Bức tranh sáng về lợi nhuận ngân hàng

Bức tranh sáng về lợi nhuận ngân hàng

(ĐTCK) Tín dụng cải thiện dần, nợ xấu được đẩy nhanh tiến độ phát mãi tài sản, bán theo giá thị trường kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội được đưa vào thực hiện… giúp tổng lợi nhuận của các ngân hàng trong quý III tăng trưởng tốt. Một số nhà băng đã sớm cán đích lợi nhuận cả năm.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tình hình lợi nhuận của hệ thống tổ chức tín dụng khá khả quan. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng tới 15,8%, tỷ lệ thu nhập lãi thuần cận biên (NIM) tăng lên mức 2,8%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2,7%. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống theo báo cáo khoảng 2,9% (năm 2016 khoảng 2,6%), tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu. Tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trên tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng toàn ngành cũng giảm từ 53% (năm 2016) xuống 49%.

Tại ACB, tổng số nợ xấu nội bảng của Ngân hàng đến cuối tháng 9/2017 ở mức 1.913 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,04% trên tổng dư nợ, mức thấp trong hệ thống ngân hàng hiện nay. ACB báo lãi sau thuế hơn 2.000 tỷ đồng trước thuế trong 9 tháng, tăng 61% so với cùng kỳ 2016. Như vậy, so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm ở mức 2.205 tỷ đồng đề ra tại Đại hội đồng cổ đông hồi đầu năm nay thì Ngân hàng đã hoàn thành 90% kế hoạch sau 9 tháng.

Ngân hàng dự kiến sẽ trích lập toàn bộ cho 3.500 tỷ đồng nợ nhóm G6 của “bầu” Kiên từ trước để lại vào cuối năm 2017. Nếu giả định tỷ lệ thu hồi chỉ là 30% thì ACB có thể hạch toán được 1.050 tỷ đồng lợi nhuận không thường xuyên, tương đương 45% lợi nhuận trước thuế năm 2017. Ngoài ra, ACB còn dự kiến xử lý hết trái phiếu VAMC (có giá trị sổ sách là 1.410 tỷ đồng và hiện đã trích lập dự phòng lũy kế là 528 tỷ đồng) trong 6 tháng cuối năm 2017. Nếu ACB trích lập toàn bộ cho số trái phiếu này thì lợi nhuận không thường xuyên từ thu hồi nợ có thể đạt 423 tỷ đồng (tỷ lệ thu hồi 30%); tương đương 18,30% lợi nhuận trước thuế năm 2017.

Đánh giá được đưa ra từ giới phân tích chứng khoán cho rằng, hệ thống quản trị rủi ro và danh tiếng của Ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. Ngân hàng đang có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng nhanh hơn ngành trong 3 năm tới. Cụ thể, ACB đạt mức tăng trưởng tín dụng 12,82% tính đến cuối tháng 9/2017, chủ yếu nhờ tăng trưởng tín dụng mảng cho vay cá nhân. Tính đến cuối tháng 9/2017, cho vay khách hàng đạt 184.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với đầu năm.

ACB đã chủ động tăng cường chất lượng cho vay trong quý II/2017 và thực hiện bằng cách chọn lọc khách hàng có hồ sơ tín dụng tốt. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá, cấu trúc cho vay cá nhân của ACB ít rủi ro hơn, bền vững hơn và ít chịu ảnh hưởng của thị trường bất động sản.

Trong dài hạn, ACB tiếp tục tập trung vào thế mạnh của mình trong mảng kinh doanh ngân hàng bán lẻ. Ngân hàng có kế hoạch đến năm 2020 sẽ tăng tỷ lệ cho vay mua nhà lên đến 20 - 25% tổng dư nợ cho vay cá nhân và tỷ lệ cho vay tiêu dùng tăng lên 10 - 12% tổng dư nợ cho vay cá nhân dựa trên tiềm năng tăng trưởng của các phân khúc này. Đồng thời, ACB dự kiến tăng thu nhập ngoài lãi và tỷ lệ tiền gửi thanh toán và không kỳ hạn. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 của ACB tăng đến 29,5% so với đầu năm nay, đạt gần 775 tỷ đồng.

Với định hướng của Chính phủ nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 18% lên đến 20 - 21% trong năm nay để tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng GDP, ACB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng mức trần tín dụng lên 20%. Giới phân tích tài chính cho rằng, hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của các ngân hàng sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm 2017 và 2018. Đó cũng là cơ sở để dự báo lợi nhuận của nhiều nhà băng sẽ sớm cán đích trong năm nay và tiếp tục tăng.

Các dự báo đưa ra, khả năng lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 2.285 tỷ đồng trong năm 2017 (tăng 37% so với cùng kỳ năm trước) nhờ tăng trưởng tín dụng cũng như thu nhập ngoài lãi cao hơn trong năm nay và đạt 4.038 tỷ đồng trong năm 2018 (tăng 77% so với năm 2017). Tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2018 bắt nguồn từ thu nhập lãi thuần tăng; chi phí hoạt động và chi phí dự phòng giảm sau khi ACB hoàn tất trích lập dự phòng các khoản cho vay, cũng như các khoản phải thu liên quan đến nhóm 6 công ty của “bầu” Kiên trong năm 2017.                

Mới đây, Tạp chí Asiamoney đã trao cho ACB hai giải thưởng, bao gồm giải Ngân hàng tốt nhất Việt Nam 2017 (Best Domestic Bank 2017) và giải Ngân hàng tốt nhất về trách nhiệm xã hội (Best Bank for Corporate Social Responsibility). ACB là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam đạt được cùng lúc hai hạng mục giải thưởng uy tín của Asiamoney. Theo công bố trên website của Asiamoney, đây là 2/6 hạng mục giải thưởng lớn trong chương trình giải thưởng Asiamoney thường niên dành cho các ngân hàng của mỗi quốc gia tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Đối  với hạng mục giải thưởng Ngân hàng tốt nhất Việt Nam, Asiamoney đã đánh giá ACB dựa trên điểm mạnh về quy mô hệ thống mạng lưới bán lẻ; lợi nhuận; hiệu quả; năng lực tăng trưởng bền vững trong tương lai và khả năng thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường cũng như nhu cầu khách hàng.

Tin bài liên quan