Ông Đàm Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc ACB nhận giải

Ông Đàm Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc ACB nhận giải

ACB đạt giải báo cáo thường niên tốt nhất

(ĐTCK) Với hạng mục Báo cáo thường niên (BCTN), tất cả các BCTN của năm tài chính 2018 đủ điều kiện tham gia bình chọn đều phải trải qua 2 vòng chấm, trong đó vòng sơ khảo do hai Sở GDCK TP.HCM và Sở GDCK Hà Nội trực tiếp chấm điểm và chọn lọc DN. Trước khi vào vòng chung khảo, BCTN của các DN sẽ được soát xét bởi 4 công ty kiểm toán hàng đầu (Big 4) là Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PwC nhằm đảm bảo độ tin cậy, khách quan và chuyên sâu trong việc xét chọn. 

Ở vòng chấm chung khảo, Hội đồng bình chọn dựa vào kết quả chấm sơ khảo, kết quả soát xét của Big 4 và qua thảo luận đánh giá để bình chọn ra các BCTN có số điểm cao nhất của mỗi nhóm vốn hóa để trao giải. Kết quả, có 25 doanh nghiệp có BCTN tốt nhất được chọn để vinh danh, trong đó có 10 doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa lớn, 10 doanh nghiệp nhóm vốn hóa vừa và 5 doanh nghiệp thuộc nhóm vốn hóa nhỏ. 

Năm 2019 là năm thứ hai thực hiện chia nhóm các doanh nghiệp theo quy mô vốn hóa. Kết quả cho thấy vẫn có sự phân hóa rõ rệt về chất lượng báo cáo giữa các nhóm vốn hóa. Dẫn đầu về chất lượng cả nội dung lẫn hình thức vẫn là nhóm vốn hóa lớn với điểm trung bình chung và điểm trung bình các phần cao hơn hai nhóm còn lại.

Đây là nhóm gồm 50 doanh nghiệp trong rổ VNX50 nên chất lượng báo cáo tương đối đồng đều và điểm số thể hiện sự vượt trội hơn. Nhóm vốn hóa vừa với 150 doanh nghiệp tiếp theo đạt điểm trung bình 58,5/100 mới chỉ là mức điểm cơ bản, nghĩa là doanh nghiệp mới chỉ cung cấp những nội dung cơ bản nhất theo mẫu BCTN.

ACB là một trong hai ngân hàng duy nhất lọt top 10 doanh nghiệp niêm yết nhóm vốn hóa lớn có BCTN tốt nhất 2019. Điều đáng nói là năm 2018, ACB cũng vào top 10 doanh nghiệp niêm yết nhóm vốn hóa lớn có BCTN tốt nhất. BCTN của ACB tiếp tục nhận được giải thưởng cao quý từ “Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết” năm 2019 do Sở GDCK TP.HCM (Hose), SGDCK Hà Nội (HNX), Dragon Capital và Báo Đầu tư chứng khoán phối hợp thực hiện. 

Với ACB, chủ trương của ngân hàng này lâu nay là luôn minh bạch. Đồng thời, việc công bố thông tin phải đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật…và đó chính là sự thể hiện được minh bạch thông tin.

Theo ông Đàm Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc ACB, minh bạch thông tin không chỉ là yêu cầu luật định mà còn là một quy tắc ứng xử của doanh nghiệp. Với chủ trương trên và thực hiện xuyên suốt trong quá trình hoạt động nên việc xây dựng BCTN trong năm luôn được ACB quan tâm đặc biệt. Bởi đây chính là cầu nối để ACB chuyển tải thông tin cũng như thông điệp đến với nhà đầu tư.

Ông Tuấn cho biết, Ngân hàng luôn phải chuẩn bị công việc này từ đầu năm mới, sau khi kết thúc năm tài chính. Đồng thời, ACB có thông báo phân công cụ thể. Đặc biệt, trong đó có sự tham gia viết bài của chính Chủ tịch HĐQT ACB. Nội dung cũng như các bài viết được đọc sửa nhiều lần cho đến khi cho là khá hoàn thiện. Sau đó, nội dung BCTN được ban lãnh đạo cao cấp duyệt. 

Nguyên tắc công bố thông tin của ACB là tuân thủ và cung cấp thông tin theo đúng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; không phân biệt đối xử giữa cổ đông tổ chức hay cổ đông cá nhân, trong nước hay nước ngoài. Đồng thời, thông tin phải được công bố dựa trên sự kiện, chứ không chỉ phán đoán để nhà đầu tư có căn cứ đưa ra quyết định.

Quan điểm của ACB, công bố thông tin là một nghĩa vụ của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp niêm yết. Đặc biệt, với việc công bố thông tin dưới hình thức BCTN theo ông Tuấn, vừa là tuân thủ quy định pháp luật, vừa là cung cấp thông tin liên quan đến doanh nghiệp để nhà đầu tư và thị trường tài chính nói chung tham khảo khi muốn đầu tư vào chứng khoán của doanh nghiệp. Vì thế, BCTN được là một tài liệu quan trọng của doanh nghiệp trong công tác quan hệ với nhà đầu tư.

Qua BCTN ACB, nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm bắt được tình hình, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng trong năm. Đồng thời, qua đó ACB cũng đưa ra các đánh giá, dự báo về tình hình thị trường trong nước và nước ngoài, giúp nhà đầu tư thấy được bức tranh toàn cảnh. Vì vậy, BCTN là ấn phẩm đặc biệt nhận được sự quan tâm của Ban lãnh đạo ACB.

Trong đó, có một thành viên Ban điều hành chủ trì việc thực hiện BCTN hằng năm. Chính vì vậy, BCTN của Ngân hàng ACB luôn được Hội đồng bình chọn đánh giá cao về chất lượng nội dung và cả hình thức trình bày. 

Với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ĐHCĐ năm 2019 giao ở mức gần 7.300 tỷ đồng, khả năng Ngân hàng Á Châu (ACB) sẽ sớm hoàn tất và thậm chí vượt chỉ kế hoạch xây dựng cho năm nay. Sau 3 quý kinh doanh đầu năm, ACB đã thu về 5.561 tỷ đồng, nhờ giảm mạnh dự phòng rủi ro khi ngân hàng đã nỗ lực xử lý nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của ACB giảm từ 0,73% xuống 0,67%.

Tin bài liên quan