Đây là hai "công cụ" góp phần giúp người đại diện chuẩn hóa trong công tác quản trị doanh nghiệp

Đây là hai "công cụ" góp phần giúp người đại diện chuẩn hóa trong công tác quản trị doanh nghiệp

Áp dụng quản trị hiện đại vào công tác người đại diện

(ĐTCK) Vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được sử dụng hiệu quả hay không, phụ thuộc lớn vào tâm và tài của những người đại diện vốn nhà nước. Tất nhiên, Nhà nước, hay nói đúng hơn là cơ quan quản lý vốn nhà nước, phải có “cây gậy” và “củ cà rốt” hữu hiệu.

Đại diện vốn nhà nước đóng nhiều “vai”

Người đại diện vốn nhà nước, theo cách nhìn của ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đóng nhiều vai. Họ vừa là đại diện thực hiện các quyền, nghĩa vụ cổ đông/thành viên/chủ sở hữu là Nhà nước, vừa là cổ đông của doanh nghiệp, lại vừa là người quản lý doanh nghiệp.

Với tư cách đại diện vốn nhà nước, họ chịu sự chỉ đạo của cổ đông nhà nước, là cơ quan ủy quyền đại diện cho họ. Với tư cách lãnh đạo công ty, họ phải tuân thủ và bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp. Bởi thế, cả cơ quan cử họ làm đại diện vốn và bản thân người đại diện phải nắm rõ từng vai của mình để có những ứng xử đúng.

“Cây gậy”, theo cách nói của ông Hiếu, là hệ thống khuôn khổ pháp lý, quy chế, quy định liên quan đến quản lý và sử dụng vốn nhà nước, liên quan đến hoạt động của người đại diện vốn nhà nước, nói một cách ngắn gọn là thể chế.

Hiện nay, các quy định trong lĩnh vực này ngày càng được hoàn thiện, đặc biệt Luật Doanh nghiệp 2014, đã giúp phân định rõ từng vai của người đại diện. Nhưng nếu chỉ có mình người đại diện đơn độc trên hành trình của mình, kết quả thu được khó có thể như kỳ vọng.

Ngoài ra, trách nhiệm của người đại diện được quy định rất rõ ràng, ở góc độ nào đó tương đối nặng nề, nhưng “củ cà rốt”, trong đó có quyền lợi, cơ chế thù lao, việc làm sau khi Nhà nước thoái vốn lại chưa thực sự đầy đủ.

Thêm công cụ cho người đại diện

Theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty nhận thức rất rõ về những khó khăn trên. Do đó, với vai trò cơ quan quản lý vốn nhà nước, hành xử trên tâm thế một cổ đông của doanh nghiệp, SCIC liên tục học hỏi, kiện toàn, ban hành và cập nhật thêm các công cụ, phương thức làm việc để đồng hành với người đại diện, đồng hành với doanh nghiệp nhằm đem lại hiệu quả tối ưu nhất cho doanh nghiệp, cho Nhà nước.

Cụ thể, bên cạnh lựa chọn và đề cử những người đại diện xứng đáng giữ các chức vụ trong bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp, SCIC đã ban hành Quy chế Người đại diện. Từ đầu năm 2017, người đại diện còn có thêm các công cụ hỗ trợ tiện ích khác như “Sổ tay hướng dẫn biểu quyết” và “Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp”.

Đây là 2 ấn phẩm SCIC phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Viện Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JERI) và Hãng kiểm toán PwC thực hiện, dựa trên thực tế tại các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty và các thông lệ quản trị hiện đại trên thế giới.

Theo ông Bùi Thành Hiệp, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng An Giang, 2 ấn phẩm trên là công cụ, phương tiện hữu ích, từng bước giúp người đại diện chuẩn hóa trong công tác quản trị doanh nghiệp, công tác tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông cũng như các cuộc họp Hội đồng quản trị, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả quản trị vốn đầu tư tại doanh nghiệp, xử lý những vấn đề khó như phân chia lợi nhuận, phê duyệt kế hoạch hợp nhất - sáp nhập, chuyển đổi, tái cơ cấu, chia tách công ty…

Vai trò “đồng hành” của SCIC còn thể hiện rõ nét trong việc thiết kế và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng phù hợp, giúp người đại diện nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm quản trị, điều hành, để gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, trong tháng 3/2017, SCIC đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Tập huấn tiền lương cho các công ty cổ phần mà SCIC có vốn chi phối”. Hội thảo đã đề cập đến các vấn đề nóng trong công tác tiền lương cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối và được người đại diện hưởng ứng sôi nổi.

SCIC cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong ngoài nước, có sự tham gia của người đại diện là lãnh đạo các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng sản xuất kinh doanh… Các hoạt động này đã thu được những tác động tích cực không chỉ trước mắt mà còn là đặt ra nền tảng lâu dài cho Tổng công ty cũng như Người đại diện trong công tác giao lưu, trao đổi nhằm mục tiêu mở rộng thị trường

Cổ đông năng động

Hợp tác và những giá trị gia tăng mà cổ đông SCIC mang lại thể hiện khá rõ nét ở nhiều doanh nghiệp sau khi vốn nhà nước được chuyển giao về Tổng công ty.

