Vốn ngoại liệu có chảy vào ETF Việt Nam?

(ĐTCK) Trên thế giới, quỹ ETF thu hút dòng tiền mạnh hơn nhiều so với quỹ mở. Liệu vốn ngoại có chảy vào ETF Việt Nam khi quỹ ETF nội địa đầu tiên là VFMVN30 ETF chuẩn bị chào đời?
Tác giả Nguyễn Tuấn Anh

Tác giả Nguyễn Tuấn Anh

Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” so với các loại hình quỹ khác, nhưng với nhiều đặc điểm ưu việt, ETF đã bùng nổ mạnh mẽ trong hơn 20 năm qua. Số liệu thống kê từ Blackrock cho thấy, chỉ tính riêng các quỹ ETF cổ phiếu (stock ETFs hay equity ETFs), năm 2013 đã thu hút 248,4 tỷ USD, trong khi dòng tiền vào các quỹ mở cổ phiếu chỉ khoảng 159,1 tỷ USD. Dự phóng năm 2014, mức độ chênh lệch này còn lớn hơn.

Với sự quen thuộc và những đặc tính ưu việt của loại hình quỹ ETF, liệu vốn ngoại có chảy vào ETF Việt Nam?

Để trả lời câu hỏi trên, bài viết này đưa ra một số yếu tố tác động quan trọng đứng trên góc nhìn từ các đặc điểm nội tại của ETF Việt Nam: một là, những ưu thế của ETF Việt Nam có thể thu hút NĐT nước ngoài quan tâm và rót vốn; hai là, một số vấn đề có thể khiến NĐT nước ngoài phải cân nhắc hiện nay. 

Ưu thế của ETF Việt Nam

Quỹ ETF nội địa đầu tiên là VFMVN30 ETF của CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam, mô phỏng chỉ số VN30 của Sở GDCK TP. HCM (HOSE), dự kiến niêm yết tháng 9 này. Sắp tới, quỹ ETF nội địa thứ hai sẽ ra đời, là SSIAM HNX30 ETF của Công ty Quản lý quỹ SSI, mô phỏng chỉ số HNX30 của Sở GDCK Hà Nội (HNX).

Thứ nhất, đây là hai quỹ ETF duy nhất trên thế giới mô phỏng chỉ số VN30 và HNX30 - hai chỉ số phản ánh phần nào bức tranh toàn cảnh TTCK Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Hơn nữa, từ năm 2013 đến nay, nhiều NĐT và tổ chức nước ngoài có đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam trong hiện tại cũng như trong tương lai. Vì vậy, nếu một tổ chức nước ngoài muốn nhanh chóng tham gia “cuộc chơi” tại Việt Nam, thì ETF nội địa, với hình thức đầu tư thụ động (khác hoàn toàn với cách thức đầu tư chủ động của các quỹ tương hỗ) sẽ là cánh cửa giúp họ thâm nhập và đầu tư vào Việt Nam một cách nhanh nhất, an toàn nhất, không sợ gặp phải những rủi ro phi hệ thống.

Thứ hai là sự hấp dẫn đến từ các cổ phiếu cạn “room” dành cho khối ngoại. Hiện nay, một số cổ phiếu đã hết room (hoặc hở room rất ít), nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của NĐT nước ngoài như: ACB, CII, FPT, GMD, HCM, MBB, REE, SSI, VNM. Tất cả những cổ phiếu này đều nằm trong rổ VN30 hoặc HNX30. Chính vì vậy, việc đầu tư vào ETF nội địa có thể được xem là con đường gián tiếp để các NĐT ngoại tiếp cận các cổ phiếu hết room.

Thứ ba, một số điều kiện lọc và chọn cổ phiếu vào rổ chỉ số VN30, HNX 30 cho thấy tính ưu việt hơn hai chỉ số mà hai quỹ ETF ngoại hiện nay mô phỏng (FTSE Vietnam Index và Market Vector Vietnam Index). Sự ưu việt hơn đó thể hiện ở hai điểm: một là, không xét đến yếu tố room ngoại, tức rổ chỉ số có thể bao gồm các cổ phiếu đã cạn room ngoại; hai là, bộ lọc liên quan đến tính minh bạch và kết quả kinh doanh. Ưu điểm thứ hai có nghĩa là để được chọn vào rổ chỉ số (VN30, HNX30), cổ phiếu phải không thuộc diện bị cảnh báo và/hoặc kiểm soát. Nói cách khác, các cổ phiếu trong rổ chỉ số mặc nhiên được xem là đã vượt qua được “bài kiểm tra sơ lược” về tính minh bạch và “sức khỏe” của DN. Điều này giúp NĐT nước ngoài tự tin khi đầu tư vào ETF Việt Nam, đặc biệt là với NĐT chưa từng đầu tư vào Việt Nam.

Thứ tư, ETF nội địa không bị khống chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài (tức room ngoại). Với đặc điểm này, ETF nội địa ra đời mở ra một kênh tiếp cận mới cho khối đầu tư ngoại. Đây là một đặc điểm nổi bật của ETF nội địa mà tất cả các loại hình quỹ khác, cả ETF ngoại cũng không có.

