Ông Đoàn Nguyên Đức (hay bầu Đức).

Ông Đoàn Nguyên Đức (hay bầu Đức).

Vốn 60 tỷ đồng, 2 đại gia lấy đâu ngàn tỷ chơi với bầu Đức?

Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh có tổng vốn điều lệ 60 tỷ đồng nhưng đã thực hiện thương vụ mua 59 triệu cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai-HAGL Agrico do bầu Đức làm Chủ tịch với giá trị lên tới 1.650 tỷ đồng.

Theo báo cáo kết quả chào bán cổ phiếu riêng lẻ của HNG gửi UBCK và HOSE ngày 23/2 thì HAGL Agrico đã hoàn tất việc chào bán riêng lẻ 59 triệu cổ phiếu cho 2 đối tác chiến lược là Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh.

Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh mua 31,5 triệu cổ phiếu HNG, tương đương tỉ lệ 4,11%; Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh mua 27,5 triệu cổ phiếu HNG, tương đương tỷ lệ sở hữu 3,58%.

Mức giá phát hành của HNG là 28.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền HAGL Agrico thu về là hơn 1.650 tỷ đồng.

Sau khi những thông tin trên được công bố đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Theo lý giải của nhiều nhà đầu tư, đây có thể xem là thương vụ “khủng” đối với hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Thị trường càng “sốc” hơn khi tên tuổi của 2 đối tác của bầu Đức trong thương vụ này lộ diện.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư Cao su An Thịnh (An Thịnh) và Công ty TNHH Đầu tư Cao su Cường Thịnh (Cường Thịnh) đều được thành lập vào tháng 3/2014. Địa chỉ hoạt động của cả 2 Công ty cùng đặt tại L14-08B, lầu 14, tòa nhà 72 Lê Thánh Tôn, quận 1, Tp Hồ Chí Minh. Đặc biệt, vốn điều lệ của cả 2 Công ty này đều là…30 tỷ đồng.

Như vậy, Cao Su An Thịnh và Cao su Cường Thịnh đều có tuổi đời rất non trẻ, vốn điều lệ của cả 2 Công ty cũng rất khiêm tốn so với giá trị thương vụ đầu tư vào cổ phiếu của bầu Đức.

Điều này đã dấy lên câu hỏi, An Thịnh và Cường Thịnh lấy đâu ngàn tỷ để chơi với bầu Đức trong thương vụ mua 59 triệu cổ phiếu HNG?

Câu trả lời cho câu hỏi này dần sáng tỏ khi mới đây, thông tin về việc Cường Thịnh đang có khoản dư nợ khoảng 450 tỷ đồng (tương đương 15 lần vốn điều lệ Công ty) ở Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được báo chí phản ánh. Khoản vay này cũng được xác định là đã duy trì từ 1 năm trước.

Trong khi đó, cũng giống như Cường Thịnh, An Thịnh cũng đang có dư nợ ở VPBank là 473 tỷ đồng (tương đương hơn 15 lần vốn điều lệ).

Như vậy, tổng dư nợ của An Thịnh và Cường Thịnh đã lên tới gần 920 tỷ đồng, gấp hơn 15 lần vốn điều lệ của cả 2 Công ty.

Vậy An Thịnh và Cường Thịnh có gì trong tay để thế chấp và vay số tiền lớn như vậy. Câu hỏi này vẫn đang trong vòng bí hiểm và chắc rằng, chỉ có những người trong cuộc mới đưa ra được câu trả lời chính xác nhất.

Tin bài liên quan