Băn khoăn của nhà đầu tư với sản phẩm mới
CW khác các sản phẩm khác là sản phẩm này do CTCK phát hành dựa trên 26 chứng khoán cơ sở trong nhóm VN30 được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán cho phép. Từ đó, CTCK sẽ lựa chọn các chứng khoán cơ sở đánh giá có tiềm năng tăng trưởng để phát hành CW.
Chính vì vậy, mua CW có thể khiến nhà đầu tư yên tâm hơn vì đã được “lọc” 2 lần, thay vì nhà đầu tư tự lựa chọn trong hàng nghìn cổ phiếu đang niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán hiện nay. Bên cạnh ưu điểm này, CW được biết là sản phẩm có tính đòn bẩy cao, chi phí vốn ban đầu bỏ ra thấp và không rủi ro call margin như chứng khoán cơ sở, chứng khoán phái sinh.
Ðể sở hữu chứng quyền, nhà đầu tư có thể mua lúc tổ chức phát hành chào bán lần đầu (IPO) CW trên thị trường sơ cấp hoặc mua trên sàn khi CW niêm yết ngày 28/6 tới đây. Và giống như chứng khoán cơ sở, CW không được phép bán khống.
Giá của CW không bị điều chỉnh bởi các sự kiện của doanh nghiệp, nhưng giá thực hiện quyền và tỷ lệ chuyển đổi của CW sẽ bị điều chỉnh. Giá CW sẽ chịu tác động bởi cung - cầu thị trường, biến động giá thị trường của chứng khoán cơ sở và giá thực hiện quyền và thời gian đáo hạn.
Khi sở hữu CW, nhà đầu tư sẽ không có bất cứ quyền nào đối với công ty như khi sở hữu chứng khoán cơ sở (quyền biểu quyết, quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền nhận cổ phiếu thưởng…). Ðiểm khác biệt nữa là CW có thời hạn, từ 3 - 24 tháng, nên nhà đầu tư cần nắm kỹ kỳ hạn để xem xét bán CW hay nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Kỳ hạn ngắn thì CW sẽ có mức giá chứng quyền thấp hơn so với CW có kỳ hạn dài. Ghi nhận ý kiến các CTCK, kỳ hạn đang được nhà đầu tư ưa thích là 3 - 6 tháng. Ngoài kỳ hạn, nhà đầu tư cũng lưu ý đến tỷ lệ chuyển đổi để xác định CW đang đắt hay rẻ.
Khi đến ngày đáo hạn, nhà đầu tư sẽ được thanh toán bằng tiền mặt bằng khoảng tiền chênh lệch khi giá thanh toán của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện. Trường hợp giá thanh toán thấp hơn giá thực hiện, CW sẽ không được thực hiện và nhà đầu tư mất tối đa bằng đúng số tiền ban đầu bỏ ra mua CW.
Giá thanh toán chứng quyền khi thực hiện quyền là bình quân giá đóng cửa của chứng khoán cơ sở trong 5 ngày giao dịch liền trước ngày đáo hạn, không bao gồm ngày đáo hạn.
Về thời điểm nên mua CW để có khả năng sinh lời cao, theo ông Vũ Giang Sơn, Bộ phận Cấu trúc sản phẩm, CTCK BSC, là lúc thị trường chứng khoán cơ sở đang giảm mạnh, có nhiều cổ phiếu tốt giảm sàn 2 - 3 phiên. Lý do là CW diễn biến song hành với chứng khoán cơ sở, nhưng do tính đòn bẩy cao nên tỷ lệ giảm của CW cũng lớn hơn nhiều - là cơ hội tốt để mua vào. Khi thị trường hồi phục, tính đòn bẩy sẽ phát huy tác dụng, giúp nhà đầu tư có mức sinh lời tốt hơn. Ðiểm quan trọng nhất với nhà đầu tư vẫn là đánh giá được chứng khoán cơ sở đang cao hay thấp.
Nhiều nhà đầu tư băn khoăn, trong rất nhiều sản phẩm CW sắp phát hành, nên chọn CW nào để đầu tư? Ông Nguyễn Ðức Thông, Giám đốc Dự án phái sinh, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, giá CW gắn với giá chứng khoán cơ sở và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên điều đầu tiên nhà đầu tư phải nắm được là các doanh nghiệp có lịch sử tăng trưởng tốt và xem xét doanh nghiệp liệu có triển vọng tăng trưởng, có lý do để cổ phiếu tăng giá trong tương lai hay không.
