VN-Index: Sự nghỉ ngơi hợp lý

VN-Index: Sự nghỉ ngơi hợp lý

(ĐTCK-online) Sau đợt tăng điểm dài ngày, trong hai phiên gần đây xu hướng phân phối đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Đó là sự điều chỉnh cần thiết để TTCK tích lũy cho hành trình tăng tốc mới hay đã thực sự đảo chiều? Đâu là điểm tựa đối với NĐT trong nước khi khối ngoại vẫn đang bán ròng? Ông Phạm Linh, Tổng giám đốc CTCK Quốc tế (VIS) đã có cuộc trao đổi với ĐTCK xung quanh diễn biến thị trường.

Hai phiên giao dịch gần đây, thị trường điều chỉnh để tích lũy hay đã thực sự đảo chiều, thưa ông?

VN-Index: Sự nghỉ ngơi hợp lý ảnh 1
Ông Phạm Linh.

Phiên giao dịch ngày 24/9/2009, VN-Index đóng cửa ở mức 574,78 điểm, giảm 7,33 điểm so với phiên giao dịch trước đó, sự rung lắc xuất hiện liên tục trong phiên. Mặc dù hiện tưởng xả hàng xảy ra mạnh, nhưng lực cầu vẫn khả quan khiến thanh khoản đạt rất cao. Đây là kết quả của việc hiện thực hóa lợi nhuận của các NĐT ngắn hạn sau khi VN-Index có chuỗi tăng điểm 9 phiên liên tục.

Các yếu tố kinh tế vĩ mô trong nước không có biểu hiện xấu đi, đồng thời nền kinh tế thế giới cũng đang có những chuyển biến tích cực. Cho nên việc điều chỉnh ngắn của thị trường được xem là hiện tượng chốt lời bình thường do hoạt động đầu cơ ngắn hạn.

Về mặt kỹ thuật, sự điều chỉnh của Index trong hai phiên giao dịch này là điều chúng tôi đã dự báo từ cuối tuần trước.

Nhiều CTCK lạc quan về khả năng VN-Index chỉ rung lắc một vài phiên và hướng tới mốc 600 điểm, ý kiến của ông ra sao?

Thực ra, với diễn biến của nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong thời gian qua, kết hợp với lượng tiền lớn đang vận động trên TTCK thì những nhận định lạc quan là hoàn toàn có cơ sở. Theo nhận định của chúng tôi, thị trường cần một vài phiên điều chỉnh kỹ thuật ngắn để có thể tiếp tục đi lên. Việc điều chỉnh này có tác dụng làm cho thị trường giảm tính bong bóng, đồng thời tạo cơ hội cho những NĐT mới.

Với những diễn biến kinh tế đang diễn ra khá tích cực tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới cho thấy TTCK sẽ tiếp tục có những triển vọng tốt hơn trong thời gian tới. Để đạt và vượt qua mốc 600 điểm, thị trường tất yếu cần một vài phiên điều chỉnh kỹ thuật trước khi bước vào một chu kỳ tăng điểm mới.

Theo ông, đâu là nguyên nhân tạo nên sức ì của nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng vừa qua?

Trong thời gian qua, tương phản với nhóm cổ phiếu ngành xây dựng, bất động sản, nhóm cổ phiếu ngân hàng - tài chính khá “nặng nề”. Điều này một phần do NĐT e ngại tác động của chính sách hạn chế tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2009 khiến khả năng sinh lợi từ mảng tín dụng của khối ngân hàng được dự báo sẽ bị hạn chế hơn. Tuy nhiên, so với mặt bằng giá cổ phiếu hiện nay, thì nhóm cổ phiếu này có mức giá khá hợp lý và an toàn. Bên cạnh đó, sự hồi phục của nền kinh tế nhiều khả năng sẽ sớm làm cho cổ phiếu ngân hàng ngày càng hấp dẫn.

Một vấn đề hiện nay là dường như nhiều NĐT đang quá lạm dụng đòn bẩy tài chính. Vấn đề này nên được nhìn nhận ra sao?

Không thể phủ nhận sự đóng góp từ các đòn bẩy tài chính vào chu kỳ tăng điểm vừa qua. Chính vì lý do này đã đẩy giá trị giao dịch trên toàn thị trường lên rất cao. Về phía NĐT, việc sử dụng đòn bẩy tài chính chỉ thực sự phát huy tác dụng khi thị trường đang ở trạng thái tốt. Nếu thị trường điều chỉnh mạnh, áp lực bán tháo cổ phiếu có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu hạn chế hoàn toàn việc này thì mặc dù thị trường có sự ổn định, nhưng lại thiếu khả năng bứt phá mạnh. Vì lẽ đó, các đơn vị cung cấp vốn tài trợ cho NĐT chỉ nên cung cấp hạn mức tín dụng ở mức hợp lý và các hạn mức này cần được điều chỉnh theo từng diễn biến của thị trường. Như thế, việc sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ trở thành chất bôi trơn tốt hơn cho sự vận hành của TTCK.

Ở thời điểm rung lắc như hiện nay, NĐT cần lưu ý đến vấn đề gì?

Sự bình tĩnh là điều hết sức cần thiết. Như chúng tôi đã trình bày, thị trường cần một vài phiên điều chỉnh ngắn để khởi động cho một chu kỳ tăng điểm tiếp theo. Các yếu tố cơ bản như kinh tế tích cực trong nước và thế giới sẽ là những yếu tố hỗ trợ tiếp theo. Sau thời gian dài thị trường tăng nóng, đây là thời điểm NĐT cần xem xét lại danh mục đầu tư của mình. Chỉ nên nắm giữ hay tiếp tục giải ngân đối với các mã cổ phiếu có cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh khả quan trong những tháng còn lại của năm 2009. Đồng thời, hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải, tốt nhất mỗi NĐT cá nhân chỉ nên nắm giữ khoảng 4 - 5 cổ phiếu trong danh mục đầu tư.