Chuyển thế “chân kiềng”, Digiworld bùng nổ

Chuyển thế “chân kiềng”, Digiworld bùng nổ

(ĐTCK) Từ hai chân trụ chuyển sang thế chân kiềng trong cơ cấu hoạt động kinh doanh, CTCP Thế giới số - Digiworld (DGW) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. 9 tháng đầu năm, DGW đạt doanh thu 4.383 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 78 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 63% và 38% so với cùng kỳ. 

Với kết quả này, DGW đã hoàn thành 93% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018. Đóng góp chính vào doanh thu của Công ty 9 tháng là ngành hàng điện thoại di động, với doanh thu 1.768 tỷ đồng, tăng vọt 294% so với cùng kỳ 2017 nhờ hợp đồng phân phối độc quyền cho Xiaomi.

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, thị phần Xiaomi (số lượng máy mới bán ra) đã tăng lên 6% sau 2 năm gia nhập thị trường Việt Nam. Sắp tới, Xiaomi sẽ đưa ra nhiều mẫu điện thoại mới, ở các phân khúc giá khác nhau, mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh cho DGW ở mảng này.

Đối với mảng máy tính, doanh thu của DGW đang đi ngược xu hướng thị trường chung, đạt 1.766 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%, trong khi theo báo cáo của GfK, tính đến tháng 8, doanh số thị trường này đang giảm 14%.

Theo DGW, sự tăng trưởng này đến từ việc chuyển hướng và làm tốt hơn việc phân phối dòng sản phẩm hight-end, dòng máy tính cao cấp dành cho giới doanh nhân và dòng máy tính chơi game cho giới tiêu dùng.

Vài năm trở lại đây, hai mảng kinh doanh trên thể hiện vai trò là trụ cột chính thì nay, mảng thiết bị văn phòng đang dần có sự đóng góp ổn định và tăng đều qua các quý trở thành trụ cột thứ ba tạo thế chân kiềng vững chắc trong sự phát triển chung của DGW.

Trong 9 tháng đầu năm, mảng này đạt 797 tỷ đồng doanh thu, tăng mạnh 57% so với cùng kỳ và hoàn thành 80% kế hoạch cả năm. DGW ước tính doanh thu mảng thiết bị văn phòng cán mốc nghìn tỷ đồng trong năm 2018.

Theo báo cáo của BMI, Việt Nam là một trong những quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất tại châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2018 - 2021, trong đó lĩnh vực IT được dự báo phát triển mạnh mẽ.

Dự báo, doanh thu phần cứng máy tính sẽ tăng từ 37.300 tỷ đồng năm 2018 lên 44.600 tỷ đồng vào năm 2021, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 6,2%. Đây là môi trường tuyệt vời để các doanh nghiệp như DGW có cơ hội đẩy mạnh thị phần và gia tăng doanh số trong mảng thiết bị văn phòng.

Tạo ra sự khác biệt so với các nhà phân phối khác, DGW đã đẩy mạnh cung cấp hoàn thiện hệ thống dịch vụ mở rộng thị trường (Market Expansion Services – MES), là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất gần như hoàn thiện cả 5 dịch vụ trong chuỗi MES.

“Thương vụ” nổi bật của DGW chính là hợp đồng phát triển thị trường và là nhà phân phối độc quyền cho Xiaomi, với sản phẩm chính là điện thoại và phụ kiện và các dòng sản phẩm trong hệ sinh thái Mi. Rất thành công với phân khúc giá trung bình, sau 2 năm gia nhập thị trường Việt Nam, thị phần Xiaomi đã tăng lên 6%.

Mới đây nhất, DGW và HMD Global - công ty sở hữu độc quyền thương hiệu Nokia thực hiện ký kết hợp đồng về việc DGW sẽ là nhà phân phối chính thức dòng sản phẩm Nokia tại Việt Nam - “người bạn cũ” từng có sự hợp tác rất thành công với DGW.

Theo số liệu của GfK, nếu tính về số lượng người dùng mới 7 tháng đầu năm (cả smartphone và điện thoại cơ bản), Nokia đứng số 1 thị trường với hơn 25% thị phần, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhiều chuyên gia phân tích đánh giá, với những lợi thế về thị trường của DGW và thương hiệu của Xiaomi, Nokia, chắc chắn DWG sẽ được hưởng lợi nhờ hai thương hiệu này. Theo kế hoạch, ngay trong quý IV/2018, các sản phẩm Nokia bắt đầu có sự đóng góp vào kết quả kinh doanh của DGW.

Việc hợp tác với các thương hiệu lớn là yếu tố tích cực cho DGW, bởi quy mô doanh thu sẽ lớn hơn, triển vọng tăng trưởng tốt hơn nhờ các thương hiệu này đủ nguồn lực để theo đuổi cuộc chiến dài hơi, thâm nhập sâu và gia tăng thị phần ở Việt Nam.

Nếu như ba mảng hình thành nên thế chân kiềng ở trên giúp DGW xây nền móng vững chắc cho sự tăng trưởng bền vững, thì động lực thúc đẩy tăng trưởng của DGW được đánh giá đến từ bước đi táo bạo vào ngành hàng tiêu dùng, với dư địa tăng trưởng dồi dào và biên lợi nhuận khoảng 40%, cao hơn nhiều so với mảng kinh doanh truyền thống.

Trung tâm Nghiên cứu phân tích, Công ty Chứng khoán Công thương dự báo, doanh thu DGW năm 2019 tăng trưởng mạnh 54% lên tới hơn 8.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 140 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 3.000 đồng. Như vậy, với mức giá đóng cửa ngày 26/10/2018 là 23.700 đồng/cổ phiếu, P/E dự phóng 2019 của DGW 7,9 lần, tương đối rẻ cho một cổ phiếu tăng trưởng. 

Tin bài liên quan