Trong thời gian tới, VN-Index sẽ trở thành một "thùng không đáy" - Ảnh minh họa: Corbis

Trong thời gian tới, VN-Index sẽ trở thành một "thùng không đáy" - Ảnh minh họa: Corbis

VN-Index sẽ trở thành một "thùng không đáy"

Có thể thấy trong thời gian tới, chỉ số VNI sẽ trở thành một "thùng không đáy". Đối với chỉ số này, rất có thể quá trình bị hy sinh sẽ không nhắm tới một cái đáy cụ thể nào. Mà trên hết, vẫn cần phải nhìn vào HNX.

Cho đến giờ, giả thuyết về việc chỉ số hai sàn bị đánh xuống là nhằm đánh lên đang được củng cố dần. Tuy nhiên, tương quan chênh lệch giữa HOSE và HNX sẽ còn tiếp diễn. Sớm nhất là đến cuối tháng 8/2011 thì mặt bằng giá cổ phiếu giữa hai sàn mới có thể gần tương đương nhau.

 

Vẫn có hy vọng về việc đáy của thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ rơi vào năm 2011, thay cho những viễn tưởng rất mơ hồ cách đây không lâu. Sau HNX, đến lượt VNI bị biến thành vật hy sinh.

 

Hy vọng đó vừa nhen nhóm từ dấu hiệu chỉ số VNI bị đánh tụt dưới mốc 425 điểm vào ngày 23/5/2011. Trước đó, mốc 425 điểm này đã được "giữ" rất chắc chắn từ thời điểm cuối tháng 8/2010, cho tới giữa tháng 5/2011 đã hình thành thế đi ngang đến hơn 8 tháng.

 

Tuy nhiên trong hai phiên giao dịch liên tiếp (ngày 20 và 23/11/2011), cả hai chỉ số HNX và VNI đã lần lượt xuyên thủng những ngưỡng cực kỳ quan trọng, đặc biệt là HNX phá đáy khủng hoảng 78 điểm. Trong cách nhìn của chúng tôi, nếu như việc HNX phá đáy thấp nhất là điều có dự đoán được, thì việc VNI phá mốc 425 điểm lại mang xác suất nhỏ nhất trong những phán đoán trước đây.

 

Với sàn HNX, tình trạng mặt bằng giá cổ phiếu nằm dưới đáy khủng hoảng không có nghĩa là mở màn cho một chiến dịch bán tháo bằng mọi giá, bởi đã có đến gần phân nửa số cổ phiếu trên sàn này giảm về dưới mệnh giá và tâm lý người bán bắt đầu trở nên chai lỳ trước những biến động hỗn độn trên HOSE. Nhưng với sàn HOSE, dường như mọi chuyện mới chỉ bắt đầu.

 

Có thể lấy một thống kê gần đây nhất của Vietstock để tham khảo và xem như một trong những cơ sở để hình dung về xu hướng tương quan hai sàn trong những tháng tới. Tính đến ngày 20/5/2011, tại HNX có đến 175 mã dưới mệnh giá, chiếm gần 46% trên tổng số 384 mã đang niêm yết tại sàn này. Trong khi tại HOSE có hơn 1/3 trong số 289 mã đang niêm yết có mức giá dưới 1x.

 

Tỷ trọng các nhóm cổ phiếu được mô tả bằng sơ đồ khối dưới đây (nguồn: Vietstock):

VN-Index sẽ trở thành một "thùng không đáy" ảnh 1
Tỷ trọng các nhóm cổ phiếu tại HOSE ngày 20/05/2011

VN-Index sẽ trở thành một "thùng không đáy" ảnh 2
Tỷ trọng các nhóm cổ phiếu tại HNX ngày 20/05/2011

 

Thống kê trên cho thấy có một sự khác biệt khá lớn giữa HNX với HOSE: tỷ trọng cổ phiếu từ 1x đến dưới 2x trên HNX chiếm đến 85% số cổ phiếu, trong khi tại HOSE là gần 70%. Như vậy, mặt bằng giá cổ phiếu vừa và nhỏ của HOSE vẫn cao hơn tương đối so với mặt bằng giá cổ phiếu vừa và nhỏ trên HNX. Tình trạng này xuất phát từ nguyên do nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ tại HOSE được hưởng lợi từ dao động ngang của VNI suốt trong 8 tháng qua, trong khi HNX chỉ một đường suy giảm.