Nhà đầu tư cũng cần tham khảo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, báo cáo phân tích của CTCK về chứng khoán cơ sở để chọn được sản phẩm CW dựa trên mã nào có khả năng sinh lời tốt. Sau đó, nhà đầu tư cần chú ý tới việc chọn kỳ hạn. CW kỳ hạn ngắn thì giá rẻ hơn, nhưng trong ngắn hạn thông tin tác động có thể phản ánh hết khiến giá chưa tăng như kỳ vọng. CW kỳ hạn dài hơn có giá mua đắt hơn, nhưng khả năng tăng giá có thể cao hơn, vì cổ phiếu tốt sẽ đạt mức tăng trưởng cao trong thời gian dài.
Một yếu tố quan trọng không kém, theo ông Thông, là kỳ vọng của nhà đầu tư trong 3 - 6 tháng tới, cổ phiếu cơ sở tăng trưởng ra sao, từ đó cân nhắc các CW với những mức giá thực hiện, giá chứng quyền để lựa chọn. Tương tự như vậy, với các mức giá khác nhau của CW thì có mức sinh lợi khác nhau. Tuỳ vào mức độ rủi ro và sức chịu đựng của mỗi nhà đầu tư để chọn khung thời gian đáo hạn.
Một đặc điểm rất đáng lưu ý khác là các tổ chức phát hành có thể phát hành CW trên cùng một chứng khoán cơ sở, miễn tổng lượng CW quy đổi tương ứng số lượng cổ phiếu không vượt quá tỷ lệ 10% cổ phiếu tự do chuyển nhượng của cổ phiếu đó. Vậy ưu điểm của CW do mỗi CTCK phát hành trong trường hợp này nằm ở đâu?
Theo ông Thông, trước hết, có khả năng sẽ có sự khác nhau giữa ngày đáo hạn, giá thực hiện, tỷ lệ chuyển đổi. Ngược lại, nếu giống nhau ở các tiêu chí này, tùy thuộc sự định giá của mỗi CTCK để đưa ra mức giá CW khác nhau.
Sự cạnh tranh phụ thuộc vào khả năng thanh toán khi CW đáo hạn và khả năng tạo lập thị trường (dùng hệ thống tạo lập được thiết lập một số tham số khá tương đồng nhau, số ít khác có thể có sự khác biệt hơn). Trên thực tế, mỗi CTCK đều có những lợi thế riêng để thu hút nhà đầu tư. Những CTCK có tệp khách hàng cá nhân tốt sẽ giúp thanh khoản của CW do công ty đó phát hành có thanh khoản tốt hơn. Nguồn vốn lớn, hạn mức tự doanh lớn cũng giúp CTCK sau này có thể phát hành được nhiều loại CW hơn.
Cuộc chơi có win - win giữa nhà đầu tư và CTCK?
Ghi nhận tại các nhiều hội thảo về CW, ngoài vấn đề ảnh hưởng của giá CW tới chứng khoán cơ sở thì nội dung được nhà đầu tư quan tâm nhất là liệu tham gia CW có giống như cuộc chơi giữa “nhà cái” là CTCK và nhà đầu tư. Ða phần ý kiến của các CTCK đều cho rằng, đây là cách hiểu sai.
Bởi lẽ, khi CTCK phát hành CW đã phải mua chứng khoán cơ sở làm tài sản đảm bảo. Nếu chứng khoán cơ sở giảm giá, mức độ thua lỗ của CTCK còn lớn hơn so với nhà đầu tư cá nhân (tối đa bằng phí mua CW) nên chắc chắn đây là cuộc chơi song hành.
Ngược lại, nếu chứng khoán cơ sở tăng giá, cả CTCK và nhà đầu tư đều hưởng lợi. Tức CTCK phải tìm mã có tiềm năng tăng trưởng, có khả năng tăng giá tốt nhất nhằm đảm bảo số cổ phiếu “tồn kho” mà CTCK mua làm tài sản đảm bảo sẽ không bị lỗ. Khi thị trường có quyền chọn bán thì CTCK mới có thể có nguồn thu lớn hơn, còn hiện chỉ có quyền chọn mua thì CTCK đối mặt rủi ro cao hơn so với nhà đầu tư mua CW.
