Năm 2009, các DN thủy sản gặp khó khăn do giá thế giới giảm mạnh.

Năm 2009, các DN thủy sản gặp khó khăn do giá thế giới giảm mạnh.

Xuất khẩu năm 2010: Tăng từ 6% trở lên

(ĐTCK-online) Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu vẫn được duy trì. Phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng từ 6% trở lên. Hai thông điệp này được đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch 2010 ngành công thương diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội một lần nữa khẳng định các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự chủ vượt qua khó khăn, song cũng sẽ được hỗ trợ ở mức tối đa cho phép.

Lượng tăng, giá giảm

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động thương mại nói chung và xuất khẩu nói riêng năm 2009 chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, làm cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và giá cả quốc tế giảm sút mạnh. Đồng thời, các nước gia tăng biện pháp bảo hộ. Do đó, hoạt động xuất khẩu chịu tác động tiêu cực trên cả ba phương diện: đơn đặt hàng ít đi do bạn hàng gặp khó khăn về tài chính, nhu cầu của người tiêu dùng nước nhập khẩu suy giảm; giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dầu thô, than đá, lúa gạo, cao su, cà phê, hạt tiêu, thủy sản... sụt giảm mạnh so với năm 2008; các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu gặp khó khăn về vốn và đầu ra, kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2009, duy nhất xuất khẩu sang thị trường châu Phi có tăng trưởng dương, ước khoảng 17,5% do tăng xuất khẩu gạo sang Bờ Biển Ngà và tái xuất vàng sang Nam Phi, còn các thị trường khác đều giảm. Giảm mạnh nhất là thị trường châu Đại Dương (khoảng 44,8%) do lượng dầu thô xuất khẩu sang Australia giảm.

Tổng hợp số liệu từ các hiệp hội ngành hàng có thể thấy sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp trong năm 2009 khi phần lớn mặt hàng đạt khối lượng xuất khẩu tăng hơn năm 2008 (lượng xuất khẩu tăng làm tăng kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD). Tuy nhiên, do tốc độ giảm giá lớn hơn nên tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm giảm 9,7% so với năm 2008, ước đạt 56,73 tỷ USD. (Tổng thiệt hại do giá giảm khoảng 11 tỷ USD, tương đương giảm 17 - 18% kim ngạch xuất khẩu, trong đó nhóm nông sản, thủy sản giảm 2,7 tỷ USD, nhóm nhiên liệu khoáng sản giảm 4,6 tỷ USD, nhóm công nghiệp chế biến giảm 3 - 4 tỷ USD).

 

Chủ động

Nhìn ra xung quanh, xuất khẩu của Nhật Bản giảm 36% trong tháng 8/2009 (giảm 11 tháng liên tiếp), Thái Lan giảm 23,5% (giảm 10 tháng liên tiếp), Hàn Quốc giảm 20,6% (giảm 10 tháng liên tiếp), Trung Quốc giảm 23% (giảm 8 tháng liên tiếp)... thì có thể thấy xuất khẩu Việt Nam đã có nỗ lực rất lớn. Hiện tại, trong bối cảnh các nước đều đẩy mạnh xuất khẩu, để phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng từ 6% trở lên so với mức thực hiện năm 2009, ngành công thương đặt mục tiêu tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, chú trọng vào các thị trường chủ lực như châu Á, các nước EU, Bắc Mỹ, Nga, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường mới như Trung Đông, Mỹ La tinh, châu Phi. Đồng thời, Bộ Công Thương thực hiện các giải pháp hạn chế nhập khẩu bằng cách đề nghị tiếp tục kiểm soát và hạn chế cho vay nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhất là với mặt hàng ôtô, điện thoại di động.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ (không đi ngược với cam kết thương mại quốc tế) của Nhà nước, xuất khẩu sẽ khiến các doanh nghiệp phải không ngừng cải tiến công nghệ, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu… để tăng tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Phó thủ tướng nhận xét, tình hình xuất khẩu năm 2009 phần lớn vẫn mang tính tự phát, chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, năm 2010, cần định hướng xuất khẩu là mũi nhọn, thay vì xuất thô, làm gia công cho nước ngoài. Xuất khẩu phải hướng tới tạo thêm nhiều giá trị gia tăng đối với các loại hàng hóa. Phó thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp chú ý tới việc mở rộng thị trường, tránh bị động thấy thị trường nào “ngon” thì thâm nhập, thay vì tiếp cận một cách bài bản và có chiến lược. Đơn cử, nước láng giềng Trung Quốc với 1,3 tỷ dân, tiềm năng thị trường là rất lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam ngại “đụng hàng”, chưa xác định đây là thị trường cần chiếm lĩnh, mà chủ yếu là buôn bán nhỏ lẻ ở khu vực biên giới.