Chuyện doanh nghiệp “làm” giáo dục

Chuyện doanh nghiệp “làm” giáo dục

(ĐTCK) Những ngày qua, thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương bỏ biên chế đối với giáo viên gây xôn xao dư luận. Nhiều quan điểm e ngại quyết định trên có thể "biến trường học thành doanh nghiệp", tuy nhiên, nhìn rõ khía cạnh này, có thể thấy các mô hình đào tạo vận hành bởi doanh nghiệp tư nhân đã xuất hiện từ lâu tại Việt Nam. Tất nhiên, "sân chơi" này chỉ mở ra cho những "ông lớn".

Xã hội hóa giáo dục từ nhu cầu thực tế

Được đánh giá là quốc gia có tháp dân số trẻ và đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, Viêt Nam đang có một nguồn lao động rất dồi dào tuy nhiên trong số đó đa phần là lao động trình độ thấp. 

Nguyên nhân chính có thể kể đến là do nền giáo dục nước ta đang tụt hậu quá xa so với nước ngoài. Hầu hết các chương trình đào tạo của các trường công lập đều nghiêng về mặt lý thuyết, xa vời với thực tiễn, thiếu tính khoa học.

Khi đứng trước ngưỡng cửa hội nhập, nền giáo dục của Việt Nam buộc phải thay đổi để bắt kịp với nhu cầu của thế giới. Trong bối cảnh chất lượng giáo dục ở khu vực công không thể đáp ứng hết nhu cầu thực tế của xã hội, chính phủ đã nhanh chóng ban hành các chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Chuyện doanh nghiệp “làm” giáo dục ảnh 1 Việc xã hội hoá giúp mở rộng quy mô với tốc độ lớn, nâng cao chất lượng đào tạo

Cụ thể, như Nghị định số 69/2008/NĐ-CP cho phép các nhà đầu tư được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước, Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Bằng cách huy động sự tham gia của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục với các mức độ khác nhau, việc xã hội hoá giúp mở rộng quy mô với tốc độ lớn, nâng cao chất lượng đào tạo.

Sân chơi của các ông lớn

Với dân số hơn 90 triệu dân, cùng chất lượng đào tạo ở khu vực công chưa đáp ứng được hết nhu cầu, thị trường giáo dục ở Việt Nam sau khi được khuyến khích xã hội hóa được đánh giá là một miếng bánh béo bở chưa được khai thác.

Đứng trước cơ hội đó, hàng loạt các ông lớn và những doanh nghiệp sở hữu những mô hình đào tạo thông minh đã mạnh tay đầu tư cho sự nghiệp trồng người-chiếm lĩnh thị phần, và cũng vừa là để đào tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho chính doanh nghiệp. 

Đầu tiên phải kể đến Tập đoàn FPT, doanh nghiệp đã trải qua 15 năm hoạt động trong mảng giáo dục tư nhân. Tổ chức giáo dục FPT (FPT Education) là một trong các hệ thống giáo dục lớn của Việt Nam, gồm các hệ giáo dục đào tạo trung học phổ thông, cao đẳng, đại học, sau đại học, đào tạo nghề, đào tạo dành cho khối doanh nghiệp… và các dự án ươm tạo. 

Với định hướng iGSM – [Industry Relevant – Global – Smart Education – Mega], FPT Education hướng tới hệ thống đào tạo sinh ra trong lòng doanh nghiệp, đào tạo định hướng doanh nghiệp, và sản phẩm là những gì xã hội cần, doanh nghiêp cần. FPT Education hiện đạt quy mô gần 1.000 cán bộ, giảng viên và gần 15.000 học sinh, sinh viên, học viên ở tất cả các hệ đào tạo.

Tiếp đến là Vinschool do Tập đoàn Vingroup thành lập. Vinschool là hệ thống trường Việt Nam chất lượng cao, liên cấp với triết lý giáo dục toàn diện, tập trung phát triển chương trình 5 trong 1 với các môn văn hóa, tiếng Anh, thể chất, nghệ thuật và kỹ năng sống cho học sinh.

Đồng thời, cài đặt hệ điều hành tư duy để thay đổi cách quản lý, cách tư duy về giáo dục của chính giáo viên và phụ huynh. Ngay trong năm đầu tiên hoạt động, hệ thống Vinschool đã nhanh chóng đạt hơn 6.700 học sinh và gần 1.000 cán bộ giáo viên.

Tập đoàn TH, trong thời gian gần đây, cũng đã cho ra đời TH School. Dự án này áp dụng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, học thêm chương trình Việt Nam học kết hợp cùng một chế độ dinh dưỡng học đường được nghiên cứu bài bản giữa Viện Dinh dưỡng Quốc gia và các chuyên gia dinh dưỡng quốc tế.

Theo đó, ngoài những thay đổi căn bản về cách dạy cách học, TH School còn đưa ra cách tiếp cận mới về nâng cao thể chất, tức là phải đưa dinh dưỡng học đường vào trường học, ngay ở lứa tuổi mầm non.

Chuyện doanh nghiệp “làm” giáo dục ảnh 2 
Một doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếng Anh đã gây được nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây là APAX Holdings (IBC - UPCoM) với tốc độ mở mới trung tâm của mình.
Sở hữu bản quyền mô hình đào tạo của Tập đoàn Chungdahm Hàn Quốc, APAX Holdings nhanh chóng cho ra đời 45 trung tâm APAX English với gần 30.000 học viên trên toàn quốc chỉ trong vòng 2 năm. Dự kiến trong giai đoạn từ nay tới cuối năm, sau khi được cổ đông chiến lược rót vốn, APAX Holdings sẽ nâng tổng số trung tâm lên con số 75.

Rõ ràng, xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ trong thời gian qua. Việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng sẽ hỗ trợ nhiều các doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm phục vụ cho các mục tiêu của xã hội.

Những doanh nghiệp sở hữu nguồn lực lớn về vốn hoặc mô hình đào tạo sẽ nhanh chóng tận dụng được cơ hội trong việc khai phá thị trường đầy tiềm năng này.

Tin bài liên quan