Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Chủ tịch Yuanta Việt Nam: Không chỉ “bắc cầu” gọi vốn Đài Loan vào Việt Nam

(ĐTCK) “Các định chế tài chính nước ngoài mua lại công ty chứng khoán (CTCK) tại Việt Nam chắc chắn không phải để tự doanh. Thay vào đó, đích ngắm của các CTCK ngoại sẽ là dịch vụ, không chỉ hướng tới khách hàng là nhà đầu tư trong nước, mà còn mang cơ hội đầu tư tại Việt Nam tới khách hàng của họ ở các thị trường khác”, ông Lê Minh Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCK Yuanta Việt Nam chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán. 

TTCK Việt Nam có sức hấp dẫn như thế nào đối với dòng vốn ngoại, nhất là từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan… khi các định chế tài chính hàng đầu tại các vùng lãnh thổ này đã lần lượt xuất hiện tại Việt Nam thông qua việc mua 100% CTCK trong nước?

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Ðài Loan luôn là những quốc gia/khu vực đứng đầu trong đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam. Dù chưa có số liệu chính thức về đầu tư gián tiếp, nhưng tôi tin dòng vốn từ những tên tuổi này cũng dẫn đầu. Năm 2018, Việt Nam là điểm sáng trong khu vực về thu hút dòng vốn ngoại, trong khi các thị trường láng giềng bị rút vốn mạnh như Thái Lan, Malaysia, Philippines.

Ông Lê Minh Tâm 

Các CTCK lớn trong khu vực ồ ạt đổ vốn thành lập công ty tại Việt Nam là tín hiệu rõ ràng về sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam. Dưới góc nhìn của Yuanta, Việt Nam có nhiều tiềm tăng phát triển, chắc chắn sẽ gây sự chú ý với dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ðáng chú ý, TTCK Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với TTCK Ðài Loan cách đây 20 - 30 năm. Theo đó, định hướng chiến lược, cách thức phát triển sản phẩm, các quy định, hành lang pháp lý của TTCK Việt Nam đều được học hỏi, kế thừa những tinh hoa của các thị trường đi trước, trong đó có Ðài Loan. 

Phải chăng mục tiêu của các định chế tài chính lớn khi thiết lập CTCK tại Việt Nam là thị phần môi giới, thưa ông?

Các định chế tài chính nước ngoài mua lại CTCK tại Việt Nam chắc chắn không phải để tự doanh. Vì nếu tự doanh họ có thể thực hiện được mà không cần phải đầu tư hệ thống giao dịch, giấy phép, nhân sự... tại Việt Nam. Theo tôi, đích ngắm của các CTCK ngoại sẽ là dịch vụ, không chỉ hướng tới khách hàng là nhà đầu tư trong nước, mà còn mang cơ hội đầu tư tại Việt Nam tới khách hàng của họ ở các thị trường khác.

Rất rõ ràng, Yuanta cũng vậy, bởi chúng tôi chưa có kế hoạch nào về tự doanh. Thực tế, Công ty không quyết liệt tăng trưởng thị phần  tại thị trường Việt Nam trong 1 - 2 năm tới, dù chúng tôi có đủ nguồn lực để đẩy mạnh thị phần, nhất là nguồn lực tài chính. Tập đoàn Tài chính Yuanta có tổng tài sản gần 100 tỷ USD, nên việc tăng vốn cho Yuanta Việt Nam lên vài nghìn tỷ đồng không phải là vấn đề lớn. Ðiều quan trọng là tăng vốn hay phát triển kinh doanh phải nằm trong chiến lược tổng thể, phù hợp với bối cảnh, tiềm năng phát triển mỗi giai đoạn.

Yuanta tin rằng, Công ty sẽ trở thành cầu nối, kênh huy động vốn từ Ðài Loan vào TTCK Việt Nam và chắc chắn sẽ không chỉ có dòng vốn từ Ðài Loan. 

Nhưng tại sao dòng vốn ngoại lại chọn thời điểm này để chảy vào thị trường Việt Nam mạnh mẽ hơn so với trước đây?

