Xóa khoảng tối khối công ty chứng khoán, cách nào?

Xóa khoảng tối khối công ty chứng khoán, cách nào?

(ĐTCK) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa có quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động đối với CTCK Ðông Dương (DDS) từ ngày 13/12/2017 đến 13/6/2018 do không duy trì các điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán. 

Trong thời gian bị đình chỉ, DDS không được ký mới, gia hạn các hợp đồng có liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh bị đình chỉ hoạt động.

Thực ra, một thời gian khá dài trước đó, DDS gần như không còn hoạt động, không được thị trường nhắc đến bởi đã bị UBCK rút nghiệp vụ môi giới, đồng thời vào tháng 10/2012, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký cấp cho DDS. Hiện website của Công ty tại địa chỉ www.dds.com.vn không thể truy cập.

Câu chuyện của DDS thêm một lần nữa phản ánh thực tế: dù CTCK gần như không còn hoạt động do bị áp dụng nhiều “án phạt” như: chấm dứt/đình chỉ hoạt động, rút nghiệp vụ môi giới…, nhưng quá trình “xóa tên” rất chậm trễ. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, quá trình tái cấu trúc CTCK diễn ra khá trầm lắng.

Việc chậm trễ trong xóa đi những CTCK ốm yếu, tồn tại ở trạng thái sống “thực vật” đã kéo dài nhiều năm như Delta, Sao Việt, Viễn Ðông…, khiến nhà quản lý tốn công sức, thời gian và cả chi phí cho việc quản lý, theo dõi, giám sát hoạt động của các công ty này trong khi nhà đầu tư, thị trường có nguy cơ chịu rủi ro nếu có quan hệ kinh doanh với các chủ thể đang trong diện “sống không lành mạnh”.

Việc “treo” hoạt động của CTCK kéo dài còn gây lãng phí nguồn lực của xã hội do tài sản bị “đóng băng”, không được đưa vào khai thác bằng những cơ chế hợp lý.

Vậy năm 2018 nên xử lý khối CTCK yếu kém như thế nào? Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB) cho rằng, quan trọng nhất là cần khắc phục vướng mắc từ hệ thống pháp luật chứng khoán hiện hành.

Quy định hiện tại tích hợp Giấy phép thành lập và hoạt động làm một, dẫn đến nếu thu hồi giấy phép hoạt động sẽ đồng nghĩa xóa sổ CTCK, trong khi mỗi CTCK dù có kém nhất cũng có đến cả nghìn tài khoản nhà đầu tư nên đợi trọn vẹn mọi bề mới thu hồi giấy phép là rất khó, rất mất thời gian.

Hiện tại, những CTCK yếu đang chịu nhiều loại hình phạt khác nhau như chấm dứt hoặc đình chỉ hoạt động, rút nghiệp vụ môi giới, kiểm soát đặc biệt… Theo VASB, phạt các DN này vô tình lại làm khó cho DN khi DN gần như không có cơ hội để được hợp nhất, sáp nhập.

Ðiều nhà quản lý cần làm là mở ra lối thoát cho những công ty yếu được chấm dứt hoạt động hoặc được hợp nhất, sáp nhập với các CTCK khác. Giải pháp này sẽ vừa đẩy nhanh tiến độ giảm số lượng CTCK, vừa tránh rủi ro tiềm ẩn cho thị trường và nhà quản lý, đồng thời khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực của xã hội.

Kiến nghị của VASB cũng là trăn trở chung của lãnh đạo nhiều CTCK yếu. Sở dĩ năm 2018 tình trạng trên được kỳ vọng sẽ có lối thoát là bởi đây là năm quy định pháp lý cao nhất là Luật Chứng khoán sẽ được sửa đổi, trình Quốc hội xem xét lần đầu.

Dù hoạt động của các CTCK nói chung có sự khởi sắc mạnh theo sự khởi sắc của thị trường năm 2017, nhưng mảng tối của khối công ty này đang rất cần được nhìn thẳng, nhìn thật để “phẫu thuật” nhanh hơn, cho bức tranh thị trường sạch hơn.

Tin bài liên quan