Nhà nước sẽ tạo điều kiện hình thành chợ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày.

Nhà nước sẽ tạo điều kiện hình thành chợ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày.

Xuất khẩu chuyển hướng ưu tiên

(ĐTCK) Song song với việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng đặt kế hoạch điều hành chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các nhóm hàng nhiên liệu - khoáng sản; nhóm hàng nông - lâm - thuỷ sản và công nghiệp - thủ công mỹ nghệ sẽ được hỗ trợ theo xu hướng tăng dần.

Giảm thô

Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản sẽ giảm mạnh từ 11,7 tỷ USD năm 2008 xuống còn 5,4 tỷ USD năm 2009 và tăng nhẹ lên 6,1 tỷ USD năm 2010. Từ năm 2009, một phần đáng kể dầu thô khai thác ở mỏ Bạch Hổ sẽ giành cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trong năm 2009, nhà máy này sẽ sử dụng khoảng 3,5 - 4 triệu tấn dầu (60% công suất thiết kế) và 6 - 6,5 triệu tấn trong năm 2010. Như vậy, lượng dầu thô xuất khẩu năm 2009 sẽ giảm xuống còn 11 triệu tấn, năm 2010 còn 10 triệu tấn, tương đương với việc giảm kim ngạch từ 10,45 tỷ USD năm 2008 xuống còn 4,4 tỷ USD năm 2009 (giá bình quân 50 USD/thùng) và 5 tỷ USD năm 2010 (giá bình quân khoảng 70 USD/thùng).

Với than đá, xuất khẩu mặt hàng này cũng sẽ giảm dần do chủ trương kiểm soát chặt xuất khẩu tài nguyên. Theo kế hoạch, xuất khẩu than sẽ duy trì ở mức 20 triệu tấn năm 2009, giảm xuống còn 18 triệu tấn vào năm 2010 (tuy nhiên lượng xuất khẩu có thể sẽ tăng thêm 4 - 5 triệu tấn mỗi năm, do Chính phủ cho phép xuất khẩu than chất lượng thấp). Dự kiến, kim ngạch năm 2009 đạt khoảng 1 tỷ USD với mức giá bình quân dự tính đạt 40 USD/tấn, giảm 30 USD/tấn so với năm 2008.

Tăng tinh

Mặt hàng chủ lực giảm mạnh, Việt Nam sẽ định hướng xuất khẩu ra sao để tạo lại thế cân bằng? Câu trả lời: sẽ tập trung cho một số nhóm hàng có thế mạnh và tạo cơ chế thuận lợi tối đa cho những nhóm ngành này. Trước hết là nhóm ngành nông, lâm, thuỷ sản. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhóm này năm 2009 sẽ giảm 26%, đạt giá trị khoảng 9,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải phấn đấu đạt kim ngạch 11 tỷ USD năm 2009 (không kể đồ gỗ). Được ưu tiên trong nhóm này là ngành thuỷ sản. Tổng sản lượng thuỷ sản của Việt Nam hiện đạt trên 4,1 triệu tấn. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu năm 2009 sẽ đạt khoảng 5 tỷ USD và đến năm 2010 đạt 5,6 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,4%/năm. Thị trường chính vẫn là EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, các nước ASEAN.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, khó khăn chủ yếu hiện nay là các nước đang áp dụng các hành vi bảo hộ thương mại, hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch chặt chẽ và thường xuyên ban hành các tiêu chuẩn chất lượng mới khắt khe hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam lại thiếu nguyên liệu trong nước để sản xuất xuất khẩu, trong khi thuế nhập khẩu ở mức cao 10 - 20%, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản chỉ hoạt động được khoảng 70% công suất. Để đáp ứng được các đơn hàng đã ký, nhiều DN buộc phải chọn giải pháp nhập khẩu nguyên liệu. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng đủ nhu cầu chế biến xuất khẩu, từ nay đến năm 2010, nhập khẩu nguyên liệu thủy sản của Việt Nam sẽ tăng từ 8% đến 10%/năm, với giá trị khoảng 200 triệu USD/năm. Tuy nhiên, một vấn đề đáng báo động là trong nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, nhiều trường hợp không đảm bảo chất lượng, có dư lượng kháng sinh cao…

Để khắc phục những khó khăn trên, cơ quan quản lý và DN được yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh chất lượng hàng thuỷ sản từ khâu nuôi trồng - nguyên liệu tới thành phẩm. Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí trang bị máy móc, thiết bị và chi phí kiểm tra dư lượng kháng sinh và vệ sinh an toàn thực phẩm (kể cả khâu thu mua nguyên liệu, sơ chế, sản xuất và xuất khẩu). Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang xem xét giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thủy sản xuống 0 - 0,5%, trong bối cảnh những đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Trung Quốc, các nước ASEAN đều áp dụng thuế nhập khẩu nguyên liệu thuỷ sản bằng 0 - 0,5%. Khi thuế nhập khẩu nguyên liệu bằng 0%, thủ tục hải quan sẽ nhanh chóng hơn, tạo điều kiện cho DN xúc tiến việc nhập khẩu nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh.

Trong nhóm hàng chế biến, công nghiệp và thủ công mỹ nghệ, (dự kiến đây là nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt bình quân 22,5%/năm), dệt may, gia dày được ưu tiên, với nhiều giải pháp đang được đề xuất hỗ trợ. Cụ thể, Nhà nước sẽ tạo điều kiện hình thành chợ nguyên phụ liệu cho ngành dệt may và da giày, xem xét việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng và kinh doanh chợ nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dành 50 tỷ đồng cho Hiệp hội Dệt may tổ chức ngay trong 6 tháng đầu năm 2009 các chương trình xúc tiến thương mại vào thị trường châu Phi, Nhật Bản, Đông Âu, Nam Mỹ; hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn lưu động, 50% lãi suất vay vốn đầu tư của các dự án dở dang năm 2008 và các dự án triển khai trong năm 2009; chưa áp dụng thuế VAT trên thiết bị nhập khẩu và trên hoạt động ủy thác gia công; thoái thu ngay 10% thuế VAT trong vòng 3 - 5 ngày sau khi DN hoàn tất thủ tục xuất khẩu. Bộ Công Thương cũng đề xuất tạm thời không chế tài DN có các lô nguyên liệu và thuế nhập khẩu chưa thanh lý, trong trường hợp các lô hàng này thuộc khách hàng nhập khẩu đã bị phá sản, chưa có điều kiện thanh toán và nhận hàng đúng tiến độ.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các hiệp hội và DN, dù tập trung vào giải pháp nào chăng nữa, trong bối cảnh thị trường xuất khẩu vẫn đang trên đà suy giảm như hiện nay, một cơ chế điều hành nhanh, linh hoạt vẫn là điều cơ quan quản lý hoạt động xuất nhập khẩu cần hướng tới.