Có một số nguyên nhân khiến hiện tại là thời điểm thích hợp để dòng vốn ngoại chảy mạnh vào TTCK Việt Nam. Thứ nhất, đó là quy định pháp luật cho phép CTCK nước ngoài được mua cổ phần để sở hữu 100% vốn tại CTCK nội địa.

Thứ hai, thị trường Việt Nam đã có thêm các sản phẩm mới, hoàn thiện hệ thống vận hành và phát triển tới quy mô đủ lớn để các định chế tài chính ngoại có thể triển khai hoạt động và sinh lời. Thử làm phép so sánh, khối lượng giao dịch tại TTCK Singapore vào khoảng 1 tỷ USD/ngày, trong khi những năm 2012 - 2013, giao dịch trên TTCK Việt Nam chỉ khoảng 100 triệu USD/ngày. Hiện tại, giao dịch trên TTCK Việt Nam đạt khoảng 200 triệu USD/ngày, tạm xem là khá. Ðó là chưa kể tới các thị trường lớn hơn như Hàn Quốc (10 tỷ USD/ngày), Ðài Loan (khoảng 7 tỷ USD/ngày).

Nếu quyết tâm và các chính sách phát triển thị trường không đủ để xây dựng thị trường có quy mô lớn thì tiềm năng vẫn chỉ nằm ở trạng thái tiềm năng. 

Quay trở lại với Yuanta Việt Nam, Công ty có “nhiệm vụ” như thế nào trong chiến lược tổng thể của Tập đoàn, thưa ông?

Yuanta là một trong những tập đoàn tài chính lớn tại Ðài Loan, chứng khoán chỉ là một mảng của Tập đoàn, bên cạnh các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, công ty quản lý quỹ. Yuanta Việt Nam sẽ nhận được sự hậu thuẫn từ tập đoàn mẹ, trước mắt là tài chính, các khoản vay từ công ty mẹ với lãi suất tốt hơn so với thị trường; bên cạnh những hỗ trợ về công nghệ, kiến thức, đặc biệt là nền tảng khách hàng. Nói một cách chính xác hơn, đây chính là chiến lược của Tập đoàn, không hẳn chỉ là sự hỗ trợ. Ở các CTCK 100% ngoại khác có lẽ cũng vậy.

Tập đoàn Yuanta phát triển mạnh ở khu vực Ðông Bắc Á và muốn phát triển tiếp theo ở khu vực Ðông Nam Á. Chúng tôi đã rất thành công tại thị trường Ðài Loan khi trong nhiều năm luôn là công ty chứng khoán số 1 về thị phần. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phát triển khá thành công ở thị trường Hàn Quốc.

Các thị trường như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam là điểm đến lý tưởng để phát triển mạng lưới ở khu vực Ðông Nam Á . Theo đó, Việt Nam trở thành mảnh ghép quan trọng trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Yuanta.

Tuy nhiên, do quy mô thị trường còn quá nhỏ, tổng giá trị giao dịch bình quân hàng ngày tại TTCK 10 nước ASEAN cộng lại vẫn chưa bằng của TTCK Ðài Loan nên Yuanta chưa đặt một mục tiêu cụ thể, định lượng nào tại Việt Nam.

Ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này là xây dựng năng lực của Yuanta Việt Nam để đảm bảo có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của Tập đoàn Yuanta toàn cầu. Năng lực này bao gồm công nghệ, xây dựng sản phẩm và đội ngũ nhân sự (hiện đã là 170 nhân sự cả người Việt Nam và người nước ngoài, sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới).

Trước mắt, mục tiêu rõ ràng nhất là Yuanta Việt Nam phát triển mạnh, vững chắc để có thể phục vụ khách hàng tại Hồng Kông, Hàn Quốc…, hướng đến việc phát triển các nền tảng công nghệ, cung cấp công cụ để khách hàng tự phục vụ. Về lâu dài, Yuanta muốn tập trung vào các sản phẩm có lợi thế như phái sinh. 

Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch sắp tới của Yuanta Việt Nam?

