BRG nỗ lực thúc đẩy du lịch gôn tại Việt Nam

BRG nỗ lực thúc đẩy du lịch gôn tại Việt Nam

(ĐTCK) Trung bình hàng năm, hệ thống sân gôn của Tập đoàn BRG đón tiếp gần 200.000 du khách, gôn thủ trong nước và quốc tế đến chinh phục các hố gôn đầy thử thách; đồng thời, trải mình trong không gian khoáng đạt, tráng lệ.

Cho tới nay, BRG đầu tư xây dựng nhiều sân gôn tại Bắc và Trung bộ theo nhiều phong cách địa hình độc đáo. Nếu như Kings Island Đồng Mô (BRG Kings’ Island Golf Resort), sân gôn 36 hố tại Sơn Tây, Hà Nội được thiết kế dựa trên nét đẹp sơn thủy hữu tình đặc sắc của vùng núi Tản sông Đà, gồm hai sân 18 hố, sân Lakeside (Bên hồ) và sân Moutainview (Hướng núi) thì BRG Ruby Tree, sân gôn 18 hố tại Đồ Sơn, Hải Phòng lại được bao bọc bởi khung cảnh thiên nhiên vô cùng thơ mộng, phía sau là dãy núi Rồng, mặt trước là biển cả, giúp không khí nơi đây luôn trong lành, mặn mà hương vị đại dương.

Ngoài ra, BRG Legend Hill, sân gôn 18 hố độc đáo với “twin green” (mỗi hố có 2 green) là sân gôn đầu tiên ở Việt Nam do Nicklaus Design (Mỹ) thiết kế. Cảnh quan của sân gôn là sự kết hợp giữa vẻ đẹp của vùng núi đồi Sóc Sơn bao la với các giá trị văn hóa, lịch sử.

Trong khi đó, BRG Da Nang Golf Resort, được thiết kế bởi huyền thoại gôn Greg Norman là sân gôn 18 lỗ sở hữu Par 3 đẹp nhất Việt Nam.

Dự kiến, vào đầu năm 2018, BRG chào đón thành viên mới, sân gôn 18 hố đẳng cấp thế giới mang tên Kings Course tại Sơn Tây được thiết kế bởi Nicklaus II, con trai cả của huyền thoại gôn thế giới Jack Nicklaus và cũng là Chủ tịch của công ty thiết kế sân gôn số 1 thế giới hiện nay là Nicklaus Designs. Đây là sân gôn theo phong cách hiện đại nhất của chuẩn mực sân gôn thế giới, tận dụng vẻ đẹp tự nhiên tuyệt mỹ của địa hình đồi núi Sơn Tây…

“BRG đã tạo ra sự khác biệt nổi bật nhất trong từng sản phẩm và dịch vụ mà Tập đoàn cung cấp”, nhận xét này của các gôn thủ đã phần nào phản ánh triết lý kinh doanh của Tập đoàn. Tuy nhiên, với bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, bí quyết kinh doanh lại rất đơn giản. Bà chia sẻ: “Tôi cũng là một người đam mê gôn nên luôn mong muốn người chơi gôn tại Việt Nam được tiếp cận và trải nghiệm những gì được coi là tiêu chuẩn cao nhất của ngành công nghiệp gôn trên thế giới”.

Định vị ở phân khúc cao cấp, con số 200.000 lượt khách tới thăm và chơi gôn mỗi năm không chỉ khẳng định tên tuổi dẫn đầu của BRG tại Việt Nam, mà còn đưa Tập đoàn “ngồi cùng mâm” với những tập đoàn gôn hàng đầu trên thế giới.

Dẫu vậy, lợi nhuận không phải là mục tiêu số 1 mà BRG lựa chọn theo đuổi. Bà Nga và các cộng sự mong muốn việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp gôn sẽ đem về nguồn ngoại tệ cho đất nước, giải quyết thêm việc làm cho người dân và góp phần thay đổi bộ mặt du lịch Việt Nam.

Việt Nam hiện có trên 50 sân gôn nằm rải rác khắp đất nước, vậy mỗi năm có bao nhiêu khách du lịch nước ngoài tới Việt Nam chơi gôn? Giám đốc điều hành các sân gôn thuộc hàng lớn nhất Việt Nam đều chia sẻ một câu trả lời chung là: Họ không có số liệu và hiện tại rất khó để có số liệu thống kê chính xác, đủ tin cậy về vấn đề này.

Tìm hiểu của một số tạp chí chuyên ngành cho thấy, tỷ lệ du khách nước ngoài đến Việt Nam chơi gôn chỉ chưa đầy 0,5% trên tổng số hơn 10 triệu khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Tỷ lệ này ở Malaysia là 2% trên 25 triệu khách du lịch nước ngoài và ở Thái Lan là xấp xỉ 9% trên 23,2 triệu (nguồn IAGTO – Hiệp hội Các nhà tổ chức du lịch gôn quốc tế).

Tiềm năng của du lịch gôn trên thế giới là vô cùng lớn, duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số trong hơn 5 năm trở lại đây bất chấp sự suy thoái chung của kinh tế thế giới. Những con số trên cho thấy, du lịch gôn Việt Nam vẫn đang đứng ngoài nhịp tăng trưởng của ngành gôn thế giới. Trong khi đó, ở tầm vĩ mô, Chính phủ Việt Nam bắt đầu coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và sẽ có những cơ chế, chính sách để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.

Với tâm huyết lớn từ vị Chủ tịch, mong muốn phát triển ngành công nghiệp không khói, đưa hình ảnh Việt Nam tươi đẹp và phát triển đến bạn bè quốc tế, tới đây, BRG sẽ tham gia tổ chức Hội nghị thượng đỉnh gôn châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra ngày 14-16/11/2017 tại Đà Nẵng. Sự kiện quy tụ các nhà phát triển sân gôn hàng đầu trong khu vực, được truyền thông rộng rãi ở tầm quốc tế và là tâm điểm của giới chơi gôn toàn cầu.

Sự kiện như vậy có ảnh hưởng rất tích cực đến sự phát triển của ngành gôn trong nước. Đơn cử, Đại hội du lịch gôn châu Á tổ chức ở Thái Lan đã góp phần kéo lượng khách chơi gôn tới đây tăng hai con số trong các năm tiếp theo. Tất nhiên, đến Thái Lan, họ không chỉ chơi gôn, mà còn chi tiêu rất lớn cho các hạng mục như nhà hàng, khách sạn và mua sắm.

Bên cạnh đó, BRG đang ấp ủ nhiều kế hoạch, dự án đầu tư cho ngành gôn như tập hợp và đào tạo đội tuyển trẻ quốc gia để thi đấu ở các giải thể thao chuyên nghiệp mang tầm quốc tế, góp phần tạo ra sự lan tỏa rộng hơn.

Tin bài liên quan