Ảnh: Shutterstock

Ảnh: Shutterstock

Chúng ta thua Trung Quốc về kinh tế số và dịch vụ số, một phần do cách tiếp cận “positive list”

Trong kinh tế thị trường, doanh nghiệp làm gì, làm bao nhiêu, làm ở đâu, làm cho ai phải do thị trường quyết định chứ không phải do cơ quan nhà nước chấp thuận bởi đó là phi kinh tế thị trường, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu quan điểm.

Qua 20 năm thực thi Luật Doanh nghiệp, quyền tự do kinh doanh nhìn chung đã đạt được và liên tục gia tăng, nhưng vẫn có những hạn chế, TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá tại Hội thảo 20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách diễn ra ngày 18/11 tại Hà Nội.

Một số ngành nghề vẫn áp dụng nguyên tắc “positive list” để kiểm soát, làm hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, nhất là dịch vụ pháp lý, dịch vụ tài chính, ngân hàng và dịch vụ khác. Theo nguyên tắc “positive list”, doanh nghiệp chỉ được quyền kinh doanh những thứ mà cơ quan nhà nước cho phép, còn những thứ không cho phép thì không được quyền kinh doanh. Đây là một trong những điều làm hạn chế những mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ mới trong thời đại 4.0, ông Cung nhấn mạnh.

“So với Trung Quốc, chúng ta không bắt kịp về kinh tế số và dịch vụ số, những hạn chế trong dịch vụ thanh toán, dịch vụ tài chính của chúng ta 1 phần là do cách tiếp cận ‘positive list’”.

Quyền tự do kinh doanh theo luật cũng bị hạn chế bởi 1 số quy hoạch bất hợp lý. Việc yêu cầu kinh doanh phải phù hợp với quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành…trở thành rào cản ghê gớm đối với quyền tự do kinh doanh.

Nhìn lại 20 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, ông Cung cho rằng, quyền tự do kinh doanh mới chủ yếu trong phạm vi “kinh doanh cái gì” còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu vẫn là việc phải bàn.

Đối với hàm lượng kinh doanh “bao nhiêu”, trong giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, Nhà nước chấp thuận chủ trương, địa điểm, quy mô đầu tư - những điểm này là phi kinh tế thị trường, bởi trong kinh tế thị trường, làm gì, làm bao nhiêu, làm ở đâu, làm cho ai phải do thị trường quyết định chứ không phải cơ quan nhà nước chấp thuận.

Về độ an toàn và giảm rủi ro trong kinh doanh, so với trước đây ông Cung cho rằng đã có cải thiện. Tuy nhiên, cảm nhận qua thu thập thông tin, khảo sát, xem xét cách thức soạn thảo, thực thi luật pháp, ông Cung nhận định, đầu tư kinh doanh vẫn chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao và phức tạp.

Một số ngành nghề vẫn áp dụng nguyên tắc “positive list” để kiểm soát, làm hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh   

Tuân thủ đúng luật pháp (kinh doanh) ở Việt Nam là 1 thách thức, trong bối cảnh mỗi năm có khoảng 20 luật được Quốc hội ban hành, ngoài ra khoảng 100 nghị định, 600-700 thông tư và các công văn điều hành (riêng Văn phòng Chính phủ mỗi năm ban hành 3.500-4.000 công văn), ông Cung nêu.

Theo kiến giải của ông Cung, một luật có đến 10 nghị định hướng dẫn và 1 nghị định lại có khoảng 6-7 thông tư hướng dẫn. Như vậy 1 luật có đến cả trăm thông tư ngoài ra là công văn điều hành lấy ý kiến hướng dẫn thông tư. Do đó, luật có thể không đổi, nhưng nghị định có thể thay đổi được.

Chúng ta thua Trung Quốc về kinh tế số và dịch vụ số, một phần do cách tiếp cận “positive list” ảnh 1

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo 20 năm thực thi Luật Doanh nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội

Rõ ràng tính bất định từ luật đến nghị định là hiện hữu và càng cao hơn khi đến mức độ thông tư - một văn bản thường năm trong “ý chí” và thẩm quyền của các bộ vì việc soạn thảo thông tư nhìn chung không lấy ý kiến tham vấn rộng rãi như nghị định.

Do vậy kể cả luật không đổi, nghị định không đổi thì đến thông tư vẫn có thể đổi. Thông tư được các bộ ban hành hướng dẫn thực hiện theo thẩm quyền của họ, cho nên 1 vấn đề có thể có 3-4 bộ hướng dẫn và nhiều khi đúng với bộ này thì sai với bộ khác, đúng với thông tư này thì sai với thông tư khác, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lo ngại.

Đôi khi hướng dẫn thi hành là sự tùy ý, điều mà ông Cung ví von thực thi chính sách ở Việt Nam “cứ sáng đúng chiều sai, sáng mai lại đúng” và tùy tâm trạng của người thực thi. Vô hình trung là miếng đất cực kỳ màu mỡ cho thanh kiểm tra và là nguồn gốc của những rủi ro, phạm vi tuân thủ luật pháp ở Việt Nam.

Cải cách Luật Doanh nghiệp cần phải đồng hành và kết hợp với cải cách hệ thống tòa án… thì mới tạo ra hệ thống thể chế thân thiện thị trường, vì doanh nghiệp và thúc đẩy phát triển, ông Cung đề xuất.

Theo ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang&Cộng sự, ngoài chuyện thay đổi công tác làm luật sao cho bám sát thực tiễn, cần có tính ổn định của luật pháp. Nếu luật thay đổi nhiều quá thì khả năng dự đoán trước của luật sẽ thấp.

Có ý kiến cho rằng Luật Doanh nghiệp năm 2005 và năm 2014 không có nhiều cải cách đột biến. Dưới góc độ tư vấn luật pháp, ông Quang đề xuất một số vấn đề trong luật này cần được giữ lại, bởi chúng ta cần sự ổn định của luật, những nguyên tắc về quyền tiếp cận kinh doanh, tự do thị trường… là nguyên tắc tốt và không nên xáo trộn quá nhiều.

Về tính ổn định của Luật Doanh nghiệp, không phải ổn định theo kiểu khư khư “chiếc áo” chật hẹp mà theo cách lựa chọn những nguyên tắc nào cần giữ lại, thay đổi những nguyên tắc nào thấy cần thiết.

Đơn cử, nguyên tắc về quyền sở hữu doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho người dân, nhà đầu tư tiếp cận thị trường, bảo vệ cổ đông thiểu số… cần được giữ lại và duy trì tính ổn định, nhằm tránh những hệ lụy sau này liên quan đến tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, hay giữa các cổ đông, luật sư Quang khuyến nghị.

Tin bài liên quan