Chuyện của những người làm tài chính kháng chiến

Chuyện của những người làm tài chính kháng chiến

(ĐTCK) Sự sống nào cũng cần đến máu huyết, cũng như hoạt động kinh tế - xã hội nào cũng cần đến đồng vốn tín dụng…

Nghề báo, một trong những niềm hạnh phúc nhất là được đi nhiều nơi, gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều cảnh đời. Với những nhà báo chuyên trách theo dõi mảng tiền tệ - ngân hàng, vài năm qua dường như là quãng thời gian cực kỳ bận rộn. Khi toàn xã hội dõi theo, mổ xẻ những câu chuyện tín dụng, lãi suất, vàng bạc, ngoại tệ, nợ xấu…, chuyện nghề của các nhà báo mảng này cũng thăng trầm, nhạy cảm theo nhịp đập thị trường.

Tiền tệ - ngân hàng đã thực sự trở thành một mặt trận nóng bỏng với cả chục mũi giáp công. Nhưng đâu phải chỉ bây giờ, trong quá khứ, trong những cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, người làm tài chính - ngân hàng cũng có những mặt trận đầy khốc liệt dù không nhiều tiếng súng… Đó là suy nghĩ của tôi khi được có mặt đúng dịp Ngân hàng Nhà nước tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm và vinh danh các cán bộ ngân hàng đi chiến trường miền Nam (B) 1968 - 2013 vào tháng 5 vừa qua. Những cuộc trò chuyện về quá khứ khốc liệt, nhưng đâu đó lại ẩn hiện bóng dáng hiện tại của ngành ngân hàng…

Chuyện của những người làm tài chính kháng chiến ảnh 1Thời chiến hay thời bình, mặt trận tài chính - ngân hàng lúc nào cũng nóng bỏng

 

Bên tiền, bên súng

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 kết thúc, chiến trường B càng nóng và nhiệm vụ của người cán bộ ngân hàng cũng nặng nề hơn với việc tập trung phân phối nguồn chi viện từ hậu phương vào chiến trường. Thời đó, nguồn chi viện có một phần từ các nước anh em, bạn bè quốc tế và đa số là… đô la Mỹ. Sau đó, các cán bộ ngân hàng phải đưa tiền vào trong lòng địch, chuyển đổi sang tiền chế độ cũ để có thể mua bán hàng hóa.

Bà Lưu Thị Ái Liên, Trưởng Ban liên lạc cán bộ Ngân hàng B68 miền Trung-Tây Nguyên, công tác tại Bộ phận Ngân tín thuộc Ban tài - mậu Khu 5 nhớ lại, việc chuyển đô la Mỹ xuống các cơ sở đổi lấy tiền ngụy là nhiệm vụ quan trọng và rất nguy hiểm. Rồi từ đó, hàng hóa, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm… được mua để cung cấp cho các cơ quan, đơn vị chiến đấu ở chiến khu lẫn trong lòng địch. Để đảm bảo an toàn, cán bộ ngân hàng phải di chuyển liên tục, địch lùng sục thôn này lại chạy sang thôn khác. Lúc ở ngoài vùng giải phóng, lúc luồn sâu vào vùng tranh chấp, thậm chí có lúc còn phải ém quân ngay cạnh đồn bốt của địch để hoạt động…

Nhận được tiền, hàng đã là một quá trình gian khổ, nhưng công tác kho quỹ, cất giữ cũng phức tạp, công phu và khó khăn bội phần. Làm sao để hàng hóa, những đồng tiền thấm đẫm công sức, máu xương của đồng đội không bị mối mọt, mất mát, thất thoát… Ông Nguyễn Công Doãn, đoàn B68 đi Bến Tre kể lại, cảm giác đầu tiên khi vào xứ dừa Bến Tre, thấy rõ đây là một chiến trường ác liệt. Trong vùng giải phóng, chất khai quang làm cho màu xanh của cả rừng dừa biến thành những bãi cọc trơ khấc, lổn nhổn…

“Tôi được bố trí làm kế toán nhưng có việc gì cũng làm, đi các huyện truyền đạt chỉ thị, đi thu và phát kinh phí. Những lúc địch càn thì phải tham gia chiến đấu. Tiền bạc đựng trong thùng đại liên của Mỹ, khi có lính càn thì đạp xuống mương. Giặc càn xong lại trở về móc lên. Ở đâu lâu cũng chỉ 10 ngày, nửa tháng”, ông Doãn kể.

Còn cựu cán bộ ngân hàng Lê Văn Dinh lại nhớ về kỷ niệm vui, đầu tháng 5/1968, ông được điều vào chiến trường miền Đông, làm việc tại Ban Kinh tài khu 10. Lúc này, chiến trường miền Đông chưa được Trung ương chi viện nên hàng ngày anh em trong đơn vị thay nhau, 50% quân số ở nhà vừa làm việc vừa bảo vệ cứ, 50% đi làm rẫy. Có lần ông Dinh được phân công dẫn một tiểu đội bảo vệ kho bắp (ngô). Gần đến nơi nghe có tiếng động, cả đơn vị dàn đội hình chuẩn bị chiến đấu, tiếp cận mục tiêu thì hóa ra… đó là một đàn khỉ đang hái trộm bắp. Phát hiện có người, chúng la hét hối thúc nhau mỗi con ôm ba, bốn bắp vọt lên ngọn cây.

