Xử phạt doanh nghiệp chậm lên sàn, sẽ xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ

(ĐTCK) Các doanh nghiệp nếu chứng minh được việc chậm niêm yết, đăng ký giao dịch là do yếu tố khách quan sẽ được xem xét miễn hoặc giảm án phạt.

Hôm nay (15/12/2016) là ngày chính thức có hiệu lực của Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Theo đó, một trong số những nội dung đáng chú ý của Nghị định 145 là việc bổ sung chế tài xử phạt cho hành vi chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán với 6 mức phạt khác nhau, trong đó, mức phạt cao nhất lên tới 300 - 400 triệu đồng khi thực hiện quá thời hạn trên 12 tháng.

Tại “Hội nghị triển khai một số chính sách mới về cổ phần hóa và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán”, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó chánh thanh tra UBCK đã giải đáp một số thắc mắc của doanh nghiệp về Nghị định 145.

Cụ thể, có ý kiến cho rằng thời hạn 30 ngày là ngắn cho việc đăng ký giao dịch và giả sử doanh nghiệp vì các lý do khách quan liên quan đến quyết toán thuế, báo cáo tài chính… hoặc trường hợp doanh nghiệp đã nộp hồ sơ nhưng HNX vì lý do gì đó mà không chấp thuận đăng ký giao dịch, làm chậm thời hạn thì doanh nghiệp có bị phạt không ?

Về vấn đề này, bà Hương cho biết, doanh nghiệp dù vô ý hay cố ý đều bị xử lý theo quy định, tuy nhiên, được xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Xử phạt doanh nghiệp chậm lên sàn, sẽ xem xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ ảnh 1

 Nhiều doanh nghiệp cố tình đưa lý do khách quan để chậm lên sàn

"Với trường hợp doanh nghiệp nêu lý do chậm lên sàn là vì yếu tố khách quan, UBCK sẽ xem xét lý do doanh nghiệp đưa ra để có thể xử lý. Tuy nhiên, nếu chúng tôi xác định được doanh nghiệp có lỗi chủ quan thì vẫn sẽ thực hiện quy định” bà Hương khẳng định.

Một số thắc mắc khác, bà Hương cho biết, mốc thời gian để xác định việc chậm lên sàn sẽ dựa theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 180/2015/TT-BTC.

Ngoài ra, đại diện UBCK cũng khẳng định, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng vẫn phải thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch theo quy định.

Cũng tại Hội nghị, HNX cho biết tháng 11 có khoảng 100 doanh nghiệp nộp hồ sơ lên UPCoM. Điều này cho thấy thực tại, việc các doanh nghiệp tấp nập lên sàn giao dịch là để né phạt chứ không phải do nhu cầu thực xuất phát từ bản thân doanh nghiệp.  

Tin bài liên quan