Ông Thông cũng cho rằng, bất kỳ CTCK nào phát hành CW cũng sẽ kỳ vọng giá chứng khoán lên. Chưa kể, chứng khoán cơ sở được lựa chọn làm CW thuộc danh mục VN30, đã được sàng lọc về thanh khoản, có vốn hóa lớn, có tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng cao nên rủi ro để bị thao túng đã giảm đi rất nhiều. CW ra đời dựa trên các cổ phiếu đó sẽ có ít rủi ro bị làm giá, thao túng.
Việc phát hành nhiều CW sẽ đòi hỏi CTCK phải có dự báo tốt về diễn biến thị trường chứng khoán trong ngắn và trung hạn, nhằm tối ưu hóa việc phát hành CW ra thị trường có thể được hấp thụ tốt và có thanh khoản cao.
Nếu dự báo sai về xu hướng thị trường, việc phát hành quá nhiều CW khi thị trường diễn biến tiêu cực có thể khiến CTCK chịu gánh nặng về chi phí như chi phí vốn ký quỹ với ngân hàng lưu ký, chi phí vốn xây kho, chi phí vận hành và chi phí hệ thống.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn chứng khoán cơ sở để làm CW cũng rất quan trọng vì có thể ảnh hưởng tới giá trị kho hàng mà CTCK nắm giữ. Rủi ro có thể sẽ lớn hơn nếu chứng khoán cơ sở trong kho bị giảm giá, khiến CW không thanh khoản và nhà đầu tư mất niềm tin vào việc lựa chọn của CTCK phát hành CW.
Khi nào tổ chức phát hành phải thực hiện tạo lập thị trường?
Nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của tổ chức phát hành, theo quy định, trước khi phát hành, tổ chức phát hành sẽ phải ký đảm bảo thanh toán tối thiểu 50% giá trị CW phát hành. Đồng thời, hàng ngày, tổ chức phát hành phải thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro (hedging) cho số CW đang lưu hành.
Cụ thể, một tổ chức phát hành CW sẽ phải mua một lượng chứng khoán cơ sở để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư. Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Bộ phận Cấu trúc sản phẩm CTCK BSC, lượng chứng khoán cơ sở làm tài sản đảm bảo phải đáp ứng tỷ lệ khoảng 50 - 60% lượng chứng khoán tương ứng với lượng CW phát hành. CTCK không phải công bố thông tin trên toàn thị trường về hoạt động này, nhưng phải báo cáo Uỷ ban Chứng khoán, Sở GDCK. Cơ quan quản lý sẽ giám sát tổ chức phát hành thực hiện nghiệp vụ này, trường hợp không mua đủ chứng khoán cơ sở để đảm bảo tỷ lệ trên sẽ bị cảnh báo.
Một nhiệm vụ quan trọng khác của tổ chức phát hành là tạo lập thị trường CW. Tổ chức tạo lập thị trường thông thường sẽ thực hiện chào giá mua/bán CW liên tục trên thị trường và phải bắt buộc chào giá mua/bán CW khi sổ lệnh xảy các trường hợp: Một là, chỉ có lệnh bên mua hoặc bên bán CW; Hai là, không có lệnh bên mua và bên bán CW; Ba là, tỷ lệ chênh lệch giá trên thị trường vượt quá 5%. Tỷ lệ chêch lệch giá là tỷ lệ phần trăm của (giá chào bán thấp nhất - giá chào mua cao nhất) trên giá chào mua cao nhất.
Thời gian thực hiện nghĩa vụ tạo lập thị trường xảy ra trong phiên khớp lệnh liên tục (ngoại trừ 5 phút đầu) và khi chào giá phải tuân thủ: Khối lượng mỗi lệnh tối thiểu 100 CW; giá đặt lệnh phải đảm bảo không vượt tỷ lệ chênh lệch giá 5%. Thời gian tồn tại lệnh trên hệ thống tối thiểu là 1 phút.
Như vậy có nghĩa, tổ chức phát hành sẽ phải mua vào/bán ra chứng khoán cơ sở khi số lượng CW thay đổi trên thị trường. Cứ có sự thay đổi nào về số lượng CW trên thị trường thì CTCK sẽ phải thực hiện việc mua chứng khoán cơ sở để luôn đảm bảo tỷ lệ tài sản đảm bảo ở mức 50 - 60% theo quy định. Với vai trò là nhà tạo lập thị trường, nhà đầu tư bán ra CW thì tổ chức phát hành phải mua vào CW, đồng thời bán ra chứng khoán cơ sở để đảm bảo tỷ lệ trên. Ngược lại, nhà đầu tư mua vào CW thì tổ chức phát hành bán ra CW, đồng thời mua vào chứng khoán cơ sở cũng để đảm bảo tỷ lệ.
