Những con số ngoài sự tưởng tượng
Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc MB chia sẻ: “Thời điểm 2018 - năm đầu tiên thành lập khối ngân hàng số, MB đặt mục tiêu đạt 8 triệu giao dịch/năm trên kênh số. Đến tháng cuối cùng của năm đó, lãnh đạo phụ trách khối này đạt được mục tiêu và sung sướng quá đã báo cáo ngay tình hình. Nhưng đến năm nay, một ngày MB có 1,1 triệu giao dịch và trong tổng số giao dịch của Ngân hàng có 92 - 93% là hoàn toàn trên kênh số. McKinsey đánh giá, tỷ trọng giao dịch số của MB trong nhóm đầu của tiêu chuẩn giao dịch số của châu Á”.
Theo ông Thái, trong 27 năm hoạt động, vào năm thứ 25, MB có 4 triệu khách hàng và đến năm 2020, thành quả đầu tiên từ chuyển đổi số là có 2 triệu khách hàng mới, trong 6 tháng đầu năm 2021 có thêm 2,5 triệu khách hàng mới. Cả năm 2021, MB đặt kế hoạch có 4 - 5 triệu khách hàng mới và cùng với các công ty thành viên, Ngân hàng sẽ có thêm 10 triệu khách hàng mới.
Để triển khai ngân hàng số đúng nghĩa, cần có một hành lang pháp lý đầy đủ hơn.
Để có được những con số trên, ông Thái cho biết, đó là chiến lược của MB từ năm 2016, tập trung đầu tư vào nền tảng, hệ sinh thái. Với sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng dịch bệnh cũng đã đẩy nhanh tốc độ của tiến trình này.
Đồng quan điểm, ông Từ Tiến Phát, Phó tổng giám đốc ACB cho hay, Hội sở chính ở TP.HCM nên Ngân hàng cảm nhận sâu sắc nhất ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đến nền kinh tế. Khi nhận được yêu cầu giãn cách, Ngân hàng tạm thời đóng cửa 100 kênh phân phối (chiếm 2/3), nhưng vẫn phục vụ được nhu cầu tài chính của khách hàng.
“Thời gian qua đã cho thấy sự hiệu quả của chuyển đổi số. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2021, đối với các dịch vụ trực tuyến, doanh số và số lượng đều tăng gấp đôi. Đặc biệt, việc mở tài khoản trực tuyến khi bắt đầu triển khai, Ngân hàng chỉ hy vọng đạt chỉ tiêu 3.000 tài khoản mới trong một ngày, nhưng đến những ngày gần đây là 10.000 tài khoản mới trong một ngày. Thật là ngoài sức tưởng tượng”, ông Phát nói.
Liên quan đến chuyển đổi số, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ: “Trước đây, các ngân hàng khi đặt vấn đề mobile banking chỉ là mơ ước làm sao có thể triển khai, nhưng đến nay đã trở thành chuyện bình thường, với tốc độ tăng trưởng hơn 200%”.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện có 95% tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 39% tổ chức tín dụng phê duyệt chiến lược chuyển đổi số riêng biệt, hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin; 42% tổ chức tín dụng đang hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số.
Dự kiến, trong vòng 3 - 5 năm tới, các ngân hàng số sẽ có mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu là 10% và 58,1% tổ chức tín dụng đặt kỳ vọng thu hút hơn 60% khách hàng sử dụng kênh giao dịch số, tỷ lệ tăng trưởng khách hàng trên 50%.
Hiểu được điểm yếu và điểm mạnh
Những con số trên rất ấn tượng, nhưng bà Trần Diễm Chi, đại diện Backbase tại Việt Nam cho biết, theo một nghiên cứu gần đây của Công ty nghiên cứu thị trường Forrester (Mỹ), 74% ngân hàng Việt Nam không chắc chắn cách thức hợp tác với các công ty Fintech (công nghệ tài chính). Đây là điểm đáng chú ý, bởi sự hợp tác với Fintech sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho ngân hàng.
Bà Chi phân tích, việc hợp tác với Fintech sẽ giúp hiệu quả hoạt động các ngân hàng cao hơn do Fintech lấy khách hàng làm trung tâm, các trải nghiệm được tối ưu hoá dựa trên công nghệ. Trong khi đó, vấn đề này nếu các ngân hàng tiến hành sẽ mất thời gian, công sức, tiền bạc…
Bên cạnh đó, cách Fintech tiếp cập có tính linh hoạt, nhanh, đáp ứng thị trường tốt hơn, trong khi ngân hàng quen với việc triển khai sản phẩm với mô hình hoàn hảo, ổn định thời gian dài nên khó có thể bắt kịp nhu cầu thị trường.
“Ngân hàng nên tập trung vào nền tảng, thế mạnh, ưu tiên cốt lõi của mình. Lợi thế mà các ngân hàng có được đó chính là sự tín nhiệm của khách hàng nên hãy nghĩ đến cách mà ngân hàng có thể cung cấp những trải nghiệm đa dạng, cá nhân hoá, từ đó thiết kế một hành trình trọn đời cho khách hàng trên cơ sở kết nối các đối tác nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng”, bà Chi khuyến nghị.
Tuy nhiên, chuyển đổi số đang cần khung pháp lý đầy đủ hơn. Ông Hùng đánh giá: “Các tổ chức tín dụng hiện nay mới chỉ triển khai nghiệp vụ thanh toán, trong khi ứng dụng ngân hàng số có rất nhiều nghiệp vụ khác như bảo lãnh, cho vay… Hay như chúng ta nói nhiều về eKYC, cho vay online, nhưng có lẽ chỉ là những khoản vay nhỏ lẻ, còn nếu phát triển cho vay, thẩm định, đánh giá các khoản vay lớn thì hành lang pháp lý như thế nào?”
“Để triển khai ngân hàng số đúng nghĩa, cần có một hành lang pháp lý đầy đủ. Việc này cần có sự tham mưu tới các cơ quan quản lý nhà nước và các bộ, ngành liên quan phải tham mưu cho Chính phủ để ban hành những văn bản pháp lý đồng bộ để các tổ chức, doanh nghiệp, ngân hàng có thể triển khai hiệu quả, an toàn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, quá trình chuyển đổi số cần quy định pháp lý về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin, quy trình nghiệp vụ với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong ngân hàng. Không chỉ vậy, việc chuẩn hoá hạ tầng kỹ thuật cũng rất quan trọng để tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 6/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định, trình Chính phủ trong quý IV/2021.
“Nghị quyết thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc phải đổi mới để bắt kịp với các nước trong khu vực và thế giới đối với các quy định liên quan đến hoạt động của Fintech”, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam nhận xét.
Bà Chi kỳ vọng: “Nhằm gia tăng giá trị cho khách hàng, các ngân hàng sẽ tập hợp những dịch vụ vào một chuỗi giá trị hoàn chỉnh trên cơ sở tận dụng đối tác công nghệ tài chính trong hệ sinh thái để có cái nhìn 360 độ về khách hàng, giúp khách hàng có sự tương tác tốt hơn, mang đến trải nghiệm cá nhân hoá ở mức độ cao”.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nêu quan điểm: “Chuyển đổi số là mô hình hỗn hợp giữa ngân hàng truyền thống và ngân hàng số, tuy nhiên, hành trình số tất yếu này lại bắt đầu từ con người”.