Chúng ta đã khai thác tốt tiềm năng của biển, nhưng hiệu quả thì chưa

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TS. Đinh Xuân Thảo (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thủy sản cũ) nhận định, các chính sách phát triển thủy sản vừa được Thủ tướng ban hành tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP không chỉ giúp ngư dân làm giàu từ biển, mà còn góp phần bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
Chúng ta đã khai thác tốt tiềm năng của biển, nhưng hiệu quả thì chưa

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về biển. Ông có cho rằng, chúng ta đã khai thác hiệu quả tiềm năng của biển?

Chúng ta đã khai thác rất tốt tiềm năng của biển, nhưng hiệu quả thì chưa. Về sản xuất, tổng sản lượng thủy sản tăng dần qua các năm. Trên bình diện quốc tế, Việt Nam đứng đầu về sản lượng cá tra, đứng thứ ba thế giới về sản lượng tôm, thứ tư về giá trị xuất khẩu thủy sản. Nhưng giá trị gia tăng hàng thủy sản của Việt Nam vẫn còn khá thấp, vì thế có thể nói, việc khai thác (đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu) chưa thực sự hiệu quả.

Có thực tế là ngành thủy sản vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Có tới 99% tàu cá đóng từ vật liệu gỗ; 85-90% tàu cá sử dụng động cơ từ các thiết bị cũ; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch khoảng 25-30%; lao động chủ yếu là phổ thông và hầu hết chưa được đào tạo nghề. Hạ tầng phục vụ nuôi trồng, khai thác thủy sản còn thiếu, chưa đồng bộ. Tỷ trọng sản phẩm thủy sản có giá trị gia tăng trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu hiện chỉ đạt 20-25%... Đó là những nguyên nhân khiến giá trị gia tăng hàng thủy sản thấp.

Có nghĩa là, hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là Chương trình đánh bắt xa bờ (ban hành theo Quyết định 393/1997/QĐ-TTg) không đạt được hiệu quả?

Những số liệu về khai thác, nuôi trồng, xuất khẩu như tôi đã trình bày ở trên cho thấy, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nuôi trồng, đánh bắt, xuất khẩu bước đầu có hiệu quả, nhưng chưa thực sự cao. Riêng Chương trình đánh bắt xa bờ được triển khai từ năm 1997 có thể nói là thất bại. Theo Quyết định 393/1997/QĐ-TTg, các đơn vị kinh tế đánh cá xa bờ và thực hiện các dịch vụ đánh cá xa bờ được vay vốn với lãi suất 0,81%/tháng, thời hạn vay tối đa là 7 năm.

Ở thời điểm năm 1997-2000, mức lãi suất và thời gian cho vay như vậy là khá ưu đãi, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với đánh bắt xa bờ, nhưng Chương trình này vẫn thất bại, vì buộc người vay phải mua bảo hiểm hình thành bằng vốn vay; không hỗ trợ đồng bộ cho dịch vụ hậu cần đánh bắt xa bờ…

Là người có kinh nghiệm xây dựng cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thủy sản, theo ông, Nghị định 67/2014/NĐ-CP liệu có đi vào vết xe đổ của Chương trình cho vay đánh bắt xa bờ?

Nghị định 67/2014/NĐ-CP là bước đột phá đầu tư cho lĩnh vực thủy sản, không chỉ giúp ngư dân làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển, mà còn là cơ chế, chính sách góp phần thực hiện thành công Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Đảng là nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, với mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp 53-55% tổng GDP của cả nước.

Ông tâm huyết với những chính sách nào nhất?

Khác với đầu tư manh mún, nhỏ lẻ trước đây, lần này, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đồng bộ. Cụ thể, Nhà nước bỏ ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng đánh bắt, nuôi trồng đồng bộ; không chỉ cho ngư dân vay đóng mới, nâng cấp tàu đánh bắt xa bờ (công suất từ 400 CV), tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, mà còn cho vay cả vốn lưu động, với lãi suất thực tế chỉ là 1%/năm. Ngoài chính sách tín dụng, Nhà nước còn miễn hầu hết các loại thuế, phí, lệ phí đối với nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Tôi đánh giá rất cao chính sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ và chính sách tín dụng đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ mua máy móc, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa. Với 2 chính sách này ngư dân mới có thể đánh bắt xa bờ thay vì… xa nhà như trước đây. đánh bắt dài ngày trên biển mới nâng cao được hiệu quả, mới làm giàu được từ biển, mới thực hiện được mục tiêu nâng cao khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

Tin bài liên quan