Vững tâm lý trước biến động thị trường thời Covid

Vững tâm lý trước biến động thị trường thời Covid

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Làn sóng Covid -19 quay trở lại đang tác động mạnh mẽ lên thị trường chứng khoán, với những cú điều chỉnh giảm bất ngờ, gây bối rối cho các nhà đầu tư. 

Chiến lược đầu tư giai đoạn này là giữ tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, chỉ nên mua vào các nhóm cổ phiếu kinh doanh tốt, đã có tín hiệu bứt phá, với kim chỉ nam là vững vàng tâm lý và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Những nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm 

Khi làn sóng Covid-19 tái xuất hiện với con số tăng vọt so với đợt 1, gần 200 ca lây nhiễm trong cộng đồng, thị trường chứng khoán đã chịu những tác động mạnh. Sự ghi nhận những phiên giảm điểm đến từ nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên là sự bất ổn của nền kinh tế thế giới khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, ảnh hưởng tới khả năng mở cửa nhằm phục hồi nền kinh tế, đồng thời tình trạng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở mức cao và không ai lường trước điều gì sẽ xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang kém khả quan.

Thứ hai là mối lo ngại về kết quả kinh doanh quý III/2020 giảm mạnh, thậm chí thua lỗ, của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh diễn biến hết sức phức tạp của tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Bên cạnh đó, tình hình thị trường chứng khoán thế giới đang đi vào vùng biến động mạnh khi gặp nhiều tin xấu bủa vây. 

Trước hết phải kể đến căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc lên đến đỉnh điểm khi 2 nước đang có những hành động ăn miếng trả miếng, qua đó châm ngòi cho tâm lý né tránh đầu tư vào những tài sản có độ rủi ro cao của nhà đầu tư. 

Tiếp đó, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ cũng như một số khác tăng mạnh, sẽ kìm hãm, thậm chí dập tắt nỗ lực phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tiếp đến là việc hai đảng chính tại Mỹ đang bất đồng về các gói cứu trợ.

Cuối cùng là việc giá vàng đang “mọc cánh” bay cao, khiến dòng tiền chảy từ cổ phiếu sang vàng.

Vẫn có cơ sở để thị trường vững tâm hơn

Thứ nhất, Việt Nam đã và đang chứng tỏ được công tác phòng chống, dập dịch Covid-19 rất tốt và làn sóng thứ hai nếu bùng phát thì khả năng cao cũng sẽ khống chế được.

Thứ hai, sau 6 tháng từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, các thông tin về mức độ nguy hiểm cũng như cơ chế vận hành của virus đã rõ ràng hơn. Cả thế giới đang làm quen với “sống chung cùng dịch”, hay “giai đoạn bình thường mới”, khác với giai đoạn trước khi chưa rõ hình hài “kẻ địch” như thế nào.

Thứ ba, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm không quá kém như dự báo. Rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành vẫn có con số tăng trưởng ấn tượng, bất chấp đại dịch và cách ly xã hội như FPT, HPG…

Thứ tư, dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) thời điểm cuối qúy II/2020 của 20 công ty chứng khoán lớn nhất là 48.671 tỷ đồng, thấp hơn con số 50.733 tỷ đồng cuối quý IV/2019, trong khi thanh khoản thị trường tăng 50%.

Điều này cho thấy, các nhà đầu tư mới tham gia giai đoạn vừa rồi nhìn chung ít sử dụng margin, áp lực bán giải chấp tới thị trường sẽ thấp hơn so với giai đoạn trước. Trong tháng 8/2020, VN-Index có thể sẽ mất mốc 750 điểm, nhưng mở ra cơ hội mới với các cổ phiếu đầu ngành được định giá rẻ.

Cơ hội tốt vẫn đang ở phía trước 

So với thời điểm cuối tháng 3, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, tâm lý nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại được nhìn nhận là bình tĩnh hơn trước.

Xét về góc độ phân tích kỹ thuật, trước khi dịch bệnh bùng phát lần 1, tức trước Tết Nguyên đán 2020, thị trường có một nhịp tăng, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết, giống như năm 2019. Nhưng tin xấu đến bất ngờ trong kỳ nghỉ kéo dài khiến nhà đầu tư hoảng loạn, bán tháo, dẫn đến thị trường lao dốc.

Sau một nhịp hồi phục mạnh mẽ và kéo dài hơn 2 tháng (từ ngày 1/4 đến 10/6), thị trường chuyển sang giai đoạn tích lũy và nhiều nhà đầu tư chốt lời danh mục đầu tư, giá trị giao dịch giảm đáng kể so với giai đoạn hồi phục trước đó.

Thực tế, tín hiệu kỹ thuật đảo chiều giảm xuất hiện từ ngày 20/7, việc xuất hiện thêm thông tin ca nhiễm Covid-19 mới tại Việt Nam chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, khiến thị trường điều chỉnh nhanh hơn.

Nhịp điều chỉnh sau một giai đoạn tăng dài và mạnh là bình thường theo quy luật vận động của thị trường.

Với nhiều nhà đầu tư, sau khi chốt lời danh mục ở giai đoạn trước đó thì nhịp giảm do tác động của đợt dịch Covid-19 thứ hai là cơ hội để mua được cổ phiếu tốt với giá rẻ hơn.

Về phía các công ty chứng khoán, hiện nay, để giảm thiểu mối lo về phí giao dịch, trên thị trường vẫn có những công ty đang áp dụng chính sách miễn phí giao dịch chứng khoán và lãi suất vay margin cạnh tranh nhằm hỗ trợ nhà đầu tư. 

Trong đó, Chứng khoán AIS là cái tên nổi bật khi thời gian áp dụng những chính sách ưu đãi kể trên là dài hạn, với cả tài khoản thường lẫn tài khoản vay ký quỹ.

Song song với việc không thu phí giao dịch của nhà đầu tư, lãi suất margin tại AIS chỉ là 9%/năm với dư nợ dưới 1 tỷ/ngày, rất phù hợp với những nhà đầu tư cá nhân.

Tin bài liên quan