Ngoài ra, tương tự như các ETF khác trên thế giới, ETF Việt Nam cũng có một số điểm mạnh có thể tác động đến quyết định đầu tư của NĐT ngoại, như: tính minh bạch cao, chi phí quản lý thấp (dưới 1%/năm so với 2 - 2,5% của các quỹ tương hỗ thông thường)… 

NĐT ngoại cân nhắc

Một là, vấn đề thanh khoản. Thanh khoản được xem là một trong những điều kiện quan trọng của NĐT nước ngoài trong việc đầu tư vào một TTCK nói chung, lựa chọn và đầu tư vào ETF hay cổ phiếu nói riêng. Giả sử quy mô quỹ ETF từ 50 - 100 tỷ đồng, thì số lượng NĐT ban đầu nắm giữ chứng chỉ quỹ tối đa cũng chỉ khoảng 50 - 100 NĐT, khó tạo ra thanh khoản cao, nhất là trong điều kiện hiện nay, phần lớn NĐT Việt Nam vẫn còn lạ lẫm về ETF. Rõ ràng, thanh khoản có thể sẽ là vấn đề đáng lo ngại đối với NĐT ngoại, đặc biệt trong giai đoạn đầu.

Hai là, vấn đề tài sản của quỹ ETF. Một điểm hấp dẫn của ETF là chi phí quản lý thấp (các loại phí của VFMVN30 ETF chỉ bằng khoảng 1/3 so với các quỹ mở đang hoạt động). Do vậy, quy mô quỹ phải đủ lớn thì công ty quản lý quỹ mới thực sự hoạt động hiệu quả (hiện nay, quy mô VFMVN30 EFT khá nhỏ, dự kiến ban đầu chỉ khoảng 200 tỷ đồng). Hơn nữa, quy mô quỹ càng lớn thì càng góp phần giải quyết được bài toán thanh khoản ở trên.

Ba là, đặc điểm kinh tế Việt Nam đang ủng hộ cho “khẩu vị” đầu tư mang tính chủ động và ưa thích rủi ro. Khác với các các loại hình quỹ đầu tư chủ động, quỹ ETF Việt Nam mô phỏng chỉ số VN30 hoặc HNX30, với mục tiêu hiệu quả mô phỏng cao nhất có thể (tracking errors thấp) và chi phí thấp. Do đó, hiệu quả hoạt động của ETF Việt Nam chủ yếu được xem xét trên hiệu quả mô phỏng chỉ số và chi phí hoạt động, chứ không phải lợi nhuận đầu tư là bao nhiêu như các quỹ chủ động khác. Chính vì lẽ đó, trong tình hình kinh tế Việt Nam vừa “thoát đáy” như hiện nay, nếu một NĐT đầu tư vào ETF nội địa, thì nhiều khả năng lợi nhuận có được khó cao hơn so với đầu tư theo hình thức chủ động. Chẳng hạn, VN30 từ đầu năm đến nay tăng trưởng xấp xỉ 19%, trong khi giá IJC, một cổ phiếu trong rổ VN30, tăng hơn 70%.

Bốn là, các vấn đề liên quan đến tỷ giá và quản lý ngoại hối. Khi đầu tư vào các quỹ ETF nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, NĐT ngoại giao dịch bằng đồng ngoại tệ, có thể rút tiền về hoặc bỏ thêm tiền vào quỹ một cách nhanh chóng. Trong khi đó, nếu họ đầu tư vào ETF Việt Nam, quá trình này có thể chậm hơn.

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể tác động đến quyết định đầu tư của NĐT nước ngoài vào ETF nội. Chẳng hạn, ETF tại TTCK Việt Nam còn quá mới và chưa được niêm yết ngay khi đóng quỹ. Vì vậy, có những rủi ro liên quan đến khác biệt giá trước khi niêm yết (tức khoảng thời gian ở giữa giai đoạn kết thúc IPO và niêm yết). Sai số mô phỏng chưa được kiểm chứng, hoặc các thành viên thị trường, cơ quan quản lý có thể cần thêm thời gian để phát hiện, khắc phục những khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng, cơ chế vận hành, giúp quỹ ETF hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả.

Như vậy, lợi ích từ ETF Việt Nam là không nhỏ, nhưng thách thức trong việc thu hút vốn ngoại vào quỹ không phải là ít. Nhìn chung, tiềm năng của các ETF Việt Nam là rất lớn, thể hiện ở hai điểm: (1) Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển với thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, nên nhu cầu tích lũy tài chính cá nhân ngày càng lớn; (2) Nhiều tổ chức quan tâm, đặc biệt là những tổ chức có chiến lược đầu tư bị động và thận trọng (như các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm nước ngoài…). Tuy nhiên, trước mắt, các sản phẩm tài chính này cần có thời gian để trở thành kênh đầu tư phổ biến và hấp dẫn NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài.             

Tin bài liên quan