc biệt, giá dầu thế giới đang phục hồi và có xu hướng ổn định. Trong những năm tới, nhu cầu sử dụng năng lựợng dầu khí ngày càng cao trong khi nguồn cung hạn chế vì lý do chi phí khai thác tăng và những lý do chính trị chi phối thị trường dầu khí toàn cầu. Giá dầu WTI Crude Oil đã tăng 10% từ 52,98 USD/thùng ngày 13/12/2016 lên 58,45 USD/thùng ngày 12/12/17 và dự báo có thể đạt mốc 60 USD/thùng trong nửa đầu năm 2018.

Với hoạt động kinh doanh khả quan hiện nay và tiềm năng phát triển mạnh của BSR trong những năm tới, việc cổ phần hóa BSR được dự báo sẽ gặp nhiều thuận lợi trong mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Việc cổ phần hóa doanh nghiệp, thu hút nhà đầu tư chiến lược tham gia vào doanh nghiệp, thay đổi từ cơ cấu cổ đông 100% vốn nhà nước sang cơ cấu cổ đông nhà nước chỉ nắm 43% vốn kỳ vọng sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu tổ chức và chất lượng quản trị của doanh nghiệp.

Cách tổ chức và sự điều hành của bộ máy quản trị sẽ phải xây dựng dựa trên những nguyên tắc quản trị doanh nghiệp và theo thông lệ quốc tế. Với cơ cấu và cách vận hành mới, BSR không chỉ có cơ hội phát huy tiềm năng phát triển nội địa, mà còn có khả năng gia tăng sức cạnh tranh, vươn ra thị trường dầu khí thế giới.

Tin bài liên quan