Ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực dệt may, da giày, gạo đều có tín hiệu tích cực trong nửa cuối năm.

Ba mặt hàng xuất khẩu chủ lực dệt may, da giày, gạo đều có tín hiệu tích cực trong nửa cuối năm.

Xuất khẩu nỗ lực vượt nửa chặng đường

(ĐTCK) Dệt may, da giày, gạo là ba mặt hàng xuất khẩu được nói đến nhiều nhất tại Hội nghị sơ kết công tác ngành công thương 6 tháng đầu năm 2009. Trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chủ lực khó khăn do khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp xuất khẩu đã nỗ lực để đạt kế hoạch đề ra, song nửa cuối năm nhiệm vụ còn rất nặng nề...

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm doanh số sản xuất công nghiệp của Tập đoàn đạt mức tương đương so với cùng kỳ, xuất khẩu đạt 756 triệu USD. Xuất khẩu chung toàn ngành đạt 4,08 tỷ USD, đạt mức xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái. Trong tình hình khó khăn chung, vẫn có một số điểm sáng như kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tăng gần 20%, thị trường Đài Loan cũng tăng trưởng tốt… Đáng chú ý nhất là thị trường nội địa phát triển rất tốt, trong khi chỉ số bán lẻ chung của cả nước tăng 20% thì ngành dệt may tăng 15 -18%.

Sáu tháng cuối năm, dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 1 - 2% so với năm 2008, tăng 6% so với nửa đầu năm. Một số giải pháp được Hiệp hội khuyến nghị doanh nghiệp thực hiện như nỗ lực để giành được đơn hàng, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu tại khu vực châu Á.

Ông Ân đề nghị Bộ Công Thương giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn liên quan đến thủ tục hải quan, lao động, nghiên cứu thay đổi giờ cao điểm tính giá điện buổi sáng. Để giải quyết khó khăn về tuyển dụng lao động tại các khu đô thị lớn, ngành may cần có kế hoạch tái cơ cấu, di dời nhà máy về các địa phương có lực lượng lao động lớn, sản xuất theo các mô hình có năng suất cao, tập trung đến yếu tố thời trang, công nghệ để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho người lao động.

Cùng với dệt may, da giày là ngành có số lao động lớn và là một trong những mũi nhọn xuất khẩu. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày cho biết, 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 2,2 tỷ USD. Những tháng còn lại, da giày phấn đấu đạt thêm 2,5 tỷ USD nữa (kế hoạch xuất khẩu cả năm là 4,5 tỷ USD). Để đạt mục tiêu trên, giải pháp chủ yếu của ngành vẫn là tập trung vào xúc tiến thương mại thông qua 4 chương trình hội chợ quốc tế, nội địa, phối hợp với Hiệp hội Dệt may khảo sát 2 thị trường chính là EU và Bắc Mỹ, mở  rộng thị trường Đông Âu và Nga. Trong nỗ lực đối phó lại các rào cản thương mại trong xuất khẩu, Hiệp hội Da giày cho biết sẽ phối hợp với Uỷ ban Thương mại châu Âu và Uỷ ban Thương mại Canada để “đóng lại” vụ kiện chống bán phá giá da giày Việt Nam (hiện EU thu hẹp diện chống bán phá giá so với ban đầu).

Với ngành lương thực, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3,65 triệu tấn, tăng gần 60% so với nửa đầu năm 2008; giá trị kim ngạch đạt 1,5 - 1,7 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu trên là mức cao nhất từ trước tới nay, song hiện tại vấn đề lớn nhất của ngành là giải quyết lượng hàng tồn kho trên 1 triệu tấn gạo. Sáu tháng cuối năm, xuất khẩu gạo đặt kế hoạch “khiêm tốn” là 1,35 triệu tấn, điều này hoàn toàn trong tầm tay doanh nghiệp, nhưng xuất thế nào, Hiệp hội và doanh nghiệp còn chờ chỉ đạo.

Ngay từ tháng tới, doanh nghiệp sẽ thu mua vụ Hè Thu với số lượng khoảng 2 triệu tấn gạo, cộng với lượng tồn kho sẽ lên trên 3 triệu tấn. Theo tính toán của Hiệp hội thì khả năng xuất khẩu khả quan, các hợp đồng đã ký cho năm 2009 đạt trên 5 triệu tấn gạo. “Khối lượng không đáng lo, vấn đề quan trọng là làm sao xuất khẩu đạt hiệu quả cao nhất”, ông Thuấn nhấn mạnh. Để giải quyết được câu hỏi trên chính là cần một cơ chế xuất khẩu gạo hợp lý, linh hoạt. Hiệp hội cũng đã có đề xuất với Chính phủ ban hành một nghị định riêng về xuất khẩu gạo, có thể thực hiện từ năm 2010, nhằm tạo điều kiện ổn định, rõ ràng trong định hướng ngay từ đầu năm.

Ba nhóm ngành trên đều có triển vọng xuất khẩu tích cực trong nửa cuối năm 2009, song nhìn chung về xuất khẩu, mục tiêu tăng trưởng 3% không dễ thực hiện. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 24% so với cùng kỳ. Số thu của ngành hải quan cũng giảm, kế hoạch cả năm 2009 đặt ra là 124 nghìn tỷ đồng, 6 tháng mới đạt 57,689 nghìn tỷ đồng, bằng 47% so với kế hoạch và giảm 10% so với cùng kỳ.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, để xuất khẩu về đích, nỗ lực của mình doanh nghiệp là không đủ. Do đó, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, việc tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn bất cập về mặt chính sách trong giai đoạn này là rất cần thiết. Tới đây, ngành hải quan sẽ tổ chức đối thoại với DN để nắm bắt những bất cập và có hướng giải quyết ngay.