Với những cán bộ ngân hàng đi B, Mỹ ngụy với máy bay tàu bò thì có thể đánh hoặc tránh, nhưng có một thứ giặc khác nguy hiểm chả kém mà lại không tài nào tránh được. Đó là con vắt. Vắt lá ở trên cây, vắt đất thì nhiều vô kể, chỉ bằng 1/3 cọng tăm, khi phát hiện được hơi người, nó bám đất đứng thẳng lên quơ đủ hướng như ra đa, khi bám được vào người, vắt toàn chui vào nơi nhạy cảm hút máu người như… bọn thực dân, đế quốc vậy!

 

Mặt trận nào cũng lắm hy sinh

Trong những ngày tháng bi tráng đó, đã có không ít cán bộ ngân hàng ngã xuống trên chiến trường B ác liệt. Có những câu chuyện đã trở thành huyền thoại trong ngành. Đó là liệt sĩ Lê Văn Cẩn, người con đất võ Bình Định, đi B tháng 12/1965 từ Ngân hàng Hà Bắc, vào công tác tại Ban Kinh tài Bình Định. Ngày 13/7/1966, anh bị địch phục kích trên đường đi công tác. Chúng dùng cực hình để tra tấn, lần lượt đánh gãy cả hai chân mà anh vẫn không đầu hàng… Sau không khai thác được tin tức, địch đã thủ tiêu và đưa lên máy bay trực thăng quăng xác anh xuống biển.

Liệt sĩ Phạm Cho, sinh năm 1929, đi B tháng 5/1962 từ Ngân hàng Hà Nội. Vào chiến trường B, anh được bầu là Huyện ủy viên, công tác tại Huyện ủy huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Ngày 27/6/1969, anh hy sinh trên đường công tác. Để uy hiếp tinh thần nhân dân, bọn địch mang xác người liệt sĩ phơi ở chỗ đông người qua lại. Đêm đến, người dân địa phương thương cảm đưa liệt sĩ Cho đi an táng. Lũ giặc lại đào lên và 3 lần như vậy thì chúng đem liệt sĩ đi phi tang chỗ nào không rõ.

Nói đến tấm lòng của người dân, đó là điều mà mỗi cán bộ ngân hàng thời chiến khi kể chuyện với tôi đều tấm tắc. Nếu không có thế trận lòng dân thì họ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Danh, nguyên cán bộ Ban Kinh tài tỉnh Bến Tre nhớ lại, năm 1971, ông nhận nhiệm vụ vận động nhân dân quyên góp tiền - hàng cho kháng chiến tại địa bàn huyện Giồng Trôm. Sự nhiệt tình đóng góp cho cách mạng đã khiến nơi đây trở thành điểm sáng về công tác kinh tài. Tuy nhiên, việc này cũng khiến bọn địch nổi điên, tăng cường trấn áp, càn quét. Trong một trận càn, nhà một bà má ở giữa cánh đồng bị trúng pháo kích và chết một người thân. Khi ông đến, chỉ lo bà má trách cứ, ác cảm, nhưng bà vẫn lặng lẽ, ân cần chăm sóc cho từng người.

“Má bảo, người chết đã yên phận rồi, chỉ lo cho người còn sống như tụi bay. Tao cũng đã khóc quá nhiều, bây giờ không còn nước mắt nữa”, ông Danh bồi hồi kể.

 

Những bài học xưa

Nhìn lại chuyện xưa hào hùng, bi tráng để ngẫm lại chuyện nay. Ngày nay, đất nước đã yên bình, nhưng lại mở ra những mặt trận mới trong cuộc chiến chống đói nghèo, tụt hậu. Hệ thống tín dụng - ngân hàng như những mạch máu tỏa đi khắp nơi nuôi cơ thể đất nước. Sự sống nào cũng cần đến máu huyết, cũng như hoạt động kinh tế - xã hội nào cũng cần đến đồng vốn tín dụng…

Nhưng cũng chính vì thế mà mặt trận tài chính - ngân hàng đã, đang và sẽ còn nhiều nóng bỏng. Một vết dằm ở ngón chân cũng khiến cho cơ thể rỉ máu. Trong khi nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, những cạm bẫy, hiểm nguy vẫn luôn rình rập, những cám dỗ vật chất như những viên đạn bọc đường vẫn hàng ngày, hàng giờ bắn ra từ nhiều phía... Khi mà cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gay gắt, không chỉ giữa ngân hàng nội với ngân hàng ngoại mà ngay cả giữa các ngân hàng trong nước với nhau. Sự soi xét từ toàn xã hội khiến mỗi người làm tài chính - ngân hàng như những người ngồi trên ghế nóng. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi người chiến sĩ ngân hàng không chỉ tinh thông nghiệp vụ mà còn phải vững vàng bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Và thật khó có thể phân định rạch ròi, thực hiện nhiệm vụ của ngành tài chính - ngân hàng hiện nay so với trước kia, giai đoạn nào khó khăn, khốc liệt hơn.

Nếu có gì nói thêm thì với tôi, bài học dân vận của những “người lính ngân hàng” đi B năm xưa vẫn còn nguyên tính thời sự. Mỗi quyết sách, mỗi động thái được đưa ra, nhất là trên những lĩnh vực nhạy cảm như tiền tệ - ngân hàng, nếu được người dân hiểu và đồng thuận thì đó chính là tiền đề cho những thành công. Đó chính là bài học về thế trận lòng dân vậy.

 

Cách đây 45 năm, giữa thời điểm nóng nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng, Nhà nước và ngành ngân hàng đã điều động chi viện cho chiến trường miền Nam một số lượng lớn cán bộ cốt cán của ngành. Từ thời điểm đầu tiên năm 1959 đến năm 1968, đã có 452 cán bộ ngành ngân hàng lên đường đi B, trong đó riêng năm 1968 có đến 364 cán bộ được điều động vào chiến trường miền Nam . Kết thúc chiến tranh, chỉ còn 186 cán bộ trở về…