Người tiêu dùng ngày càng có thói quen chọn và mua hàng từ Internet. Ảnh: Dũng Minh

Người tiêu dùng ngày càng có thói quen chọn và mua hàng từ Internet. Ảnh: Dũng Minh

Chuyển đổi số: Bắt đầu từ những việc nhỏ

0:00 / 0:00
0:00

Bắt đầu từ khâu nào là câu hỏi chung của các doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư vào chuyển đổi số.

Đau đầu đầu tư chuyển đổi số

Một doanh nghiệp sản xuất kìm cắt móng có trụ sở ở TP.HCM, kênh phân phối chủ yếu ở các chợ và siêu thị đang tìm các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số trong bối cảnh khách hàng ngày càng có thói quen chọn và mua hàng từ Internet, nếu họ không chuẩn bị, các doanh nghiệp cùng ngành có thể tận dụng cơ hội này để giành thị phần.

Chuyển đổi số, hay số hoá các quy trình kinh doanh trong doanh nghiệp là từ khoá đang phổ biến trên các diễn đàn kinh doanh. Xu hướng này được cập nhật tại Việt Nam từ 3 năm trước, nhưng ít được doanh nghiệp quan tâm, cho đến khi Covid-19 xuất hiện. Việc khách hàng hạn chế đi lại, doanh thu bị ảnh hưởng nặng nề đã khiến nhiều doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.

Bắt đầu từ khâu nào là câu hỏi chung của các doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư vào chuyển đổi số. Các doanh nghiệp sản xuất, hay phân phối thường đặt ra đề bài có phần phức tạp là, làm sao chuyển đổi số không gây ảnh hưởng đến các đối tác truyền thống mà họ xây dựng bấy lâu nay.

Bắt đầu từ những việc nhỏ

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Novaon (đơn vị cung cấp các giải pháp chuyển đổi số) cho rằng, để bắt đầu đầu tư chuyển đổi số, doanh nghiệp cần phải xác định mục tiêu cơ bản trong 1-2 năm đầu.

Các doanh nghiệp ở châu Âu và Mỹ thường chọn chuyển đổi số để tối ưu vận hành và giảm chi phí, vì đây là các thị trường đã phát triển, khả năng tăng trưởng không còn đột biến và chi phí nhân sự khá cao. Còn các doanh nghiệp ở Đông Nam Á, do dư địa tăng trưởng thị trường khá tốt, nên 70% các doanh nghiệp tập trung vào các khâu có thể tăng doanh thu. “Doanh nghiệp Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này”, ông Quý nói.

Điều quan trọng nhất trong đầu tư chuyển đổi số không phải là tiền, mà là nếu hấp tấp, cái giá phải trả là thời gian và chi phí cơ hội.

Ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Novaon

Theo ông Huỳnh Lâm Hồ, Giám đốc điều hành Haravan (công ty công nghệ Việt Nam cung cấp các giải pháp bán lẻ Omnichannel, thương mại điện tử và Engagement Marketing), doanh nghiệp nên khảo sát xem tập khách hàng mình hướng đến đang mua hàng ở đâu, liên lạc qua các kênh nào trên Internet và tìm cách đặt chân vào các vị trí đó thông qua website bán hàng hoặc liên kết với các sàn thương mại điện tử.

Ông Hồ cho rằng, đầu tư chuyển đổi số để thay hệ thống phân phối truyền thống là quan điểm chưa đúng của các nhà phân phối, sản xuất, nhất là khi doanh thu thương mại điện tử chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu bán lẻ toàn quốc. Nên nhìn nhận mục đích chính của chuyển đổi số là giúp nhà sản xuất, phân phối biết khách hàng ở đâu, chi tiêu ra sao, thích dòng sản phẩm gì, từ đó điều phối hàng hóa, dự phóng sản xuất, nhập hàng phù hợp.

Khi khách đặt hàng trên website thì hệ thống thông báo cho nhà phân phối ở khu vực lân cận và họ sẽ thực hiện việc điều chuyển hàng hoá. “Cách làm này rõ ràng không ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà phân phối, mà còn tạo thêm thu nhập cho họ”, ông Hồ nói.

Cuối cùng, ông Hồ cho rằng, việc đầu tư ban đầu không cần quá lớn, chỉ cần một website bán hàng, kênh chăm sóc khách hàng đơn giản, rồi từ từ mở rộng các bộ phận liên quan. Mỗi ngành có đặc thù khác nhau và không nhiều đơn vị tư vấn giải pháp có kinh nghiệm để triển khai. Vì vậy, việc thử nghiệm với kinh phí nhỏ là có lợi nhất cho doanh nghiệp, vì có thể điều chỉnh khi chưa phù hợp với thiệt hại nhỏ nhất.

Tin bài liên quan