Với cánh nhà báo, Trường Sa mang lại những cảm xúc mới lạ và thật đặc biệt

Với cánh nhà báo, Trường Sa mang lại những cảm xúc mới lạ và thật đặc biệt

Chuyện chưa kể ở Trường Sa…

Ngồi cạnh bờ kè Trường Sa Lớn đau đầu nghĩ mãi không ra đề tài.Nháy máy hỏi thăm cậu bạn bên truyền hình đang trên tàu giữa Hoàng Sa. Gã cười khà khà bảo: “Làm báo chả bao giờ sướng thế ông ạ! Địa bàn tác nghiệp dăm bảy chục mét. Cơm nước xong vác máy ra boong, thế mà ngày nào cũng có tin, bài gửi về nhà…!”.

Khó…

Cái cười sảng khoái ấy quen thuộc lắm! Ở mười mấy điểm đảo, vài cái nhà giàn và trong hơn chục ngày lênh đênh trên con tàu HQ 571 trong tháng 5 vừa rồi, tôi vẫn thường nghe. Có lẽ cậu bạn đồng nghiệp đã “nhiễm” từ những người canh giữ biển, những ngư dân quen ăn sóng nói gió điệu cười “dửng dưng” với gian khổ, với hiểm nguy quen thuộc ấy…

Nhưng dễ là dễ thế nào? Đành rằng, làm báo mà được ở biển đúng dịp vừa rồi là cái duyên nghề. Nhưng với cánh báo viết, tác nghiệp ở Trường Sa quả thật càng ngày càng khó. Mỗi chồi cây, từng viên đá đã bị “cày nát” bởi hàng trăm ống kính máy ảnh, máy quay phim, hàng ngàn bài báo… Tôi đã tận mắt chứng kiến, chỉ một chú chó vàng nằm trễ nải phơi nắng trên cầu cảng đảo Đá Lớn B đã trở thành “đối tượng sáng tác” của hơn 10 tay máy đủ loại!

Nói như thế để thấy rằng, chọn được cái gì hay, điều gì mới để viết về Trường Sa là rất đau đầu. Trước khi đi, Tổng Biên tập còn vừa dặn vừa đe rằng, xếp được một chuyến ra đó khó lắm, liều liệu viết sao cho đọc được, chứ không thì…

 Đoàn phóng viên luôn được ưu tiên lên trước...

Khó viết và càng khó viết hay còn bởi đi biển mùa này an nhàn lắm. Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân từng dùng khái niệm “mùa tàu” để nói về những chuyến biển như vậy. Nói nôm na như các cụ từng dạy là “tháng ba bà già đi biển”. Đó chính là chuyến hải trình của chúng tôi, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt... ra với Trường Sa. Bao nhiêu thuốc men, lo âu về sức khỏe hóa ra đều là quá lo xa.

Biển thì xanh ngằn ngặt, nắng lại vàng rực rỡ. Hơn 200 con người, già trẻ, nam nữ đủ cả, nhưng hầu như chả có ai say sóng như lời dọa dẫm về cái sự “mật xanh mật vàng” của những người đi trước. Ăn uống ngủ nghỉ, chế độ chu đáo đến mức mà mấy bác béo bụng cứ phải bỏ phòng máy lạnh chạy từ trên boong xuống hầm tàu ngày dăm bận bởi sợ tăng cân quá độ.

Riêng tôi, cả gói lớn gia vị, đồ ăn, chè cháo... chỉ để tặng dần. Mấy vỉ thuốc chống say sóng thì cất kín, chứ chả lẽ lại cũng biếu lính thủy thì khác nào cấp… phân bón cho Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hay phát hành cổ phiếu cho mấy anh trong đoàn thuộc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội!    

Nói lại chuyện tác nghiệp, cánh báo chí chắc là “tiếng dữ đồn xa” về sự tò mò, săm soi, nên chưa kịp ấm chỗ đã được gọi lên để phổ biến… nội quy tác nghiệp. Có những chuyện như Chuẩn Đô đốc Hải bảo là tế nhị, vì lính đảo quý khách đất liền nên ngại nhắc. Kiểu như nhiều phóng viên men ra bờ kè tác nghiệp hoặc tìm san hô. Cố quá, dẫm phải hòn đá mồ côi (đá không chân) trượt chân lăn xuống biển. Vồ ếch đã đành, có anh còn khóc mếu vì hỏng máy quay, máy ảnh cả trăm triệu bạc. Hóa ra… đi cày chết trâu!

