Chuyển đổi số - Động lực hậu Covid-19

Chuyển đổi số - Động lực hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Covid-19 đến thời điểm hiện tại vẫn là một cú sốc chưa có hồi kết với thế giới. Vai trò của chuyển đổi số được thể hiện rõ nét trước những ảnh hưởng xấu của đại dịch.

Cuộc đại thiết lập lại trên phạm vi toàn cầu

Ngày 21/7 năm nay, vượt qua những khó khăn về mặt di chuyển xuyên biên giới thời kỳ đại dịch, lãnh đạo các quốc gia vẫn có mặt tại Davos trong một sự kiện thường niên: Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Tại đây, những vấn đề lớn của kinh tế thế giới được đưa ra thảo luận, trong đó triển vọng kinh tế thế giới trong và sau đại dịch Covid-19 là tâm điểm. Đi sâu hơn vào các chủ đề thảo luận, nổi bật là vai trò của số hóa trong việc kiến thiết các nền kinh tế hậu Covid-19.

Trong các báo cáo của WEF có báo cáo “Digital Transformation: Powering the Great Reset” - tạm dịch là “Chuyển đổi số: Sức mạnh cho cuộc Đại thiết lập”. Lưu ý, WEF đã dùng thuật ngữ “Great Reset”.

Từ “Great” thường được kết hợp với các sự kiện nổi bật, mang tính bước ngoặt với một quốc gia lớn, một khu vực lớn hoặc trên toàn thế giới.

Rõ ràng, dịch Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng khủng khiếp trên phạm vi toàn cầu. WEF kết hợp từ “Great” với từ “Reset” - thiết lập lại. Thực tế, Covid-19 khiến tất cả phải chững lại, thậm chí dừng lại và cần phải thay đổi toàn diện.

Theo đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cho bối cảnh hiện tại. Chuyển đổi số không còn là câu chuyện cũ, nhưng chưa thể phát huy hết tiềm năng vốn có. Covid-19 là động lực cho sự thay đổi và chuyển đổi số là trọng tâm, như cách mà WEF đã dùng “Powering the Great Reset”.

Chuyển đổi số hay bị bỏ lại phía sau?

Vai trò của chuyển đổi số được thể hiện rõ nét trước những ảnh hưởng xấu của đại dịch. Trong báo cáo của mình, WEF đã chỉ số, các công ty đã hoàn thành việc chuyển đổi số hoặc nhận thức sớm về chuyển đổi số có khả năng chống chọi tốt hơn với khủng hoảng và đáp ứng nhanh hơn, tốt hơn nhu cầu của khách hàng và xã hội.

Bằng chứng cụ thể là theo thống kê của Mckinsey, trước khi Covid-19 diễn ra, các công ty thực hiện chuyển đổi số có tốc độ gia tăng doanh thu gấp đôi so với các công ty khác.

Thống kê về số hóa toàn cầu khi Covid-19 xảy ra.

Thống kê về số hóa toàn cầu khi Covid-19 xảy ra.

Khoảng 47% các công ty áp dụng các hình thức đạt được lợi thế cạnh tranh bằng số hóa có mức tăng trưởng trung bình 10% trong vòng 3 năm gần nhất, trong khi đó chỉ 30% các công ty truyền thống làm được điều này.

Cũng như đặc điểm của các cuộc cách mạng công nghệ trước đây, khoảng cách giữa người đi trước và kẻ bị bỏ lại phía sau sẽ càng được nới rộng theo thời gian.

Ở những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, sự suy giảm tổng cầu, quá trình giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển giữa các quốc gia khiến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.

Người lao động được trả lương ít hơn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có lợi thế về công nghệ có ít khả năng hơn trong việc điều chỉnh để bắt kịp sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng.

Sàng lọc doanh nghiệp trong quá trình đầu tư

Trong một thông cáo báo chí bằng tiếng Việt vào tháng 10 vừa qua, PwC đưa ra những khuyến nghị giải pháp cho các doanh nghiệp phi tài chính nhằm có thể sớm vực dậy sau đại dịch.

Hai trong những giải pháp đó là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy ESG - tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị.

Ngoài ra, khi tìm kiếm thông tin trên các công cụ tìm kiếm, người dùng rất dễ nhận ra những xu hướng nói trên, ngay cả bằng tiếng Việt. Điều đó cho thấy, đây là xu hướng tất yếu, không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam.

Biết rõ xu hướng đó là một ý tưởng quan trọng để bổ sung vào các yếu tố sàng lọc doanh nghiệp trong quá trình đầu tư.

Cụ thể hơn, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển đổi số có vẻ như sẽ là một trong những nhóm ngành hiếm hoi hưởng lợi trong bối cảnh hiện tại. Hậu Covid-19, các doanh nghiệp đã hoàn thành quá trình chuyển đổi số hoặc nhận thức sớm về điều này có thể có lợi thế cạnh tranh lớn trong tương lai.

Tin bài liên quan