Bán lẻ nữ trang, con gà đẻ trứng vàng của PNJ

Bán lẻ nữ trang, con gà đẻ trứng vàng của PNJ

(ĐTCK) Nhờ đầu tư mạnh hơn vào các mảng đem lại lợi nhuận cao như trang sức cao cấp, giảm dần tỷ trọng kinh doanh vàng miếng đã giúp CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ - sàn HOSE) đạt tỷ suất lợi nhuận cao hơn hẳn so với các đối thủ cùng ngành.

Việc giá vàng thế giới giảm mạnh đã khiến giao dịch vàng miếng trong nước không còn quá sôi động như trước. Cùng với đó, chênh lệch giữa giá vàng trong nước cũng như quốc tế dần thu hẹp khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng, đặc biệt vàng miếng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Chính vì vậy, trong lĩnh vực kinh doanh vàng, nhiều doanh nghiệp có kết quả doanh thu rất lớn nhưng lợi nhuận tạo ra không đáng kể. Cụ thể, theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2014, DOJI là doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất, nhưng lợi nhuận sau thuế lại thấp nhất. Trong khi đó, PNJ với doanh thu thấp hơn, nhưng lại đạt được mức lợi nhuận sau thuế cao nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành với 256 tỷ đồng.

Bán lẻ nữ trang, con gà đẻ trứng vàng của PNJ ảnh 1

Để đạt được mức tăng trưởng vượt bậc trên, bên cạnh tiếp tục tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi, từ năm 2012, PNJ đã rất nỗ lực thoái vốn khỏi những khoản đầu tư ngoài ngành, nhất quán với mục tiêu đã được thông báo với các cổ đông. Những khoản đầu tư chính bao gồm Ga Đại Việt, CTCP nhiên liệu Sài Gòn, CTCP Sài Gòn Food… Vừa qua, PNJ cũng đã thoái vốn thành công khoản đầu tư dài hạn tại Sài Gòn M&C.

Theo báo cáo tài chính của PNJ, tính đến hết quý III/2015, công ty đạt lợi nhuận sau thuế 151 tỷ đồng. Mảng kinh doanh cốt lõi là bán lẻ trang sức tiếp tục tăng trưởng mạnh với tỷ lệ tăng trưởng trên mỗi cửa hàng là 24% và lợi nhuận gộp mảng bán lẻ nữ trang tăng trưởng đến 45%. Mặc dù lợi nhuận sau thuế trong quý III có phần sụt giảm, tuy nhiên đây là do khoản trích lập dự phòng đã tăng lên.

Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt, giá cổ phiếu PNJ trong giai đoạn hiện nay vẫn đang bị chi phối bởi thông tin bất lợi từ khoản đầu tư vào DongABank, tuy nhiên hoạt động kinh doanh chính của PNJ vẫn cho thấy một sự tăng trưởng rất tốt. Hệ thống bán lẻ của Công ty phát triển nhanh và hầu hết các cửa hàng mới đều đem lại thành công nhờ vào công tác nghiên cứu trong việc lựa chọn địa điểm phù hợp.

Công ty cũng có những công cụ hỗ trợ phân tích số liệu kinh doanh tốt để kịp đưa ra các chính sách bán hàng theo xu hướng của thị trường. Do đó, công ty sẽ tiếp tục phát triển tốt trong hai năm tới trên cơ sở phát triển hệ thống cửa hàng.

PE forward của PNJ dựa trên EPS 2016 khoảng 6,5x. Đối với một doanh nghiệp có quy mô, thị phần lớn như PNJ và tiềm năng tăng trưởng vẫn khả quan, PNJ được đánh giá mức PE hợp lý là 10x.

Tính đến hết tháng 9 năm 2015, PNJ đã hoàn thành kế hoạch mở mới 35 cửa hàng và hiện tại lượng cửa hàng mới vẫn tiếp tục tăng. Dự kiến, đến hết năm 2015, PNJ sẽ có khoảng 200 cửa hàng trên toàn quốc.

Bán lẻ nữ trang, con gà đẻ trứng vàng của PNJ ảnh 2

Chiếm 22% thị phần trang sức tại Việt Nam, PNJ được xem là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành nữ trang. Mức giá cổ phiếu của PNJ hiện nay được đánh giá là mức giá khá tốt cho các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn và tin vào sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp, cũng như chiến lược tái cấu trúc các khoản đầu tư tài chính để tiếp tục tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi, trang sức vàng, trong những năm tới.

Tin bài liên quan