Bước đi tiếp theo của Yuanta Việt Nam chắc chắn là nộp hồ sơ xin giấy phép phái sinh. Tại Ðài Loan, Yuanta chiếm hơn 50% thị phần phái sinh.

Bên cạnh đó, năm 2019, Công ty sẽ có thể tiến hành tăng vốn nhưng không quá nhiều. Vấn đề của chúng tôi không phải là nguồn vốn, mà là hiệu quả sử dụng vốn và quản lý rủi ro. Ðồng thời, Công ty sẽ mở rộng thêm  chi nhánh tại các thành phố lớn.

Về dài hạn, cá nhân tôi không ngạc nhiên nếu sau này, Tập đoàn Yuanta sẽ phát triển thêm các lĩnh vực kinh doanh khác ở Việt Nam. 

Vậy trước mắt cho năm 2019, Yuanta Việt Nam có ưu tiên đẩy mạnh môi giới và margin hay không?

80% giao dịch trên TTCK Việt Nam là các nhà đầu tư cá nhân, nên không thể tránh khỏi việc phải phát triển margin nếu muốn giữ chân khách hàng. Dù Tập đoàn Yuanta không muốn đặt nhiều nguồn lực vào những hoạt động rủi ro như cho vay ký quỹ, nhưng chúng tôi vẫn sẽ cung cấp ở mức độ nhất định để phát triển khách hàng trong nước.

Tuy nhiên, tôi khẳng định, margin sẽ không phải là mảng mà Yuanta Việt Nam tập trung tạo thế mạnh. Ðây cũng là lý do mà Công ty không tăng vốn lên 4.000 - 5.000 tỷ đồng, bởi chúng tôi không muốn đặt áp lực cho Ban lãnh đạo Yuanta Việt Nam phát triển margin trong khi hiệu quả và rủi ro đang cần phải được giám sát chặt chẽ.

Như đã nói ở trên, mục tiêu của chúng tôi là xây dựng đội ngũ để hoạt động lâu dài. Thú thật, nếu hỏi tôi thử hình dung 5 năm nữa, Yuanta Việt Nam sẽ phát triển đến như thế nào cũng rất khó, bởi Tập đoàn có những quyết định táo bạo, khó có thể dự báo trước. 

Theo ông, TTCK Việt Nam cần cải thiện điều gì để thu hút hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài?

Theo tôi, TTCK Việt Nam cần mở rộng quy mô lớn hơn nữa để tăng tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các định chế tài chính tham gia, bởi các thị trường mà nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng quá lớn đều có chung đặc điểm là tính biến động (volatility) cao, sử dụng đòn bẩy nhiều.

Bên cạnh đó, quản trị công ty cũng là vấn đề cần tiếp tục cải thiện. Phương thức đánh giá đầu tư của mỗi nhà đầu tư là khác nhau, nhưng các nhà đầu tư tổ chức sẽ xem xét kỹ hơn các vấn đề tài chính, quản trị của doanh nghiệp. Họ ưa thích những công ty có quản trị tốt và minh bạch.

Công bằng mà nói, các quy tắc quản trị công ty tại Việt Nam đã có rất nhiều cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Ðơn cử, vấn đề số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập trong công ty đại chúng mặc dù đã có quy định rõ ràng, nhưng thực tiễn còn cách biệt xa so với kỳ vọng của cơ quan quản lý và của các nhà đầu tư…

Việc nâng cao yếu tố quản trị doanh nghiệp là cả quá trình bền bỉ và khi thấy được sự cải thiện, các nhà đầu tư tổ chức sẽ ngày càng gia tăng.

Ðáng chú ý, khi nói đến nhà đầu tư tổ chức, không thể bỏ qua các định chế trong nước. Ðể gia tăng các nhà đầu tư định chế, cần một giải pháp phát triển thị trường tổng thể và đa dạng về các loại hình nhà đầu tư định chế và quỹ đầu tư. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài dù được mở về luật pháp, nhưng thực tế vẫn còn nhiều rào cản, chưa thuận tiện.

Tin bài liên quan