 

Nhưng trong khoảng 2 tuần qua, một hiện tượng đáng chú ý là khá nhiều cổ phiếu nhỏ trên HNX đã không bị giảm mạnh, dù thị trường có những phiên lao dốc. Tỷ lệ giảm của nhóm cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ cũng dần cân bằng với tỷ lệ giảm của nhóm cổ phiếu vừa và lớn. Thậm chí, trong một số phiên giảm mạnh vửa qua, tỷ lệ giảm của nhóm cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ đã thấp hơn nhóm cổ phiếu vừa và lớn.

 

Hiện tượng trên xảy ra đồng thời với hiện tượng lần đầu tiên sau nhiều tháng chỉ số VNI có tốc độ giảm mạnh hơn HNX. Như chúng tôi đã đề cập trong những bài viết trước, chủ đích của nhà tạo lập thị trường vẫn là làm mọi cách để kéo HNX và mặt bằng giá cổ phiếu nhỏ và vừa xuống. Song tới một ngưỡng tâm lý diễn biến trong những ngày gần đây, khi việc ép HNX đã trở nên khó khăn thì nhà tạo lập thị trường bắt buộc phải dùng tới thủ đoạn cuối cùng: hy sinh VNI.

 

Chính vì thế, VNI đã thật sự lao dốc, kèm theo hiện tượng giải chấp ồ ạt trên sàn HOSE tạo nên một cơn bán tháo, trong khi trên HNX vẫn không quá hoảng loạn.

 

Từ những hiện tượng và dấu hiệu trên, có thể thấy trong thời gian tới, chỉ số VNI sẽ trở thành một "thùng không đáy". Đối với chỉ số này, rất có thể quá trình bị hy sinh sẽ không nhắm tới một cái đáy cụ thể nào (vả lại do bị méo móc quá lâu với dung sai quá lớn nên việc đánh giá đỉnh và đáy của VNI đang trở nên vô nghĩa). Mà trên  hết, vẫn cần phải nhìn vào HNX. Hiện tượng có thể dễ nhận ra hơn là cho đến khi nào mặt bằng giá cổ phiếu nhỏ và vừa trên HNX không thể giảm hơn thì khi đó tự nhiên VNI sẽ hãm lại đà giảm của nó.

 

Còn trước mắt, cùng với động cơ hy sinh VNI, mặt bằng giá cổ phiếu trên HOSE cũng có thể bị kéo xuống, ít ra gần ngang bằng với mặt bằng giá cổ phiếu trện HNX. Một số bluechip (như nhóm cổ phiếu bất động sản) còn có thể trở thành "vật tế thần". Với những phiên giảm mạnh cùng chế độ giải chấp không thể trì hoãn trên HOSE, mục tiêu hạ thấp mặt bằng cổ phiếu trên HOSE là hoàn toàn có thể thực hiện được. Trong khi đó, HNX sẽ trượt dần với tỷ lệ giảm thấp hơn VNI.

 

Sẽ có hiện tượng "không mua không bán" ở một số cổ phiếu nhỏ và siêu nhỏ, đường giá dao động ngang và thanh khoản cực kỳ đáng thất vọng. Ở một thái cực khác, có lẽ đã đến "thời" của nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa vừa khi nhóm này sẽ trở thành tiêu điểm được khuyến mãi với mức giá ít ra về sát mệnh giá.

 

Còn đối với khối công ty chứng khoán, khác với năm 2008, tình trạng lỗ lã sẽ lên đến cực điểm và không loại trừ một số công ty sẽ phải đóng cửa trước khi ánh bình minh hé rạng.

 

Những ngày gần đây, đã bắt đầu xuất hiện ý kiến của một vài chuyên gia về vùng đáy của thị trường đang đến gần. Mac Cana - Giám đốc điều hành của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) - dự báo, thị trường có thể chạm đáy vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2011. Một trong những căn cứ được ông nêu ra là tâm lý tháo chạy của nhà đầu tư. Nhưng nếu so sánh với những diễn biến trong lịch sử, đặc biệt vào thời kỳ năm 2008, chúng ta cũng thấy có khá nhiều giai đoạn tháo chạy. Vì thế, sau đợt lao dốc này, thị trường cũng có thể chỉ mới chạm vào một cái đáy tạm thời nào đó chứ chưa phải là vùng đáy thực sự của nó.

 

Cho đến giờ, giả thuyết về việc chỉ số hai sàn bị đánh xuống là nhằm đánh lên đang được củng cố dần. Tuy nhiên, tương quan chênh lệch giữa HOSE và HNX còn phải tiếp diễn trong một thời gian khá lâu nữa, sớm nhất là đến cuối tháng 8/2011 thì mặt bằng giá cổ phiếu giữa hai sàn mới có thể gần tương đương nhau.

 

Khi đó, vấn đề đáy thị trường mới nên đặt ra để xét đoán.