Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chính sách muốn trúng, hiệu quả và khả thi, phải được xây dựng theo hướng lấy nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lợi làm trung tâm. Ảnh: Chí Cường

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, chính sách muốn trúng, hiệu quả và khả thi, phải được xây dựng theo hướng lấy nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lợi làm trung tâm. Ảnh: Chí Cường

Chuyển đổi số và hạ tầng: Mở không gian phát triển mới cho nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Chuyển đổi số và hạ tầng giao thông là 2 từ khóa mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chọn để nói về không gian phát triển của nền kinh tế năm 2021.

Từ những chỉ dấu tích cực

Trong tuần đầu tiên của năm 2021, có tới 18.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Có 2.100 doanh nghiệp đã ra đời theo Luật Doanh nghiệp 2020, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Đó là thông tin được ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký doanh nghiệp đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội.

“Đây là một chỉ dấu tích cực”, ông Tuấn chia sẻ nhận định, sau khi giới thiệu cuốn cẩm nang về đăng ký doanh nghiệp vừa được chuyển tới các cán bộ đăng ký kinh doanh cả nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Chí Cường

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Chí Cường

Thực chất, gánh nặng công việc không chỉ rơi vào một vài bộ phận nào, nếu nhìn vào 13 nhiệm vụ năm 2021 của ngành kế hoạch và đầu tư do Thứ trưởng Trần Quốc Phương trình bày tại Hội nghị. Chỉ tính riêng đầu việc liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, công việc đã rất lớn, từ hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), kết nối qua các nền tảng số, xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử lớn, đến rà soát, thu hẹp phù hợp các ngành, lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn, hay tham gia xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới…

Đáng nói là, những công việc này sẽ phải được thực hiện với tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đặt rõ yêu cầu như vậy.

Bộ trưởng yêu cầu rõ là phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). Đi cùng với đó là cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

“Chính sách muốn trúng, hiệu quả và khả thi, phải được xây dựng theo hướng lấy nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lợi làm trung tâm. Chúng ta đã chứng kiến nhiều chính sách không triển khai thực hiện được hoặc hiệu quả không được như kỳ vọng do được thiết kế theo tư duy chủ quan của người hoạch định, không bám sát thực tiễn, không đứng trên giác độ của người thụ hưởng chính sách”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đây cũng có thể là chỉ dấu tích cực cho các kế hoạch đầu tư, kinh doanh tới đây của người dân, doanh nghiệp.

Tư duy không thể đứng ngoài, đi sau

Thay vì phát biểu khai mạc như thông lệ các hội nghị ngành triển khai kế hoạch năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chọn cách chia sẻ tâm tư sau khi đã dành toàn bộ thời gian để nghe ý kiến, kiến nghị, trao đổi của các địa phương.

“Covid-19 là khó khăn, nhưng cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam nắm lấy để bứt phá và trỗi dậy khi các cấu trúc kinh tế và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Năm 2021 là năm mở đầu kế hoạch 5 năm 2021-2025, với tình hình phức tạp do bệnh dịch, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Thế và lực của Việt Nam dù đã lớn mạnh hơn trước nhiều, nhưng nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn hiện hữu. Nền kinh tế vẫn còn những nút thắt trong quá trình phát triển, chưa thực sự được giải quyết, khơi thông. Năng lực cạnh tranh về cơ bản vẫn ở mức trung bình trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh “hậu Covid-19”, các FTA thế hệ mới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự dịch chuyển của dòng thương mại và đầu tư quốc tế, thời kỳ dân số vàng… đang tạo ra thời cơ lớn để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững và bao trùm.

“Nếu chọn một từ khóa cho năm 2021, tôi chọn chuyển đổi số, theo nghĩa rộng, gồm cả Chính phủ, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói ngắn gọn.

Điều này cũng có nghĩa, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng mà Chính phủ giao Bộ Kế hoach và Đầu tư sẽ phải xây dựng trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công... sẽ phải hoàn thành nhanh, cùng với chính sách khuyến khích doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới sáng tạo...

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phê duyệt Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là nhiệm vụ ngay từ đầu năm của Bộ. Chúng ta có gần 800.000 doanh nghiệp, nếu chuyển đổi số thành công, sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của cả cộng đồng doanh nghiệp, đóng góp vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Không gian phát triển mới từ quả đấm thép

“Để chọn một từ khóa cho giai đoạn 2021 - 2025, tôi chọn hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh khi đề cập đến đầu tư công.

Năm 2019, lần đầu tiên sau nhiều năm, toàn bộ kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 được giao một lần. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được toàn quyền chủ động điều hòa vốn giữa các dự án trong năm kế hoạch.

Các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không bị bó buộc trong phạm vi danh mục đã được giao, mà được điều chỉnh, bổ sung một cách linh hoạt theo mục tiêu và nhu cầu phát triển, nên đã khắc phục phần nào tình trạng đầu tư công dàn trải, phân tán...

Nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vẫn trăn trở, dù việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025 đã xác định là tập trung chủ yếu đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn, trọng điểm, có tính kết nối, tác động lan tỏa tới phát triển liên vùng, vùng và địa phương; tập trung vào những dự án mang tính chất “quả đấm thép” trong tăng trưởng.

“Với vai trò là cơ quan tham mưu về huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư phát triển, tôi cho rằng, đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung xây dựng các công trình trọng yếu, nhất là hạ tầng giao thông và năng lượng, tạo sự lan tỏa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chúng tôi đã làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải và báo cáo Chính phủ về đề xuất, đến năm 2025, phải hoàn thành ngay một số trục giao thông chính như đường cao tốc Bắc - Nam, hệ thống đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ Tiền Giang đến Mũi Cà Mau, ôm tới Kiên Giang; đường lên Tây Nguyên, đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, Sân bay Long Thành... Đề nghị các địa phương cũng đầu tư theo tư duy này, tập trung vào các dự án tạo tính lan tỏa...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đặc biệt, ông cũng rất sốt ruột với kế hoạch phát triển trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng.

“Đặt một chân compa vào Đà Nẵng hay TP.HCM rồi quay, sẽ thấy chỉ mất 3 giờ bay là đến được các thành phố lớn của ASEAN, Đông Á. Về múi giờ, chúng ta không trùng với 21 trung tâm tài chính quốc tế hiện có. Đây là thời cơ vàng để Việt Nam xây dựng được một trung tâm tài chính quốc tế, nên cần phải làm rất nhanh, rất quyết tâm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị trực tiếp với lãnh đạo hai địa phương.

Khi đó, nền kinh tế sẽ có thêm không gian để tranh thủ các dòng dịch chuyển vốn đầu tư, thương mại quốc tế, tạo động lực tăng trưởng mới, cơ cấu lại kinh tế nội vùng và quốc gia.

Với tư cách là một cơ quan tổng tham mưu trưởng, chúng ta phải kiên trì, tiên phong và đẩy nhanh việc cải cách, nghiên cứu định hướng chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… Tranh thủ tận dụng nguồn lực con người để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn dân số vàng, trước khi chuyển sang giai đoạn già hóa dân số.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Tin bài liên quan