Chứng khoán Sacombank: 2 mục tiêu lớn sau tái cơ cấu

Chứng khoán Sacombank: 2 mục tiêu lớn sau tái cơ cấu

(ĐTCK)

“Chúng tôi không muốn nhắc đến cụm từ kiểm soát đặc biệt nữa. Bây giờ, SBS đã đứng dậy và mục tiêu của chúng tôi là làm sao để Công ty bước đi một cách khỏe mạnh, bền vững”, ông Phan Quốc Huỳnh, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) chia sẻ sau khi Công ty được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 6/3/2014.

Mục tiêu nâng cao năng lực tài chính

“Đến thời điểm này, SBS đã được sống rồi, nhưng chúng tôi sẽ không ngủ quên với điều đó. Hôm nay, chỉ tiêu an toàn tài chính vượt 180% thì ngày mai,

ngày kia cũng phải như thế. Chúng tôi muốn SBS khỏe, để không phụ lòng cổ đông, cơ quan quản lý và nhiều NĐT đã tin tưởng và luôn ủng hộ cho Công ty trong những lúc khó khăn nhất”, Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Huỳnh cho biết, khi nói về tương lai hoạt động của SBS.

Theo ông Huỳnh, 2 vấn đề lớn về thực trạng tài chính mà toàn thể SBS đang phải nỗ lực giải quyết bao gồm: tiếp tục có lãi, từng bước xóa lỗ lũy kế và tăng cường năng lực tài chính.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán hợp nhất, đến cuối năm 2013, lỗ lũy kế của SBS vẫn còn âm 1.324,777 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn điều lệ 1.266 tỷ đồng, dù vốn chủ sở hữu đã tăng lên mức 191,272 tỷ đồng. Hai tháng đầu năm nay, với nỗ lực thu hồi nợ và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, SBS đã có lãi thêm để tiếp tục xóa lỗ lũy kế.

“So với mặt bằng chung các CTCK hiện nay, con số gần 200 tỷ đồng vốn chủ sở hữu còn lại không phải là nhỏ, nhưng so với quy mô vốn điều lệ hiện nay, thì sức ép lành mạnh hóa BCTC vẫn còn rất lớn”, ông Huỳnh nói.

Về mục tiêu tăng năng lực tài chính, theo SBS, đây là điều kiện tiên quyết để Công ty có thể sống khỏe, bởi vì, chỉ có tiền mặt đáng kể, SBS mới có thể đẩy mạnh hoạt động, nuôi sống bộ máy và thực hiện đúng sứ mệnh của mình là mang lại lợi ích bền vững cho cổ đông.

Để giải quyết 2 vấn đề này, SBS cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hồi nợ, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả bên cạnh việc cắt giảm tối đa chi phí hoạt động để tích lũy tài chính.

Ngoài ra, việc kêu gọi cổ đông, đặc biệt là cổ đông lớn, chấp thuận tăng vốn điều lệ hay hợp nhất với một công ty chứng khoán khác (để xóa lỗ lũy kế) cũng đang được xem xét.

“Tất cả các phương án đều vẫn đang để mở và Ban lãnh đạo SBS sẽ làm những gì tốt nhất có thể để sớm đưa Công ty hoạt động tốt, ổn định trở lại”, ông Huỳnh nói.

Mục tiêu hoạt động bền vững

Vấn đề đau đầu nhất không chỉ với SBS, mà với mọi DN luôn là việc tìm ra lời giải cho bài toán phát triển, mở rộng và có lợi nhuận? Trong chiến lược kinh doanh của mình, SBS lấy 3 hoạt động: môi giới, tự doanh, kinh doanh trái phiếu và dịch vụ tài chính làm trọng tâm phát triển.

Trong thời gian qua, hoạt động môi giới của SBS đã có những tín hiệu tích cực, với số dư tiền gửi NĐT hiện đạt khoảng 200 tỷ đồng, tăng 50% so với giai đoạn trước. Hiện thị phần môi giới toàn thị trường (tính cho cả HOSE và HNX) của SBS là xấp xỉ 2% và mục tiêu của Công ty là từng bước đưa lên mức 3%.

Để thực hiện mục tiêu này, SBS đã có những bước chuẩn bị khá bài bản, từ bổ sung nhân sự cấp cao cũng như nhân viên môi giới, đến lên kế hoạch tri ân khách hàng…

“SBS dự kiến làm việc này nhân dịp Công ty ra khỏi diện kiểm soát đặc biệt, nhưng từ trong sâu thẳm, chúng tôi thực lòng cảm ơn những khách hàng đã song hành trong những ngày khó khăn nhất của Công ty. Chúng tôi cam kết sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ tốt nhất, để không phụ sự tin tưởng của NĐT suốt thời gian qua”, ông Huỳnh chia sẻ.

Đối với mảng tự doanh, từ tháng 11/2013 đến nay, hoạt động này của SBS cũng ghi nhận những kết quả tốt, nhưng quan điểm của SBS là tận dụng cơ hội đầu tư, nguồn lực tài chính cho phép, lãnh đạo SBS cho hay, Công ty đang xốc lại toàn bộ quy trình đầu tư, tăng cường quản trị rủi ro theo nguyên tắc an toàn vốn là trên hết.

Đối với mảng dịch vụ tài chính doanh nghiệp và môi giới trái phiếu, theo lãnh đạo SBS, giai đoạn trước, một phần do yếu tố thị trường, một phần do SBS cũng đẩy mạnh cắt giảm nhân sự nhằm tiết giảm chi phí, nên giờ đây lại coi như một mảng mới làm từ đầu.

Hoạt động môi giới trái phiếu sẽ được phát triển dựa trên thế mạnh ban đầu là sự kết hợp nghiệp vụ với hoạt động kinh doanh của Sacombank, bao gồm hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Đối với mảng tư vấn tài chính, bước đầu, SBS sẽ tập trung vào mảng tư vấn cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước theo chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa DN Nhà nước của Chính phủ.

Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động từng mảng cụ thể, SBS cũng đang triển khai những chương trình nhằm xốc lại văn hóa DN, tạo khí thế mới cho cán bộ - công nhân viên hăng hái làm việc, đầu tư nâng cao chất lượng hệ thống giao dịch, hệ thống công nghệ thông tin cũng như tạo hình ảnh chuyên nghiệp, hiệu quả cho toàn bộ SBS.

Năm 2014, dù đã ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan cho 2 tháng đầu năm, nhưng kế hoạch mà Ban lãnh đạo trình ĐHCĐ thông qua vẫn là: lấy thu bù chi, đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.

Tin bài liên quan