“Cả nước đang góp đá xây dựng Trường Sa mà vị khách nào cũng nhặt san hô, xin bàng vuông về làm kỷ niệm thì chẳng mấy lúc mà đảo nổi biến thành đảo chìm”, anh Hải nửa đùa nửa thật.

…Dễ

Nhưng nói khó không phải để kể khổ. Bởi tác nghiệp ở Biển Đông đúng là rất… sướng. Không chỉ vì cánh báo chí được lên đảo sớm, rời đảo muộn, ưu tiên có lẽ chỉ sau… hàng hóa và văn công. Cũng không chỉ bởi mỗi điều gom nhặt được ở nơi đầu sóng này đều thật đặc biệt, đều mang lại những cảm xúc mới lạ. Mà đó còn là sự hồn hậu, chân thành của người lính biển, từ thủ trưởng cao nhất đến cậu em anh nuôi trên tàu.

Khi rảnh việc, họ luôn có thể ngồi với bạn hàng giờ liền chỉ để trò chuyện về vẻ đẹp và sự tích của hoa bàng vuông, tập tính của những loài cá biển, hay sâu lắng hơn là tình yêu biển đảo và sự dấn thân… Dân báo chí mấy năm nay chắc thấm điều này. Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp khó khăn, có được cái gật đầu gặp gỡ của các doanh nhân thôi đã khó, chứ chưa nói đến việc chia sẻ với nhau những điều gan ruột…

Hôm ở đảo Sinh Tồn, tôi gặp đại úy Phạm Văn Quang, trợ lý phòng không. Mới mươi phút, anh em đã tường tận gia cảnh của nhau. Quê xứ thuốc lào Tiên Lãng, bà xã Quang còn là đồng nghiệp của chúng tôi, đang công tác ở Kênh Phát thanh dân tộc VOV 4 thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Và về sau

Hôm ấy, Quang vui như Tết vì nhận được quà của vợ từ một người quen. Nhìn nét mặt hạnh phúc tràn trề của anh chàng, tôi trêu: “Sao không mở ra xem cô ấy gửi gì?”. Quang có vẻ thẹn bảo: “Thôi để tối về mở cho hồi hộp anh ạ. Thấy nhà em chỉ bảo trong đó có cuốn sổ. Chắc là muốn chồng ghi nhật ký ở đảo”...

Để dễ kiếm tư liệu, tôi nghĩ ra “mẹo” đi đến đảo nào là lân la, hỏi han tìm đồng hương đến đó. Nhưng mãi sau mới biết, đó chẳng phải là “võ” riêng của mình. Trong đoàn, anh chị nào cũng rình rình đi tìm đồng hương cả.

Hôm đến đảo Nam Yết, có anh quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) tìm được một đồng hương huyện. Để ý thấy bác cứ ra đến cầu cảng rồi lại quay vào bắt tay “thằng em”. Rồi anh quay sang phân bua với mọi người rằng: “Cậu em này ở ngay kế bên xã tôi, nhưng nó ít về. Thế nào mà hai anh em gặp được nhau ở đây, vui quá!”. Đến mấy lần như thế, mãi khi xuồng nổ máy, anh cuống lên chạy lại nhờ tôi chụp hộ kiểu ảnh kỷ niệm rồi mới hả lòng bước xuống... Hóa ra, Trường Sa có thể làm cho mọi thứ trở nên thật đặc biệt!  

Cũng ở đảo Nam Yết, tôi tìm được một “đồng hương xã” là Đại úy Nguyễn Quang Duy. Cậu chàng sinh năm 82 mà kể chuyện trồng rau, nuôi lợn ở đảo như một lão nông tri điền, rồi than phiền về việc đảo lắm chuột và phải nuôi rất nhiều mèo để trị. “Nó từ đất liền ra đến tận đây anh ạ”.

