Xuất khẩu sang Mỹ: Nguy cơ kép

Xuất khẩu sang Mỹ: Nguy cơ kép

(ĐTCK-online) Cuối tháng 10, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra kết luận sơ bộ về phá giá trong cuộc điều tra chống bán phá giá sản phẩm túi nhựa PE có xuất xứ từ Việt Nam với biên độ thuế từ 52,3% đến 76,11%. Căn cứ vào kết luận trên, Cục Hải quan và Biên mậu Mỹ tiến hành thu tiền ký quỹ đối với hàng hóa liên quan đến mức thuế chống bán phá giá tạm thời. Đáng chú ý, trong vụ kiện này, đây là lần đầu tiên một sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam bị điều tra đồng thời cả chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Từ tháng 4, DOC bắt đầu điều tra việc bán phá giá và hưởng trợ cấp đối với mặt hàng túi nhựa đựng hàng hoá bán lẻ được nhập khẩu từ Việt Nam. DOC dự kiến đưa ra kết luận cuối cùng vào tháng 3/2010. Trước năm 2007, Mỹ đã hạn chế việc áp dụng Luật Thuế chống trợ cấp đối với nước có nền kinh tế phi thị trường. Trong trường hợp biện pháp chống bán phá giá và thuế đối kháng được áp dụng đồng thời đối với một loại sản phẩm cụ thể, DOC tiến hành cộng thêm phần thuế đối kháng nhằm bù đắp khoản trợ cấp xuất khẩu vào giá xuất khẩu của sản phẩm đó. Sự điều chỉnh này được thực hiện dựa vào giả định rằng, trợ cấp xuất khẩu đã hạ thấp giá cả hàng hóa xuất khẩu; nếu không có sự điều chỉnh, các hàng hóa xuất khẩu đã được hưởng lợi từ trợ cấp có thể phải chịu sự trừng phạt gấp đôi. Thông thường, thuế đối kháng được DOC áp dụng thấp hơn so với các biện pháp chống bán phá giá. Tuy nhiên, trong một vài tình huống, thuế đối kháng được áp dụng rất cao: 200,58%, 304,4%, 352,82%, 616,83%...

Theo giáo sư Claudio Dordi, thuộc Dự án hỗ trợ thương mại đa phương, điều tra chống bán phá giá và các phương pháp đối kháng trong lĩnh vực xuất khẩu túi nhựa của Việt Nam vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, rất có thể có những rủi ro nghiêm trọng xảy ra, bởi các biện pháp chống bán phá giá và thuế đối kháng có thể được áp dụng đồng thời. Sự cân nhắc quyết định của DOC trong trường hợp túi nhựa sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam: nếu quyết định đồng thời áp dụng các biện pháp chống bán phá giá và thuế đối kháng đối với mặt hàng túi nhựa của Việt Nam thì sẽ có thể sẽ có nhiều cuộc điều tra mới đối với một số hàng hóa khác của Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ. Điều này có nghĩa là chính sách trợ cấp của Việt Nam sẽ được các nhà điều tra của Mỹ phân tích kỹ. Theo một nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu hợp tác phát triển Italia, dựa vào điều tra trợ cấp trong ngành điện và dệt may, lợi ích do các chương trình trợ cấp ở Việt Nam đem lại đang được đặt câu hỏi.

Nguyên Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), bà Susan Schwab - nhà hoạch định chính sách thương mại của Mỹ trong chuyến thăm và làm việc với các DN tại Việt Nam mới đây nhấn mạnh, Mỹ là một trong những nước tiến hành các biện pháp bảo hộ thương mại. Có 7 biện pháp phân biệt đối xử đối với các DN nước ngoài đã được nước này áp dụng kể từ sau Hội nghị G20 vào cuối năm 2008, những hành động này đã gây ảnh hưởng đối với 120 quốc gia. Bởi thế, các DN Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ phải rất cẩn trọng.

Bà Susan Schwab nhận định, quan hệ thương mại Việt - Mỹ với việc chống trợ giá hay chống phá giá đang là vấn đề của các nhà xuất khẩu Việt Nam, nhưng đây đều là những vấn đề hợp pháp theo quy trình của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vì thế, Việt Nam phải có luật của riêng mình để có thể ứng phó với những mặt hàng được bán phá giá cũng như cần thận trọng để có thể không đưa ra những hành động không hợp lệ theo WTO, ví dụ như có thể bảo hộ xuất khẩu tạm thời, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm theo những quy trình nhất định.

Từ đầu năm 2009, do những khó khăn từ tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, các biện pháp bảo hộ thương mại được nhiều nước tăng cường sử dụng. Năm 2010, theo nhìn nhận của các chuyên gia thương mại, xuất khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ bị kiện chống bán phá giá do có tốc độ tăng trưởng cao, có tính tập trung tại một số thị trường. Bên cạnh đó, trong hàng xuất khẩu Việt Nam, hàng nguyên liệu thô, ít qua chế biến chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài ra, có sự mất cân đối trong cán cân thương mại đối với các thị trường xuất khẩu chủ lực (chẳng hạn xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ lớn gấp 8 lần so với nhập khẩu; xuất khẩu vào Úc lớn gấp 5 lần; xuất khẩu vào Anh, Đức lớn gấp 2 lần...).

Năm nay, dệt may Việt Nam có nhiều nỗ lực và về đích kế hoạch với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,2 tỷ USD. Trong khi các nước khác sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu, thành tích này của Việt Nam sẽ được "soi" rất kỹ trong năm 2010. Hiện Mỹ là thị trường chủ lực của mặt hàng này, chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu và phía Mỹ đã có chương trình giám sát hàng dệt may Việt Nam. Đối phó với nguy cơ này, Bộ Công thương đã áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với 14 mặt hàng dệt may "nóng" nhất vào thị trường Mỹ; lập ban kiểm tra hoạt động chuyển tải, tạm nhập tái xuất khẩu của các DN. Trước đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam từ tháng 1/2008 quy định, DN xuất khẩu vào Mỹ phải nộp phí 0,01% doanh thu xuất khẩu để phục vụ cho việc đối phó với chống bán phá giá. Có thể nói, những sự chuẩn bị như vậy sẽ không bao giờ thừa, nhất là đối với những ngành có mức độ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.