Còn trường hợp biến động chứng khoán cơ sở, tổ chức phát hành thực hiện việc hedging sử dụng phương án phòng ngừa rủi ro dựa trên hệ số Delta với chứng khoán phòng ngừa rủi ro là chứng khoán cơ sở của chứng quyền.
Nếu quy định quá chi tiết sẽ làm giảm tính linh hoạt của CTCK
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC.
Khung pháp lý dành cho sản phẩm CW đã tương đối đầy đủ để sản phẩm có thể triển khai theo đúng tiến độ. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc kỹ thuật như thời gian xem xét hồ sơ phát hành CW vẫn còn hơi dài, làm tăng rủi ro thị trường khi giá cổ phiếu cơ sở có thể biến động trong quá trình xét duyệt hồ sơ và gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng thành công của đợt phát hành chứng quyền. Bên cạnh đó, quy định về việc các tổ chức phát hành phải duy trì ký quỹ 50% giá trị phát hành tại ngân hàng lưu ký trong suốt vòng đời của chứng quyền sẽ làm tăng chi phí phát hành, gián tiếp làm tăng giá chứng quyền và ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của sản phẩm này đối với nhà đầu tư.
Một đặc điểm nổi bật về khung pháp lý của chứng quyền so với cổ phiếu là việc quy định các tổ chức phát hành phải đáp ứng các nghĩa vụ về tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền sau khi niêm yết. Ðây là một quy định rất mới, được đưa ra sau khi tham khảo kinh nghiệm của thị trường các nước, với mục tiêu nhằm tăng thanh khoản cho chứng quyền, giảm chênh lệch giá, đảm bảo khả năng thanh toán của tổ chức phát hành và bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
Các quy định này khá chặt chẽ về cách thức thực hiện, đồng thời cũng yêu cầu tổ chức phát hành phải thực hiện báo cáo hàng ngày cho các nghiệp vụ này và biện pháp chế tài là giảm hạn mức phát hành nếu vi phạm nghĩa vụ phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc quy định quá chi tiết sẽ làm giảm tính linh hoạt của CTCK khi quyết định các chiến lược về tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro, cũng như phát sinh thêm khối lượng công việc liên quan để đáp ứng quy định. Về lâu dài, chúng tôi kỳ vọng các nhà quản lý sẽ nới lỏng các quy định này nhằm tăng tính linh hoạt và giao nhiều quyền tự chủ hơn cho các tổ chức phát hành sau khi thị trường đã vận hành và hoạt động tương đối ổn định.
3 cách đầu tư CW để có suất sinh lời tốt
Ông Nguyễn Duy Linh, Phó giám đốc khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng cá nhân, SSI.
Nhà đầu tư có thể thực hiện 3 chiến lược trong đầu tư CW để có suất sinh lời tốt.
Chẳng hạn, nhà đầu tư nắm giữ 10.000 cổ phiếu HPG, trị giá 330 triệu đồng (mua giá 25.000 đồng/cổ phiếu, giá thị trường 33.000 đồng/cổ phiếu, đang lời 80 triệu đồng). Nhà đầu tư muốn hiện thực hoá lợi nhanh, đồng thời vẫn muốn duy trì trạng thái vì nhận định cổ phiếu còn tăng. Vậy nhà đầu tư tiến hành bán 10.000 cổ phiếu HPG với giá 33.000 đồng/cổ phiếu và mua 10.000 CW HPG (kỳ hạn 6 tháng, giá thực hiện 34.000 đồng/cổ phiếu với chi phí 30 triệu (phí quyền mua là 3.000/CW). Kết quả, nhà đầu tư hiện thực hoá được lợi nhuận 80 triệu đồng, sử dụng nguồn vốn 300 triệu đồng còn lại cho mục đích đầu tư khác. Nếu giá HPG giảm, số lỗ tối đa của nhà đầu tư là 30 triệu đồng. Nếu giá HPG tăng vượt điểm hoà vốn (34.000 + 3.000 đồng), nhà đầu tư sẽ có lời.
Nhà đầu tư cũng có thể đầu tư CW để đa dạng hoá danh mục đầu tư - là một trong những cách quan trọng để phân tán rủi ro. Nhưng giới hạn của nhà đầu tư cá nhân là không có đủ tiền mặt để thực hiện các chiến lược về đa dạng hoá hoặc không thực tế khi sử dụng toàn bộ khoản tiền để đa dạng hoá một danh mục.
