Chuyển đổi số, linh hoạt, ứng biến để vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
Đại dịch Covid-19 gây ra nhiều thách thức lớn, nhưng trong bối cảnh đó, nhiều start-up đã tận dụng cơ hội từ thế giới online để chuyển đổi, thích nghi, chủ động vượt khó.
Chuyển đổi số, linh hoạt, ứng biến để vượt khó

Chuyển đổi từ offline sang online

Do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức truyền thống (offline) gặp phải rất nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp sử dụng phương thức trực tuyến (online) lại có bước tăng tốc đáng kể.

Bà Lê Diệp Kiều Trang, sáng lập Quỹ Alabaster cho rằng, năm 2020 nên được gọi là “năm chuyển đổi số”. Theo bà Trang, năm 2020, thị trường online đã đạt tới mức doanh thu được dự báo cho năm 2025. Trong bối cảnh phải thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc để phòng chống Covid-19, mọi người lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Mạng xã hội và video dạng ngắn trở thành nền tảng tìm kiếm sản phẩm khi khách hàng có nhu cầu mua sắm...

Chuyển đổi số đã mang lại thành công cho rất nhiều doanh nghiệp trong “thời Covid-19”. Để minh chứng cho điều này, nhà sáng lập Quỹ Alabaster chia sẻ câu chuyện chuyển mình của Công ty Arevo (Mỹ) khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kỹ thuật số (digital) trong công nghệ in 3D sợi carbon vào tháng 7/2020.

Với bước chuyển đổi này, khi rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới gần như tê liệt vì Covid-19, Arevo đã gọi vốn thành công hơn 7 triệu USD để quảng cáo online, tiếp cận 29 triệu khách hàng, bán ra hơn 3.000 sản phẩm, tương đương với việc “bỏ ra một đồng, thu về 5,3 đồng”.

Tại Việt Nam, trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, các trang thương mại điện tử đều có được doanh số khả quan.

Bà Trang nhấn mạnh, chuyển đổi số mở ra cơ hội công bằng cho tất cả doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ cần thiết trong giai đoạn chịu tác động bởi Covid-19, bởi dịch bệnh rồi sẽ qua, thế giới cũng sẽ không ngừng biến đổi, nhưng nền tảng online sẽ vẫn duy trì và phát triển, giúp mọi người kết nối với nhau. “Vì vậy, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của tất cả doanh nghiệp, dù bây giờ mới bắt đầu cũng chưa muộn”, bà Trang nói.

Linh hoạt thích ứng

Ông Phạm Duy Hiếu, Phó chủ tịch Quỹ Khởi nghiệp quốc gia (SVF) cũng cho rằng, trong “thời Covid-19”, doanh nghiệp nói chung và các start-up nói riêng cần có một mô hình kinh doanh linh hoạt để thích ứng với tình hình, trong đó, chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, theo ông Hiếu, khi gặp khó khăn, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần giải quyết tốt bài toán chi phí, song vẫn phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhân viên. Doanh nghiệp có thể lựa chọn cắt giảm chi phí, giảm lương nhân viên như một giải pháp tình thế để vượt qua khó khăn. Nhưng quan trọng là, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nói chuyện chân thành với đội ngũ, để cùng thấu hiểu và chia sẻ.

Ngay với doanh nghiệp của mình, khi gặp khó khăn, bản thân ông Hiếu cũng đã không nhận lương hay một đồng thu nhập nào để dành toàn bộ quỹ lương cho nhân viên, giúp họ phần nào vượt qua khó khăn và chọn gắn bó với doanh nghiệp.

Phó chủ tịch Quỹ SVF nhấn mạnh, giải pháp vượt khó cho doanh nghiệp nằm ở chính sách, chiến lược và thái độ. Về chính sách, cần linh hoạt, ứng biến; về thái độ, cần duy trì sự chân thành và gắn kết.

Tin bài liên quan