Muốn giữ vững và tăng kim ngạch vẫn cần tập trung vào các thị trường chủ lực.

Muốn giữ vững và tăng kim ngạch vẫn cần tập trung vào các thị trường chủ lực.

Xuất khẩu “lấy đà” cho năm mới

(ĐTCK-online) Năm 2009 đang bước vào những ngày cuối cùng, khép lại 1 năm đầy khó khăn của các DN xuất khẩu. Nhưng năm 2010 không chỉ toàn màu hồng với hoạt động xuất khẩu. Việc lường trước những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội đối với từng ngành hàng, từng thị trường là rất cần thiết. Được biết, trong tuần này Bộ Công thương dự kiến sẽ họp bàn về kế hoạch xuất khẩu năm 2010.

Ông Ngô Văn Thoan, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết, năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng  mức giảm dưới 5% - mức khả quan nhất trong số các nước xuất khẩu vào thị trường này. Dự báo triển vọng năm 2010, ông Thoan cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng tối thiểu 10% so với năm 2009, song  giá cả vẫn là vấn đề DN cần lưu tâm vì Mỹ sẽ tăng cường áp dụng một số chính sách mang tính chất bảo hộ, đưa ra những quy định như những rào cản kỹ thuật... Cá tra và basa vẫn đứng đầu trong danh sách nhóm có nhiều nguy cơ, vốn đã bị Mỹ khởi kiện và đưa vào danh mục bị áp thuế chống bán phá giá. Gần đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ lại dự kiến đưa cá tra và cá basa của Việt Nam vào nhóm hàng "catfish" để loại cá này phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý chất lượng của Mỹ, từ khâu nuôi trồng, chế biến, vận tải và bảo quản. Ngoài ra, các mặt hàng nông sản và thực phẩm khác cũng có thể sẽ gặp khó khăn do phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn và phải cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường Mỹ.

Một thị trường quan trọng khác là Nhật Bản, năm 2008, thương mại 2 chiều Việt Nam - Nhật Bản đạt tới 17 tỷ USD; dự kiến năm 2009 do tác động từ khủng hoảng, con số này chỉ đạt 14 - 15 tỷ USD. Các hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, Tự do Thương mại Việt Nam - Nhật Bản có hiệu lực từ ngày 1/10/2009, tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu Việt Nam khi có tới 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào nước này được hưởng chế độ giảm thuế, trong đó tập trung ở những nhóm mặt hàng chúng ta có thế mạnh như thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất và linh kiện điện tử.

Tại cuộc họp phổ biến nội dung Hiệp định tổ chức đầu tuần này, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương), ông Lê Quang Lân cho biết, hạn chế của các DN Việt Nam là hiểu biết chưa đầy đủ về thị trường Nhật Bản như về chính sách thương mại,  chính sách thuế và chính sách phi thuế. Vì thế, thay vì "đơn thương độc mã", DN Việt Nam có thể hợp tác với các DN Nhật Bản để xâm nhập thị trường này. Bên cạnh đó, việc đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt chỉ tiêu an toàn thực phẩm là yêu cầu tiên quyết đối với sản phẩm nông sản, thủy sản. Để hỗ trợ DN, Bộ Công thương đã thiết lập các điểm cung cấp thông tin giải đáp các vấn đề mang tính kỹ thuật như thuế, xuất xứ hàng hóa…, với đầu mối là Vụ châu Á - Thái Bình Dương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai xây dựng một trung tâm vệ sinh an toàn thực phẩm để hỗ trợ kiểm định hàng nông sản, thủy sản của  Việt Nam trước khi đưa vào thị trường Nhật Bản.

Tuy vậy, không có nghĩa năm 2010 sẽ dễ dàng cho DN Việt Nam bước chân vào thị trường Nhật Bản. Một khảo sát mới đây của Bộ Nội vụ và Viễn thông Nhật Bản cho thấy, tổng chi tiêu trung bình cho thuỷ sản của các hộ gia đình Nhật Bản trong 10 tháng đầu năm 2009 giảm 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 66.777 yên. Giả thiết mức chi tiêu trong tháng 11 và tháng 12 tương đương với năm trước, thì tổng chi tiêu trong cả năm có thể sẽ giảm 2,4% so với năm 2008, xuống còn 86.347 yên - mức thấp nhất kể từ năm 1975. Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, trong khi đối thủ cạnh tranh của các DN Việt Nam đặt quyết tâm rất cao.

Theo Hiệp hội Tôm Thái Lan, xuất khẩu mặt hàng này năm nay dự kiến đạt 380.000 tấn, tăng 5,8% so với năm ngoái, giá trị đạt 2,8 tỷ USD, tăng 300.000 USD so với năm 2008. Ngành tôm Thái Lan dự kiến giá trị xuất khẩu sẽ tăng lên 3 tỷ USD vào năm 2010 với nhiều biện pháp để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Thị trường EU vốn khá ưu ái với hàng nhập khẩu Việt Nam cũng ngày một khó tính hơn. Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha liên tục nhận được thông báo từ Cơ quan kiểm soát vệ sinh hàng nhập khẩu thuộc Bộ Y tế và Tiêu dùng Tây Ban Nha về việc rất nhiều lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Tây Ban Nha bị cơ quan này từ chối nhập khẩu. Các lý do phía Tây Ban Nha đưa ra là vì có những sai sót trong Chứng nhận kiểm dịch do Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản (NAFIQAD) cấp phát, hoặc có sự thay đổi mẫu giấy nhưng chưa thông báo đầy đủ tới phía Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, năm 2009 Tây Ban Nha vươn lên trở thành nước nhập khẩu số 1 của EU về hàng thủy sản Việt Nam, có thể DN thủy sản tại đây sẽ có động thái nhằm bảo hộ cho hàng hóa của chính họ. Tương tự là những quy định về nguồn gốc xuất xứ thủy sản, tiêu chuẩn khắt khe về dệt may, da giày…, khiến DN thêm nhiều chi phí khi đưa hàng hóa vào thị trường trên.

Khó khăn từ những thị trường chủ lực là động lực để nhiều DN tìm đến thị trường ngách, song theo nhìn nhận của các DN xuất khẩu lớn, muốn giữ vững và tăng kim ngạch vẫn cần tập trung vào các thị trường chủ lực. Xuất khẩu sang châu Phi chẳng hạn, yêu cầu về chất lượng hàng hóa thấp, người tiêu dùng dễ tính nhưng giá trị kim ngạch không cao, đặc biệt rủi ro về thanh toán là rất lớn.