Sản phẩm này được kỳ vọng sẽ tăng sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư từ khối ngoại, như cách mà TTCK Thái Lan hay Malaysia đã làm. Tuy nhiên, để thu hút vốn ngoại, câu chuyện lại không chỉ ở có bao nhiêu loại sản phẩm, mà là sản phẩm có chất lượng ra sao.
TTCK Việt Nam có trên 1.500 sản phẩm, nhưng thực tế, chỉ có tỷ lệ rất nhỏ thu hút được dòng tiền đầu tư thường xuyên. Các cổ phiếu này hoặc là của các doanh nghiệp đã xây dựng được niềm tin dài hạn với cổ đông chiến lược và nhà đầu tư chuyên nghiệp như VNM, HPG, DHG, BVH, SSI, FPT…hoặc là có câu chuyện đủ sức hấp dẫn dòng tiền đầu tư.
Nếu giới thiệu TTCK Việt Nam thì nhà đầu tư ngoại sẽ dễ cảm thấy thú vị, bởi thị trường quy mô gần 200 tỷ USD, đang hoạt động trong một nền kinh tế tăng trưởng cao, chính trị, xã hội ổn định. Tuy nhiên, để đi đến quyết định rót vốn, nhà đầu tư phải có sự thấu hiểu thị trường và niềm tin vào doanh nghiệp và đây vẫn là điểm yếu của thị trường Việt Nam.
Chuyên gia Ðinh Thu Hiền thuộc Ðại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc chia sẻ, nhà đầu tư Hàn Quốc có năng lực mạnh mẽ về công nghệ và vốn, họ rất muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam bởi nhìn thấy cơ hội trên thị trường 100 triệu dân, nhưng họ hầu như bị trống thông tin thị trường, thông tin về doanh nghiệp Việt.
Không riêng tại Hàn Quốc, nhà đầu tư tại nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Mỹ, Ðài Loan… rất quan tâm đến cơ hội từ Việt Nam, nhưng họ chung điểm khó là chưa tìm được những cây cầu kết nối và đối tác đáng tin cậy. Về chính sách, một số cơ quan có đưa thông tin cơ bản bằng tiếng Anh, còn phía doanh nghiệp thì hầu hết đều công bố thông tin bằng…tiếng Việt.
Thiếu thông tin về thị trường, về doanh nghiệp Việt và đặc biệt là thiếu niềm tin về sức khỏe tài chính khi doanh nghiệp thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn kế toán Việt Nam, là những vấn đề chính khiến vốn ngoại khó chọn doanh nghiệp Việt Nam.
Sửa Luật Chứng khoán lần này sẽ mở thêm nhiều không gian phát triển sản phẩm mới là một tin vui, nhưng quan trọng hơn là dự án Luật phải tạo nền tảng pháp lý, quyết liệt thúc các doanh nghiệp trên sàn minh bạch thông tin, công bố thông tin bằng tiếng Anh, thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế.
Thực thi được các việc này, nhà đầu tư ngoại mới có thể tiếp cận cụ thể và sâu hơn các cơ hội từ thị trường Việt Nam, thay cho việc chỉ thấy bức tranh chung chung “màu hồng” và không rõ những diễn biến cụ thể.
Tháng 5/2019, thương vụ ghi dấu ấn là Tập đoàn SK Hàn Quốc quyết định chi 1 tỷ USD mua 6% cổ phần Vingroup. Nếu như Vingroup ở vị thế doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam thu hút được những nguồn vốn lớn từ quốc tế thì các doanh nghiệp đại chúng khác, ở quy mô nhỏ hơn, có thể gọi được vốn ngoại không? Câu trả lời là có thể nếu như các doanh nghiệp thực sự minh bạch và chuẩn mực khi thể hiện sức khỏe tài chính và có khát vọng phát triển dài hạn.
Thực tế, thị trường 100 triệu dân Việt Nam với cơ cấu dân số trẻ, sức tiêu thụ lớn đang có sức hấp dẫn tự nhiên với nhiều nhà đầu tư quốc tế, nhất là những nơi lãi suất ngân hàng gần như bằng 0 và doanh nghiệp đã sở hữu sẵn nền tảng công nghệ hiện đại, muốn tìm đối tác để nối dài chuỗi sản xuất. Dự án Luật sửa đổi cần thúc đẩy các doanh nghiệp Việt xây niềm tin và sự minh bạch cho vốn ngoại thấy rõ con đường.