Giả định, nhà đầu tư có 500 triệu đồng, đầu tư quyết định xây dựng danh mục với 2 cổ phiếu, tương ứng mỗi cổ phiếu giải ngân 250 triệu đồng. Tuy vậy, với danh mục này có thể không đạt hiệu quả nếu lựa chọn cổ phiếu không tốt. Vậy với việc sử dụng CW, thông qua tỷ lệ đòn bẩy, chỉ với 250 triệu cổ phiếu, nhà đầu tư cũng có thể xây dựng với một danh mục đa dạng cổ phiếu, giảm sự tập trung vào 1,2 cổ phiếu.
Ngoài ra, các CTCK khi phát hành CW thì họ lựa chọn cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có tiềm năng tăng trưởng tốt làm tài sản đảm bảo- giúp nhà đầu tư lọc được cổ phiếu tốt.
Chiến lược thứ 3 mà nhà đầu tư có thể thực hiện khi đầu tư CW là mua bán chênh lệch giá. CW được niêm yết và giao dịch như một chứng khoán cơ sở, giá sản phẩm chịu ảnh hưởng bởi giá của chứng khoán cơ sở và các thông tin về doanh nghiệp như kết quả kinh doanh, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, ban lãnh đạo, sản phẩm mới và những yếu tố khác tác động đến hoạt động của doanh nghiệp... Tóm lại, những yếu tố tác động tới chứng khoán cơ sở cũng sẽ tác động tới CW. Ðây cũng là yếu tố giúp nhà đầu tư mua thấp bán cao CW.
Giả định, đang là thời điểm cuối quý II/2019, CW FPT kỳ hạn 3 tháng đang được giao dịch tại mức giá là 3.000 đồng. Và trong điều kiện hiện nay, thị trường bị ảnh hưởng bởi thông tin ngắn hạn nên thị giá FPT chưa tăng nhưng sau khi nhận định, tất cả các thông tin phản ánh vào giá và FPT là doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng thì sẽ giúp cổ phiếu tăng trưởng, từ đó kéo theo CW tăng trưởng. Nhà đầu tư tiến hành mua CW. Một tháng sau, phân tích trên đúng, giá cổ phiếu FPT tăng như kỳ vọng của nhà đầu tư về tăng tăng trưởng lợi nhuận và giá CW trên sàn lên 3.500 đồng/CW, nhà đầu tư có thể thực hiện chốt lời CW để có được lợi nhuận 500 đồng/CW, tương ứng tỷ suất lợi nhuận 16,7%.
Kỳ vọng CW tại Việt Nam sẽ phát triển ổn định và bền vững
Sở Giao dịch Chứng khoán, TP.Hồ Chí Minh
CW là một sản phẩm có tốc độ phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và là một trong những sản phẩm chủ lực của một số thị trường chứng khoán như Ðài Loan, Hồng Kông… Với đặc điểm là tỷ lệ đòn bẩy cao hơn giao dịch ký quỹ, chứng quyền thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân, mà không làm gia tăng rủi ro mất thanh toán từ khối nhà đầu tư cá nhân. Hơn nữa, chứng quyền giúp gia tăng tính thanh khoản cho tài sản cơ sở thông qua hoạt động giao dịch tài sản cơ sở của nhà phát hành để phòng hộ rủi ro.
Ðặc điểm đòn bẩy tuy là một lợi điểm thu hút nhà đầu tư giúp khuếch đại lợi nhuận, nhưng cũng là hạn chế của sản phẩm mang tính chất rủi ro cao so với việc đầu tư trực tiếp từ tài sản cơ sở và nhà đầu tư sẽ gánh chịu phần trăm tổn thất cao hơn nhiều lần so với đầu tư cổ phiếu. Thị trường chứng quyền chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi trình độ hiểu biết của nhà đầu tư và tổ chức phát hành là ngang nhau.
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã phối hợp với các CTCK thực hiện công tác đào tạo phổ biến kiến thức về CW cho thị trường và nhà đầu tư.
Việc triển khai CW là hoạt động tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán. CW được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc sản phẩm, thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường cổ phiếu, hỗ trợ tái cấu trúc hoạt động của CTCK…
Với sự chuẩn bị kỹ càng về mặt pháp lý, hệ thống giao dịch, cơ sở hạ tầng thị trường, CW tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định và bền vững, hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.