Vốn ngoại vẫn tìm đường vào doanh nghiệp Việt

Vốn ngoại vẫn tìm đường vào doanh nghiệp Việt

(ĐTCK-online) TTCK trầm lắng, các quỹ đầu tư nước ngoài tiếp tục bị thiệt hại bởi sự sụt giảm của thị trường trong tháng 5 vừa qua. Nhưng bên ngoài sàn, các tổ chức đầu tư nước ngoài vẫn tích cực làm việc với những công ty niêm yết lớn để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Không ít thương vụ đã thành công và sẽ có những thương vụ mới được công bố trong thời gian tới.

>> Doanh nghiệp nỗ lực tìm dòng vốn ngoại

Mới đây nhất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam công bố các khoản đầu tư từ Vương quốc Oman vào các công ty thành viên của Tập đoàn. Cụ thể, Quỹ đầu tư Oman (OIF) đã mua 12,6% cổ phần của Tổng CTCP Bảo hiểm dầu khí (PVI), với giá trị 808,3 tỷ đồng (tương đương 42,4 triệu USD). OIF đã trở thành cổ đông chiến lược của PVI.

Công ty Dầu Oman (OCC) và PTV đạt được thỏa thuận về việc OCC góp vốn đầu tư vào dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, nhà máy dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2012.

Liên quan đến dự án Nhà máy Đạm Cà Mau, Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) là đơn vị đang sản xuất - kinh doanh Đạm Phú Mỹ sẽ đảm nhận phân phối Đạm Cà Mau cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó chủ tịch HĐQT kiêm người công bố thông tin của DPM cho biết, chỉ trong quý II/2011 đã có gần 40 tổ chức đầu tư tới gặp mặt, trao đổi thông tin với bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) của Tổng công ty. Trong đó, đa số là các quỹ đầu tư lớn ở nước ngoài, có thể kể đến như Goldman Sachs, Route One, Franklin Templeton Investment...

"Việc gặp mặt trực tiếp giữa nhà đầu tư với đại diện ban lãnh đạo doanh nghiệp là kênh thông tin được nhà đầu tư đánh giá rất cao và đang là một trong những hoạt động bận rộn nhất của bộ phận IR", bà Hiền nói.

Ngoài sản xuất - kinh doanh, Đạm Phú Mỹ (DPM) còn đang trong quá trình xúc tiến triển khai một số dự án lớn trong lĩnh vực phân bón, hóa chất và sẽ là nhà phân phối duy nhất sản phẩm của Đạm Cà Mau. Với công suất của cả nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, hàng năm DPM sẽ có khả năng cung ứng ra thị trường 1,6 triệu tấn phân đạm chất lượng cao, chưa kể các loại phân bón nhập khẩu khác.

DPM cũng đang tích cực triển khai các hoạt động phát triển thị trường nước ngoài, hướng tới các thị trường xuất khẩu như Campuchia, Lào, Myanma, Thái Lan. Để tiếp cận các thị trường lớn và khó hơn, DPM chủ trương ký hợp đồng hợp tác với với các nhà phân phối lớn ở nước ngoài như Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), Transammonia (Thụy Sỹ) để xuất khẩu sản phẩm của mình. Động thái chuẩn bị thị trường cho Đạm Cà Mau của DPM cho thấy khả năng tiêu thu hết sản lượng của Đạm Cà Mau cùng với sản lượng của Đạm Phú Mỹ là rất lớn, có thể làm tăng gấp đôi sản lượng bán hàng của Tổng công ty so với hiện nay. Do vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đánh giá cao tiềm năng của DPM.

Không chỉ quan tâm đến doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa với nhiều ưu thế như doanh nghiệp ngành dầu khí, công ty của Vương quốc Oman còn quan tâm đến các doanh nghiệp tư nhân đang niêm yết. Theo nguồn tin của ĐTCK thì các chuyên viên của Quỹ đầu tư Oman đã đến tìm hiểu một số công ty niêm yết và đã quyết định đầu tư vào một công ty. Thương vụ này sẽ sớm được công bố trong năm nay.

CTCP Gemadept (GMD) cũng là một doanh nghiệp được nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài quan tâm. GMD đã trình ĐHCĐ kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn trong năm nay. Ở thời điểm này, theo thông tin của ĐTCK, một số tổ chức đầu tư nước ngoài sẵn sàng mua cổ phiếu GMD phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của GMD hiện chưa cấp thiết, cộng với giá cổ phiếu GMD trên thị trường chỉ 26.000 - 27.000 đồng/CP, thấp xa so với giá trị sổ sách 40.000 đồng/CP ở thời điểm cuối quý I, nên Công ty chưa muốn phát hành ở thời điểm này.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, các tổ chức đầu tư nước ngoài đang rất năng động trong hoạt động mua bán doanh nghiệp. Không chỉ quan tâm đến doanh nghiệp sản xuất, mà các doanh nghệp nước ngoài dạng "kền kền" đã và đang nhắm đến mua tài sản là bất động sản có giá trị ở các công ty yếu. Ông Chí nhận định, xu thế của TTCK phụ thuộc chủ yếu vào lãi suất. Nếu lãi suất đi xuống, TTCK sẽ sáng hơn vào quý IV, nhưng thị trường thực sự bền vững hơn thì phải đến giữa năm sau. Từ nay đến giữa năm sau, hoạt động M&A vẫn sẽ sôi động với sự tham gia năng động của các tổ chức đầu tư nước ngoài.