VietinBank iPay Mobile, không chỉ là “thay áo mới”
Tuần qua, khách hàng khu vực Hà Nội được chứng kiến màn “lột xác” từ thiết kế đến tính năng khi VietinBank chính thức triển khai ứng dụng VietinBank iPay Mobile phiên bản mới được nâng cấp với 50 tính năng mới nhằm mang đến cho khách hàng trải nghiệm thú vị về cuộc sống số.
Giao diện với sắc xanh được đánh giá dễ chịu, thiết kế sáng tạo và thân thiện, mang phong cách trẻ trung và hiện đại hơn phiên bản cũ.
Ðiểm nhấn tạo nên sự khác biệt của phiên bản này chính là việc sắp xếp các dịch vụ theo cụm tính năng chính trên giao diện, giúp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, trong đó nổi bật là cụm tính năng dịch vụ thẻ được phát triển “full option”, từ truy vấn lịch sử giao dịch tài khoản thẻ đến các dịch vụ mà trước đây khách hàng phải đến quầy giao dịch mới thực hiện được như kích hoạt thẻ, mở/khóa thẻ, thanh toán hóa đơn qua thẻ…
Ngoài tính năng chuyển khoản nhanh 24/7, ứng dụng iPay mới đã bổ sung thêm nhiều chức năng chuyển tiền và thanh toán cho người dùng, đặc biệt là các tính năng nhắc nhở thanh toán các loại hóa đơn, chuyển khoản định kỳ và đặt lịch chuyển tiền, thực sự giúp người dùng có một “trợ lý ảo” để quên đi nỗi lo lỡ hẹn thanh toán các khoản nợ.
Ngoài ra, ứng dụng được xây dựng trên nền tảng di động kết hợp với công nghệ mới nhất cho phép quá trình xử lý thông tin được nhanh gọn, chính xác và đảm bảo yêu cầu bảo mật cao.
Giải pháp xác thực Soft OTP trên VietinBank iPay Mobile được xem như một “bức tường chắn” vững chãi giúp khách hàng thực hiện xác thực nhanh nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối so với các hình thức xác thực truyền thống.
“VietinBank luôn mong muốn làm giàu và nâng cao chất lượng sống của khách hàng thông qua việc phát triển ứng dụng ngân hàng số lấy cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống của khách hàng.
Bởi vậy, chúng tôi tin tưởng rằng, VietinBank iPay Mobile sẽ là một trợ lý đắc lực luôn đồng hành và giúp khách hàng tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất”, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ.
Robot OPBA, VTM OPBA “giải phóng” định nghĩa về ngân hàng
Lần đầu tiên tại Việt Nam, khách hàng được trải nghiệm đa không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại đón đầu xu hướng công nghệ 4.0 như tablet, LCD touch screen...
Ðáng chú ý là sự xuất hiện của Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA.
Hệ sinh thái này được hợp kênh ứng dụng trên nền tảng Open Banking của Nam A Bank được cho rằng sẽ “giải phóng” khách hàng khỏi những định nghĩa thông thường về một ngân hàng.
Việc ra mắt không gian giao dịch số của Nam A Bank được xem là bước tiến đột phá của ngân hàng này trong kỷ nguyên 4.0.
Mọi nhu cầu tài chính của khách hàng sẽ được đáp ứng 24/7 khi có thể giao dịch đa kênh, đa tiện ích, với hàng loạt tính năng toàn diện và vượt trội tích hợp trên các thiết bị, đặc biệt là Robot OPBA và VTM OPBA.
Khách hàng sẽ gặp gỡ Robot OPBA để được tư vấn mọi thắc mắc theo nhu cầu, thay vì phải đợi chờ xếp hàng tại quầy.
“Với những cử động đã được lập trình tự động hóa, Robot OPBA có khả năng nhận diện khuôn mặt khách hàng bằng tính năng Face ID hiện đại, chủ động chào hỏi hỗ trợ khách hàng. Ðặc biệt, khi cần trao đổi trực tiếp với nhân viên ngân hàng, Robot OPBA sẽ đưa ra lựa chọn và hướng dẫn khách hàng đến quầy giao dịch”, đại diện Nam A Banhk chia sẻ thêm.
Chi nhánh số VTM OPBA được Nam A Bank triển khai nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch ngân hàng của người bận rộn, trong khi dịch vụ ngân hàng trực tuyến chỉ giới hạn ở các giao dịch chuyển tiền, tra cứu tài khoản, thanh toán hóa đơn...
Theo đó, khách hàng có thể rút tiền, in/xem sổ phụ tài khoản…, thậm chí là phát hành thẻ và có nhân viên hỗ trợ 24/7 thông qua hệ thống tương tác video trên máy VTM OPBA mà không cần đến ngân hàng.
“Ðây là điểm sáng trên hành trình chinh phục công nghệ tương lai của Nam A Bank và đánh dấu bước tiến ngân hàng đầu tiên ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giao dịch, hướng đến chất lượng dịch vụ 5 sao.
Ðồng thời, là đòn bẩy để Nam A Bank chuyển đổi mô hình ngân hàng truyền thống sang đa không gian giao dịch trên hợp kênh ứng dụng, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường tài chính, phát triển bền vững, cũng như tạo ra những làn sóng công nghệ mới, số hóa các hoạt động tài chính, tín dụng trong kỷ nguyên 4.0”, ông Trần Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc thường trực Nam A Bank nhấn mạnh.
4 vấn đề cần lưu ý trong chuyển đổi số
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, cách mạng 4.0 đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người sống, làm việc, điều hành xã hội và ngành ngân hàng cũng đứng trước những cơ hội, cũng như thách thức lớn.
Ðiều này đòi hỏi sự chuyển đổi sang mô hình kinh doanh mới, tích hợp công nghệ trong các hoạt động và số hóa các quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ dễ dàng trên nền tảng số, gia tăng trải nghiệm và gắn kết khách hàng.
Ðể hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh đã nêu ra 4 vấn đề cần lưu ý: Thứ nhất, tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cách mạng 4.0 và tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả trong toàn hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên thiết bị di động, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số theo hướng tích hợp đa kênh đồng nhất, nâng cao trải nghiệm và gia tăng sự hài lòng của khách hàng, tập trung vào các dịch vụ đối với khách hàng mới, dịch vụ thanh toán và dịch vụ cho vay.
Thứ ba, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, tăng cường ứng dụng các công nghệ mới và nâng tầm công tác quản trị, điều hành dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, đưa ra quyết định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn; tự động hóa quy trình xử lý nghiệp vụ, cung ứng dịch vụ.
Thứ tư, có chính sách hợp lý thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ động xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo, đào tạo lại để trang bị cải thiện kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo cho cán bộ, nhân viên.
Và “cuộc đua” chuyển đổi số sẽ nóng hơn khi “siêu phẩm ngân hàng số triệu đô app eBank X” - phiên bản nâng cấp hơn, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng so với phiên bản eBank hiện tại của TPBank chuẩn bị ra mắt.
“Sản phẩm này không phải là ‘bình cũ, rượu mới’, mà hoàn toàn là ‘bình mới, rượu mới’”, lãnh đạo TPBank tiết lộ.