Chủ tịch HBC và khát vọng xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra thế giới

Chủ tịch HBC và khát vọng xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi giãn cách xã hội còn đang được thực hiện giữa các quốc gia trên thế giới, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vẫn miệt mài triển khai kế hoạch xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài mà HBC đã theo đuổi từ 10 năm qua. 

Ý chí mãnh liệt ấy đã thôi thúc vị Chủ tịch hoàn thành cuốn sách "Thập kỷ vàng, trang sử mới" (đã ra mắt vào cuối tháng 6) nhằm diễn đạt một cách sâu sắc và toàn diện nguyên nhân cùng mục tiêu, cách thức để Hòa Bình xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trong những lĩnh vực liên quan cùng vươn ra biển lớn.

Ông từng nói về việc xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài ở rất nhiều diễn đàn lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng vì sao lại dành thời gian để viết hẳn một cuốn sách về kế hoạch của mình?

Tôi đã từng trình bày ý tưởng của mình tại hai hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi thấy rất sốt ruột vì ý kiến cá nhân mình trình bày trong hội nghị trong một thời gian ngắn không đủ làm sáng tỏ vấn đề và thực tế chỉ có một số ít người quan tâm. Trong khi đó, chúng ta cần có sự đồng thuận nhằm tập hợp mọi nguồn lực và cần phải làm ngay, vì thời gian không còn nhiều.

Không ít người cho rằng đây là ý kiến viển vông. Ở Việt Nam, hiện đang có rất nhiều việc cho ngành xây dựng, các nhà thầu quốc tế đến tìm việc mà tại sao chúng ta lại phải ra nước ngoài? Ngành xây dựng của chúng ta còn quá non trẻ, vậy làm thế nào cạnh tranh được ở thị trường nước ngoài?

Khi nhìn lại toàn cảnh bức tranh công nghiệp xây dựng Việt Nam và thế giới thì riêng Hòa Bình thấy không thể cứ quanh quẩn ao nhà, mà phải đi ra biển lớn. Thời điểm đi ra biển lớn không thể quá chậm, mà thực tế chúng ta đã chậm rồi.

Vì Việt Nam đã trải qua thập kỷ đầu của thời kỳ dân số vàng. Giai đoạn 2020 - 2030 vẫn trong thời kỳ dân số vàng, với tỷ lệ người lao động gấp đôi người phụ thuộc, là thời kỳ dân số tối ưu cho kinh tế bứt phá. Mỗi ngành nghề, mỗi doanh nghiệp cần tận dụng thời gian cơ cấu dân số vàng của quốc gia để xây dựng cho mình các bước đi phù hợp.

Riêng Tập đoàn Hòa Bình, doanh nghiệp đang dẫn đầu ngành xây dựng, cần tiên phong đóng góp cho sự thành công của cơ hội này. Chúng tôi đã xác định giai đoạn này phải thực hiện được hoài bão của mình là đưa dịch vụ xây dựng của Việt Nam ra thế giới.

Nhưng động lực mang tính kinh tế nào thôi thúc ông đưa Hòa Bình vươn ra thị trường nước ngoài?

Ngành xây dựng trong nước mỗi năm tăng trưởng chỉ 8 - 12%, thì 10 năm nữa giá trị xây dựng toàn ngành chỉ 40 tỷ USD. Trong khi thị trường xây dựng trên thế giới năm 2019 đã là 12.000 tỷ USD, gấp 800 lần Việt Nam.

Nếu thành công trong việc xuất khẩu dịch vụ ra thị trường nước ngoài, xây dựng sẽ đưa về cho quốc gia một tỷ trọng GDP đáng kể. Chỉ cần chiếm 1% thị trường xây dựng thế giới thì giá trị là 120 tỷ USD, gấp 8 lần tổng sản lượng ngành xây dựng trong những năm vừa qua.

Quan trọng hơn, xuất khẩu dịch vụ xây dựng ra nước ngoài kéo theo xuất khẩu các sản phẩm, chuỗi dịch vụ cung ứng liên quan như vật liệu xây dựng rất lớn sẽ mang lại thu nhập cho quốc gia rất cao.

Mặt khác, tốc độ tăng trưởng của thị trường đang chậm hơn tốc độc tăng trưởng của doanh nghiệp. Trong thời gian gần đây, các công ty xây dựng lớn không còn nhiều dư địa tăng trưởng. Hòa Bình cứ mỗi 5 năm lại tăng trưởng gấp 5 lần trong gần 3 thập kỷ qua. Muốn giữ được tốc độ tăng trưởng này và cao hơn, Hòa Bình phải ra nước ngoài.

Sự bất đối xứng giữa cung và cầu lâu dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành xây dựng. Ðiều này càng chứng minh chiến lược đưa ngành công nghiệp xây dựng ra nước ngoài là rất cần thiết và đã hơi chậm. Lẽ ra chiến lược này phải thực hiện từ 10 năm trước ở tầm vóc quốc gia.

Hòa Bình có lợi thế gì để "mang chuông đi đánh xứ người"?

Khi tôi đến thăm một số công ty xây dựng lâu đời trên thế giới và đến trung tâm R&D của họ, tôi thấy rất đồ sộ. Nhưng sau khi nghe chia sẻ kinh nghiệm thì tôi phát hiện họ không có hệ thống tập trung toàn bộ thông tin dự án, tối ưu hoá nguồn lực như Hòa Bình mà chia ra làm nhiều mảng, mỗi mảng gần như độc lập với nhau.

fig come here

"Chúng ta buộc phải hành động một cách khẩn trương và quyết liệt vì không còn thời gian để dò dẫm. Chúng ta thấy rõ năng lực cạnh tranh và triển vọng thành công khi ra thị trường toàn cầu của công nghiệp xây dựng Việt Nam. Thập kỷ vàng quý giá một khi đã qua đi sẽ không bao giờ trở lại".Ông Lê Viết Hải

Vì điều kiện họ phát triển khi chưa có công nghệ 4.0, khi đã phân tán thì gom lại rất khó. Và đó lợi thế của công ty xây dựng Việt Nam.

