VN-Index sau những cuộc… đại IPO

(ĐTCK) Một số NĐT cá nhân tin rằng, các nhà tạo lập thị trường có vai trò trong việc duy trì thị trường niêm yết theo hướng có lợi cho các cuộc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tiêu biểu. Nếu giả thuyết này được chấp nhận thì thị trường thường có những dao động mạnh sau các cuộc IPO…
VN-Index sau những cuộc… đại IPO

Các cuộc IPO lớn có nhiều tác động đến thị trường niêm yết. Một trong các hiện tượng dễ nhận thấy là sự chuyển dịch dòng tiền. Mỗi cuộc IPO lớn thường rút ra khỏi thị trường một lượng tiền mặt đáng kể. Chẳng hạn, IPO Vietcombank (VCB) đã hút một lượng tiền là 10.500 tỷ đồng ra khỏi thị trường; với IPO Đạm Phú Mỹ (DPM) là gần 7.000 tỷ đồng; IPO Bảo Việt là gần 4.400 tỷ đồng; IPO Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) là gần 4.200 tỷ đồng… Lượng tiền mặt này bằng giá trị giao dịch báo giá trong điều kiện bình thường của HOSE từ vài tuần đến cả tháng trời. Tuy nhiên, cách hành xử của NĐT tổ chức và cá nhân rất khác nhau trước các cuộc đấu giá. Với NĐT tổ chức - đồng nghĩa với việc hành động theo kế hoạch, luôn có sự chuẩn bị trước. Họ bán bớt một số cổ phiếu trong danh mục đầu tư để chuyển thành tiền mặt từ trước đó rất lâu. Trái lại, NĐT cá nhân tìm kiếm cơ hội trong những cuộc IPO, chỉ khi đấu giá trúng, cân nhắc thiệt hơn họ mới quyết định "bỏ của chạy lấy người" hay đóng tiền... Sự tăng cung, giảm cầu của các NĐT trong một thời gian ngắn có thể là lý do khiến giá cổ phiếu đi xuống trong một thời gian ngắn (xem bảng).

Một tác động nữa là sự so sánh tương quan giá. Chẳng hạn, khi đấu giá Vietinbank, ngân hàng này bị đem ra so sánh với ACB, STB và VCB. Sự so sánh này khá dễ hiểu, NĐT luôn có xu hướng chọn cổ phiếu tốt nhất trong một ngành. Mức giá của cổ phần được IPO có thể ảnh hưởng đến cổ phiếu đem niêm yết và ngược lại. Ngoài ra, các cổ phiếu không có cùng ngành nghề nhưng có quan hệ "họ hàng" cũng có tác động qua lại. Tháng 4/2007, ngay khi xuất hiện thông tin về lượng đặt mua DPM không vượt trội nhiều so với khối lượng cổ phiếu đem đấu giá. Ngay lập tức, cổ phiếu PVD có quan hệ họ hàng (đại diện sở hữu nhà nước của cả hai cùng thuộc Tập đoàn Dầu khí) trên sàn niêm yết đã có phản ứng tức thời, PVD rớt giá tới 16% trong vòng 4 phiên liền, rơi từ 236.000 đồng/CP xuống còn 199.000 đồng/CP. Mối liên hệ "họ hàng" này khá lỏng lẻo nhưng không thể phủ nhận tác động… ở TTCK Việt Nam! 

Nếu gắn thời gian các cuộc IPO với mỗi chu kỳ sóng lên hay xuống của VN-Index cũng thấy mối liên hệ thú vị. Khi các cuộc IPO lớn hoàn tất cũng là lúc thị trường bắt đầu một sóng mới, đi xuống hoặc đi lên. Chẳng hạn, cuộc đấu giá DPM vào tháng 4/2007 diễn ra trong bối cảnh thị trường đang điều chỉnh mạnh, VN-Index giảm từ đỉnh 1.170,67 điểm (ngày 12/3/2007) xuống đáy 905,53 điểm (ngày 24/4/2007). Khi việc công bố thông tin về cuộc đấu giá DPM hoàn tất, thị trường đã khởi sắc mạnh mẽ gần một tháng sau đó. Tuy nhiên, VN-Index thất bại trong việc tiếp cận đỉnh cũ, khi chỉ đạt đỉnh 1.113,19 điểm ngày 23/5/2007. Cuộc IPO Bảo Việt sau đó một tuần, vào đầu tháng 6/2007 đánh dấu giai đoạn đầu khi thị trường bắt đầu đi xuống trong hơn hai tháng rưỡi, VN-Index xuống đến 892,88 điểm vào ngày 3/8.

Cuộc đấu giá PVFC hoàn tất vào thời điểm cuối tháng 10/2007 cũng bắt đầu đánh dấu một chu kỳ xuống dốc của thị trường, sau khi VN-Index lần thứ hai thất bại trong việc chinh phục đỉnh cũ. Đây là giai đoạn cuối của quá trình tăng trưởng của TTCK Việt Nam kể từ đầu năm 2006. Cuộc đấu giá VCB diễn ra cách đây tròn 1 năm cũng đánh dấu sự thoái lui mạnh mẽ của VN-Index, chỉ số này rớt rất sâu xuống dưới 900 điểm, mức cản dưới mạnh mà rất nhiều lần trước đó VN-Index đã bật lên. Trong suốt 1 năm qua, thị trường vẫn theo xu hướng giảm là chủ đạo, xen kẽ với các chu kỳ tăng giá ngắn. Cuộc đấu giá của Sabeco và Habeco sau này không nhận được nhiều sự quan tâm của NĐT trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, khi khối lượng cổ phiếu đặt mua chỉ tương ứng chiếm 60% và 12% lượng chào bán. Sự biến động của thị trường sau hai sự kiện này cũng không thật rõ ràng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố: thị trường trải qua một kỳ nghỉ lễ dài và việc thay đổi biên độ giao dịch tác động khá nhiều đến tâm lý NĐT.

Như vậy, các con số thống kê trong quá khứ cho thấy, sau những cuộc IPO lớn, TTCK vẫn tiếp tục có các biến động ngắn hạn theo xu hướng trước đó nhưng dài hơn, đó là điểm bắt đầu một chu kỳ mới. Sau IPO Vietinbank, liệu có xuất hiện một sóng mới? Hãy chờ xem!