Xuất khẩu gạo: Giải tỏa nút cổ chai

(ĐTCK) Việc giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chịu trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo, trong đó dành ưu ái cho 2 tổng công ty: Lương thực miền Bắc và miền Nam đang gây bức xúc cho nhiều doanh nghiệp với đề nghị cần xem xét lại cơ chế điều hành. Cùng với đó là nỗi lo được mùa mất giá, ế hàng lại tái diễn. Trong cuộc họp trực tuyến về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo 5 tháng đầu năm diễn ra tuần qua, không ít ý kiến đề nghị Chính phủ tăng hạn mức xuất khẩu.

Được mùa

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ Đông Xuân vừa thu hoạch xong là vụ được mùa lớn với năng suất trên 6 tấn/héc-ta, nửa đầu năm 2009 là thời gian đỉnh cao về sản lượng cũng như giá trị thương mại. Tại thời điểm này, giá lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long tuy có giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức 4.200 - 4.700 đồng/kg, đảm bảo nông dân có lãi xấp xỉ 50%, lượng lúa hàng hóa vụ Đông Xuân đã tiêu thụ hết. Tính đến ngày 31/5, lượng gạo xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước đến nay với xấp xỉ 3 triệu tấn, tăng trên 50% về sản lượng và tăng trên 30% giá trị. Xuất khẩu đã chủ động được những hợp đồng tập trung với số lượng lớn, giá tốt; doanh nghiệp xuất khẩu có hiệu quả, triển khai các hợp đồng thương mại linh hoạt, góp phần tiêu thụ lượng lúa tồn kho và lúa gạo hàng hóa chính vụ.

Cơ quan đầu mối - VFA cũng cho biết, chỉ riêng tháng 5 đã đăng ký hợp đồng thương mại trên 400.000 tấn. Dự kiến, 6 tháng đầu năm sẽ giao khoảng 3,6 triệu tấn, đạt mức tối đa kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, nếu không có biến động bất thường, xuất khẩu gạo năm 2009 có thể đạt trên 5 triệu tấn.

Bên cạnh diễn biến tích cực của ngành gạo, hiện vẫn còn không ít nỗi lo, lớn nhất là lo được mùa hàng tồn mất giá. Ông Hà Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, kế hoạch 3 vụ dự kiến của Kiên Giang là 3,390 triệu tấn, vụ Hè Thu đã đạt 70%. Hiện lượng gạo tồn là 126.000 tấn, trong khi giá lúa giảm 500 đồng/kg so với tháng 4/2009. Đại diện Sở Công Thương An Giang cũng chia sẻ lo ngại về lượng gạo tồn kho, trong khi giá lúa đang có xu hướng đi xuống. Tỉnh An Giang kiến nghị nâng mức chỉ tiêu xuất khẩu lúa gạo lên 5,5 - 6 triệu tấn.

Lo mất giá?

Một trong những lý do dẫn tới nỗi khổ "được mùa - mất giá" nhiều đại biểu chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến về xuất khẩu gạo tuần qua nằm ở cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện có nhiều bất cập. VFA là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, nhưng được đứng ra phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu cho từng tỉnh, từng doanh nghiệp, việc phân bổ chỉ tiêu lại được phản ánh không khách quan, phần lớn tập trung cho hai tổng công ty: Lương thực miền Bắc và Lương thực miền Nam. Có địa phương sản lượng lúa không nhiều, nhưng được giao hạn ngạch xuất khẩu lớn; có tỉnh sản lượng lúa lớn lại chỉ được phân bổ rất hạn chế. Ngay tại vùng nguyên liệu dành cho xuất khẩu, doanh nghiệp kinh doanh lương thực của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được phân bổ chỉ tiêu khá khiêm tốn, nên khả năng thu mua lúa gạo của doanh nghiệp bị hạn chế, không đảm bảo việc tiêu thụ hết lúa cho nông dân. Cũng vì được phân bổ chỉ tiêu thấp, lại lo khi lượng hàng đăng ký xuất vượt chỉ tiêu, lệnh dừng xuất khẩu có thể ban hành đột xuất bất cứ lúc nào nên doanh nghiệp không thể chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng nhập khẩu. Trước diễn biến như vậy, đại diện Sở Công Thương An Giang kiến nghị, các hợp đồng tập trung thì nên phân chỉ tiêu theo tỉnh, còn các hợp đồng khác để doanh nghiệp tự do ký, tránh tình trạng doanh nghiệp có khả năng tìm kiếm thị trường, tìm khách hàng trong khi gạo tồn kho, mất giá, gây thiệt thòi cho nông dân.

Giải đáp băn khoăn của doanh nghiệp, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề cập, trong bối cảnh hiện nay, không nên tăng chỉ tiêu xuất khẩu gạo lên 6 triệu tấn. Đây là một quyết định mang tính rủi ro và sẽ làm giá lúa gạo thế giới tiếp tục giảm. Tuy nhiên, trong công tác chỉ đạo điều hành, Chính phủ không hạn chế xuất khẩu trong điều kiện sản lượng hàng hóa và thị trường thuận lợi. Phó thủ tướng cũng chỉ đạo, sẽ chấm dứt cơ chế giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác điều hành tiêu thụ, xuất khẩu gạo là nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi để ban hành cơ chế điều hành xuất khẩu gạo minh bạch hơn. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đề xuất cơ chế tiêu thụ gạo bằng hợp đồng, việc mua tạm trữ được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương đánh giá và đề xuất cơ chế.

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và quan điểm của giới chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ chế điều hành xuất khẩu gạo nên được sửa đổi theo hướng, VFA sẽ trở lại đúng vị trí, chức năng của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, làm đầu mối tìm kiếm, cung cấp thông tin về thị trường, cầu nối cho doanh nghiệp. Bộ Công Thương đảm nhận vai trò điều hành và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo các tỉnh trong việc phân bổ chỉ tiêu. Chỉ tiêu này căn cứ vào số liệu dự báo về sản lượng lúa. Đối với hợp đồng xuất khẩu tập trung số lượng lớn thì có thể phân bổ cho từng tỉnh. Còn lại, nên để cho doanh nghiệp chủ động tìm khách hàng và thực hiện hợp đồng.