Khi nghe tôi hỏi, sao không lấy giống cây con ở đất liền gửi ra mà gây tại chỗ làm chi cho vất, Duy cười: “Cái gì quen gian khổ thì dễ sống mà anh”… Đã về đến tàu mà tôi cứ nghĩ mãi câu triết lý vô tình của Duy. Cái gì bắt đầu từ gian khó mà chả sống bền, sống khỏe. Và ở trong gian khó, người ta cũng dễ cởi lòng với nhau hơn, Duy nhỉ!

Và đôi bồ câu ở nhà giàn DK1

Với nhà giàn DK1, tôi là người may mắn. Theo hải trình đã định, chuyến làm việc tại nhà giàn gặp đúng ngày sóng gió nhất. Trước những con sóng lừng cao 4 - 5 mét, Thủ trưởng đoàn công tác quyết định: “Để đảm bảo an toàn, chỉ một số ít người được lên”.

Và sóng gió đã ngay lập tức chứng tỏ quyết định đó là chính xác. Đã có hai chuyến xuồng tăng bo từ tàu HQ571 đến chân nhà giàn lại phải quay trở về vì sóng quá dữ dội. Từng con sóng đập vào chân nhà giàn ngầu bọt, khiến tôi phải mất đến mươi phút và sự trợ giúp của 4 anh lính biển mới có thể lên những bậc thang của nhà giàn DK1-19…

Nhưng thật lạ là ở cái “chuồng chim” giữa biển cả ấy, tôi bỗng bắt gặp một hình ảnh quá đỗi thanh bình: đôi bồ câu đang đứng rỉa lông dưới giàn lá mơ lông xanh ngắt. Thấy người lạ giơ tay dọa bắt, đôi chim dạn dĩ chẳng bay mà thủng thẳng đi vào lồng.

 Nỗi lo "mất mạng" 3G luôn canh cánh

Đang đứng nói chuyện với ông anh rể là đại úy, bác sỹ Nguyễn Văn Tứ, Ban Quân y Vùng 4 Hải quân, thiếu tá Nguyễn Văn Hiền, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1-19 vừa cười vừa nói: “Đôi chim ấy anh mang ra năm ngoái đấy. Chim ở đây quấn người lắm. Những lúc sóng gió nổi lên, nó cứ luẩn quẩn bên anh em như muốn xin trợ giúp. Thế nhưng, có khi nó lại lượn đi đâu một lúc rồi quay về dẫn theo mấy chú hải âu đến nhà giàn chơi…”.

Thiếu tá Hiền kể thêm, nhà anh cả bốn anh em đều là lính biển. Đã hàng chục năm nay, ngày lễ tết dù muốn lắm, nhưng chưa bao giờ được uống cùng nhau một chén rượu đoàn viên…

Đó là câu chuyện của người lính biển hôm nay với những ước muốn đau đáu về ngày sum họp. Nhưng họ, những người trấn giữ biên cương nơi đầu sóng cũng không một phút giây nào thôi nhớ về những đồng đội của mình còn nằm lại dưới biển xanh sâu thẳm.

Trong buổi lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong cuộc hải chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo ngay sau chuyến thăm nhà giàn, tôi đã nhìn thấy trên những gương mặt màu đồng hun của lính, những giọt nước mắt đã rơi. Đó là giọt nước mắt của tình đồng đội, nghĩa đồng bào… Có thể cái giàn khoan Hải dương 981 phi pháp kia chưa kịp tìm thấy giọt dầu nào trên Biển Đông, nhưng hẳn là đã làm phát lộ cái mạch ngầm vô tận của lòng tự tôn đất Việt đã từng có lúc khuất lấp, nay đang rần rật chảy!  

Ngồi trên boong tàu HQ571 nhìn những vòng hoa tưởng niệm bập bềnh trôi trên sóng, bỗng dưng nhớ lại hình ảnh chú chim bồ câu nhà giàn. Dẫu sóng, dẫu gió, dẫu ngoài kia còn những con diều hâu bay lượn, đôi bồ câu vẫn ở bên nhau, vẫn an bình dưới sự chở che của những người lính biển.

Tin bài liên quan