Ví dụ, vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên (Công ty) được UBND tỉnh Thái Nguyên bàn giao về SCIC từ tháng 2/2017. Công ty được giao khai thác và quản lý 190 ha tại Khu công nghiệp Sông Công 1, tỉnh Thái Nguyên, nhưng mới khai thác được 74,55 ha, đạt 37,8% diện tích quy hoạch. Hiệu quả kinh doanh rất thấp: doanh thu 15,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 150 triệu đồng, Công ty không có nguồn để tiếp tục thực hiện đầu tư mở rộng.

 Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên là một trong những doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động sau khi SCIC đảm nhận vai trò quản lý vốn nhà nước

SCIC đã hỗ trợ, phối hợp với doanh nghiệp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động - kinh doanh. Đồng thời, bổ sung cán bộ tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát để nắm bắt các công việc, hoạt động kinh doanh hàng ngày; hỗ trợ Công ty trong việc xin chủ trương, lập đề xuất đầu tư dự án mở rộng để khai thác quỹ đất hạ tầng còn trống; hỗ trợ Công ty trong việc xúc tiến tìm kiếm nhà đầu tư, tạo dựng quan hệ với các đối tác…

Cổ đông SCIC cũng đã đồng hành, hỗ trợ, tư vấn cùng với người đại diện và Hội đồng quản trị tại các doanh nghiệp để trình đại hội đồng cổ đông các nội dung thay đổi cho phù hợp quy định mới, nhằm đảm bảo quá trình điều hành sản xuất - kinh doanh, mô hình quản trị doanh nghiệp vừa đúng luật, vừa đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích cho cổ đông…

Tại Công ty cổ phần Cảng An Giang, với đề nghị của Công ty, SCIC đã thành lập Tổ hỗ trợ Công ty xây dựng Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 Công ty tổ chức vào ngày 9/6/2017 thống nhất thông qua.

Nếu Chiến lược Công ty được thực thi và dự án đầu tư mở rộng Cảng Mỹ Thới được triển khai theo đúng tiến độ, tốc độ tăng trưởng sản lượng khai thác bình quân 7,75% và đạt 3.500.000 tấn vào năm 2021, lượng container qua cảng sẽ tăng trưởng đột phá - bình quân 38% trong 5 năm tới và doanh thu của Công ty dự kiến sẽ đạt gần 159 tỷ đồng vào năm 2020 - gấp 2 lần so với thực hiện năm 2016.

Trong số gần 150 doanh nghiệp có vốn, SCIC gặp không ít trường hợp “đau đầu”: Doanh nghiệp kinh doanh yếu kém; có tranh chấp, khiếu kiện kéo dài như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Tĩnh, Công ty TNHH Nông công nghiệp Hà Trung, Công ty cổ phần Nông sản Tân Lâm, Công ty cổ phần Giầy Đông Anh, Công ty cổ phần Du lịch Đồ Sơn...

Người đại diện đã phối hợp tốt với Tổng công ty và các cơ quan quản lý nhà nước tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại trên, cải thiện hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ đó, SCIC đã thoái vốn thành công tại doanh nghiệp, trong đó có những đơn vị đạt giá trị cao như lô cổ phiếu của Công ty cổ phần Du lịch Đồ Sơn, gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.

Làm tốt vai trò cổ đông năng động ở một doanh nghiệp không đơn giản, để có thể đảm nhận tốt vai trò quản lý vốn nhà nước ở cả trăm doanh nghiệp, tất nhiên SCIC gặp không ít thách thức. Tuy nhiên, những kết quả mà các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty đạt được, cụ thể thông qua bảng đánh giá hệ thống người đại diện năm 2016, có thể tin tưởng rằng, đồng vốn nhà nước đã được giao đúng địa chỉ. Xu hướng tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản lý vốn nhà nước do đó cần được phát huy để tài sản nhà nước được bảo toàn và sinh lợi.

Tính đến 31/7/2017, danh mục đầu tư của SCIC có 141 doanh nghiệp, với vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 19.558 tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ 94.927 tỷ đồng.

Việc quản lý vốn nhà nước được thực hiện thông qua 227 người đại diện. Có 171 người đại diện với vai trò là cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch, nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh năm 2016, điển hình như:

- Doanh thu vượt trên 10%: Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (125%), Công ty Khoáng sản Hà Giang (117%), NTP (112%), DHG (111%), BMP (110%)…

- Lợi nhuận vượt trên 10%: Bảo Minh (148%), BMP (131%), SGC (136%), SIC (122%), Vinaconex (114%), VNM (113%), FTel (113%), DHG (111%), Vinare (110%)…

-Chỉ số ROE cao trên 20%: VNM (42%), FTel (29%), BMP (27%), DHG (25%), SGC (24%), NTP (22%), FPT (22%), TRA (21%)…

Tin bài liên quan