Hòa Bình đã xây dựng một hệ thống tổ chức vận hành bộ máy trên nền tảng mới là công nghệ kỹ thuật mới, công nghệ thông tin 4.0 được vận dụng tối đa trong quản lý xây dựng.

Về công nghệ, Hòa Bình triển khai những công nghệ xây dựng hiện đại nhất và trên thế giới rất ít công ty có kinh nghiệm thi công hàng trăm dự án, nhất là dự án cao tầng như Hòa Bình. Chúng ta có lợi thế về trình độ công nghệ, trình độ quản lý và kinh nghiệm thi công rất lớn.

Tôi đã bắt tay chuẩn bị ra nước ngoài khá lâu. Từ 2011 đã qua Malaysia làm quản lý xây dựng dự án, gồm tổ chức thi công, lập biện pháp thi công, chọn nhà thầu, quản lý giám sát.

Vì sao một thị trường đi trước cần năng lực quản lý xây dựng của Việt Nam? Họ đã đến tìm hiểu về hoạt động quản lý của Hòa Bình và nhận thấy công trường của Hòa Bình sạch sẽ, ngắn nắp, an ninh. Họ đã giao cho chúng tôi quản lý thi công để nâng trình độ quản lý công trình.

Ðội ngũ Hòa Bình đã thực hiện 3 dự án ở Malaysia, trong đó có dự án lên đến 2.000 căn hộ. Khi đó, các kỹ sư Malaysia làm việc dưới quyền kỹ sư Việt Nam.

Từ Malaysia, Hòa Bình mở rộng sang Myanmar và tôi nhận thấy trình độ quản lý của kỹ sư Việt Nam tại thời điểm đó, có chênh lệch hơn nên tự tin để ra khu vực.

Nhưng lợi thế chi phí thi công có lẽ thuộc về các nhà thầu nước sở tại?

Giá thành xây dựng ở các nước trong khu vực không chênh lệch nhiều nhưng ở các nước châu Âu, Mỹ, Canada thì chi phí gấp 4 - 5 lần ở Việt Nam.

Phân tích cơ cấu giá, có nhiều chi phí chi phí quản lý và hỗ trợ kỹ thuật mà HBC có thể cạnh tranh được nhờ áp dụng công nghệ. Không cần đưa người qua mà vẫn làm được.

Khả năng khai thác nguồn nhân lực có trình độ và xuất khẩu chất xám giảm chi phí xây dựng ở các nước phát triển kéo theo chuỗi dịch vụ cung ứng trong nước với vai trò tổng thầu khi triển khai được sẽ đem lại giá trị rất lớn.

Tiếp theo, Hòa Bình làm gì để hiện thực hoài bão của mình, thưa ông?

Chúng tôi sẽ sẽ thực hiện mua bán, sáp nhập nhiều hơn trong tương lai để chuyển giao hệ thống quản trị, thủ tục, chính sách, nền tảng văn hoá doanh nghiệp và tinh hoa Hòa Bình. Như vậy, Tập đoàn sẽ sở hữu những công ty trong cùng lĩnh vực xây dựng tổng thầu, có khả năng phát triển quy mô lên gấp nhiều lần không phải quá khó.

Hòa Bình có kế hoạch mua cổ phần một công ty xây dựng tại Rominia. Hòa Bình sẽ giúp họ trở thành công ty xây dựng số một ở Romania tiếp theo mục tiêu trở thành cố một ở Ðông Âu và xa hơn là xuất khẩu dịch vụ xây dựng sang các nước trong khối Liên minh châu Âu.

Chúng tôi cũng thực hiện các giải pháp củng cố năng lực tài chính và triển khai đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) một cách bài bản ở cả lĩnh vực xây dựng và vật liệu nhằm củng cố năng lực cạnh tranh toàn diện.

Từ kinh nghiệm thực tế của mình, theo ông, Chính phủ có thể hỗ trợ gì cho ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam lớn mạnh, không chỉ trên sân nhà?

Chúng tôi mong muốn khi ký kết các hiệp định thương mại, Chính phủ quan tâm đưa vào điều khoản cho phép doanh nghiệp xây dựng Việt Nam được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu khác ở nước sở tại.

Ở trong nước, với những dự án quy mô lớn như đường sắt Bắc - Nam, tàu điện ngầm, sân bay quốc tế nên chia nhiều gói thầu không quá lớn. Ðối với điều kiện đấu thầu quốc tế, nên quy định nhà thầu nước ngoài phải liên doanh với nhà thầu trong nước.

Hình thức liên doanh là bình đẳng cùng quản lý điều phối toàn dự án không theo mô hình phân chia hạng mục công việc, hạng mục công trình hoặc thầu chính - thầu phụ. Chúng ta tránh phải phụ thuộc vào nhà thầu ngoại với cái giá phải trả gấp vài lần.

Tôi tin rằng, doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đủ trình độ vươn lên làm chủ ngành công nghiệp xây dựng hoàn toàn không chỉ ở Việt Nam, mà còn tự tin vươn ra biển lớn.

Tin bài liên quan