VOF chuyển hướng đầu tư vào công ty chưa đại chúng hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định có cơ hội tốt để sở hữu các cổ phiếu “tuyệt vời” ở mức giá phù hợp hơn, nhưng trong nửa đầu năm 2020, VOF bán ròng 1.800 tỷ đồng cổ phiếu trên thị trường. 

Bên cạnh đó, quỹ đầu tư này hé lộ một số khoản đầu tư vào thị trường vốn cổ phần tư nhân (private equity).

Bán ròng 1.800 tỷ đồng

Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ đầu tư hiện quản lý 848,9 triệu USD tài sản của VinaCapital mượn câu nói của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet để mở đầu báo cáo tháng 6 của mình: “Việc thị trường xuống dốc không khiến chúng tôi phiền lòng. Ðó là cơ hội để gia tăng sở hữu tại những công ty tốt, được quản trị tuyệt vời với mức giá hấp dẫn”.

Theo đó, VOF cho biết, trong nửa đầu năm 2020, quỹ đầu tư này đã tập trung nỗ lực thực hiện đầu tư vào một số “công ty tuyệt vời” ở mức giá hợp lý.

Cụ thể, tranh thủ biến động thị trường, VOF đã mua thêm cổ phiếu ở một số doanh nghiệp mà Quỹ chưa có cơ hội nắm giữ số lượng lớn bởi giá cao trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra.

Những tên tuổi này bao gồm Vietcombank (VCB), ngân hàng thương mại lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường; Vinhomes (VHM), nhà phát triển bất động sản dân cư lớn nhất và là công ty lớn thứ ba trên thị trường theo vốn hóa; CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), nhà phát triển đất khu công nghiệp hàng đầu, hiện đang được hưởng lợi nhờ sự quan tâm của các doanh nghiệp ngoại muốn tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp VOF đang nắm giữ tỷ trọng đáng kể cũng có kết quả kinh doanh khá khả quan trong nửa đầu năm 2020, chẳng hạn Hòa Phát, OCB, Coteccons, Vinhomes.

VOF chuyển hướng đầu tư vào công ty chưa đại chúng hóa ảnh 1

Dù nhấn mạnh việc đầu tư vào các cổ phiếu tốt với mức giá mới hấp dẫn trên sàn, báo cáo tổng quan của VOF trong nửa đầu năm cho thấy thực tế, quỹ này bán ròng cả nghìn tỷ đồng cổ phiếu niêm yết.

Trong thời gian qua, một số động thái bán ra lượng lớn cổ phiếu của VOF thu hút sự chú ý của thị trường là thoái vốn tại HUT, TIP, CSV và CTI. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong tổng lượng cổ phiếu niêm yết bị bán ròng bởi quỹ này.

Cụ thể, tính đến cuối tháng 5/2020, VOF mua vào khoảng 63,3 triệu USD cổ phiếu niêm yết, nhưng bán ra 135,72 triệu USD, tương đương bán ròng hơn 72 triệu USD (xấp xỉ 1.650 tỷ đồng). Nếu tính cả các cổ phiếu chưa niêm yết (bao gồm giao dịch trên sàn UPCoM), tổng giá trị bán ròng của VOF là gần 78 triệu USD, tương đương 1.800 tỷ đồng.

Theo đó, tỷ trọng cổ phiếu niêm yết mà VOF đang nắm giữ tính tới cuối tháng 6/2020 là 58,2% và mục tiêu sẽ giảm xuống 55% trong 12 - 24 tháng tới.

Các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân

Một trong những nguyên nhân khiến VOF bán mạnh cổ phiếu là việc tập trung vào thị trường vốn cổ phần tư nhân (private equity). Trong tháng 6 và tháng 7, quỹ này đã rót khoảng 15 triệu USD vào một khoản đầu tư với kỳ vọng mang lại tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) tối thiểu 18% trong 18 tháng tới.

VOF chuyển hướng đầu tư vào công ty chưa đại chúng hóa ảnh 2

Biểu đồ thể hiện số lượng hồ sơ yêu cầu trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ.

Ðây chỉ là một trong số nhiều khoản đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân khác của VOF, khi quỹ này đã chi thêm hơn 47 triệu USD vào phân khúc này tính tới cuối tháng 5/2020.

Các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân hiện chiếm tỷ trọng 20,2% NAV và dự kiến sẽ được nâng lên mức 25% trong 12 - 24 tháng tới.

Trước đó, vào thời điểm tháng 3/2020, các khoản đầu tư cổ phần tư nhân từng chiếm gần 27% tỷ trọng danh mục, khi mà các cổ phiếu niêm yết giảm giá sâu.

VOF chuyển hướng đầu tư vào công ty chưa đại chúng hóa ảnh 3

VOF tiết lộ việc đang ở giai đoạn cuối của thương vụ đầu tư vốn cổ phần tư nhân tại lĩnh vực chăm sóc sức khỏe - y tế. Ðây là khoản đầu tư thứ 3 vào ngành y tế với kỳ vọng đưa VOF thành một trong những tay chơi hàng đầu lĩnh vực này tại Việt Nam.

Trước đó, VOF cũng đã nắm cổ phần tại chuỗi Bệnh viên Y khoa Tâm Trí (22 triệu USD) và Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa (19 triệu USD).

Ðịnh hướng đầu tư trong 12 - 18 tháng tới, VOF đã tự xác định một thực tế mới đối với hoạt động của Quỹ.

Ðó là thị trường tiêu dùng yếu đi, nhiều doanh nghiệp chịu áp lực dòng tiền, đà tăng của giá cổ phiếu hạn chế, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tới Việt Nam ít hơn do các lệnh hạn chế đi lại và một số lĩnh vực sẽ ở tình trạng tệ hơn so với các bộ phận khác.

Ðây là lý do VOF xác định chiến lược đầu tư tránh xa khỏi lĩnh vực chi tiêu không thiết yếu và bán lẻ (như trung tâm thương mại, chuỗi nhà hàng, bán lẻ); tập trung vào các khoản đầu tư có thể mang lại tỷ lệ hoàn vốn nội bộ tốt, đảm bảo lợi tức; quan tâm nhiều hơn tới phân khúc bất động sản, ngân hàng/tài chính, chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin.

Nhờ việc tập trung nhiều hơn vào thị trường vốn cổ phần tư nhân, VOF là một trong những quỹ đầu tư có thành tích hoạt động tích cực nhất 6 tháng đầu năm 2020.

Nếu tính cả việc tái đầu tư cổ tức, VOF có lời 0,2% trong nửa đầu năm, trong khi chỉ số VN-Index giảm 14,2%. Nếu tính riêng tháng 6, VOF có hiệu suất đầu tư đạt 3,3%, trong khi chỉ số tham chiếu giảm 4,2%.

Tin bài liên quan