Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

VN30: Có hay không nguy cơ bị làm méo?

(ĐTCK) Gần 2 năm trước, ngày 10/8/2017, sản phẩm phái sinh đầu tiên - hợp đồng tương lai chỉ số - được khai trương giao dịch trên TTCK, sản phẩm được xây dựng trên sản phẩm gốc là chỉ số VN30. 

2 năm đầu tiên vận hành, sàn phái sinh có sự phát triển mạnh mẽ với 75.350 tài khoản được mở, giá trị giao dịch danh nghĩa nhiều phiên lớn hơn sàn cổ phiếu. 

Bên cạnh sự phát triển về giao dịch, câu hỏi về sản phẩm gốc - VN30 có dễ bị làm méo, nhất là trước những thời điểm nhạy cảm, chẳng hạn chốt hợp đồng phái sinh hay không, vẫn râm ran trên thị trường.

Tại cuộc họp báo công bố cuộc thi “Ðầu tư phái sinh ảo, nhận tiền thật” do Báo Ðầu tư và CTCK VPS tổ chức ngày 25/7/2019, nghi vấn về VN30 tiếp tục được đặt ra. Nghi vấn xuất phát từ việc trong VN30, có một số mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa rất lớn, nhưng tính lỏng lại quá nhỏ.

Thực tế này có thể dẫn đến tình trạng chỉ cần 1 lệnh giao dịch tác động vào đúng mã lớn, đúng thời điểm, có thể làm thay đổi điểm số thông thường của VN30, từ đó tác động đến trạng thái lãi/lỗ trên sàn phái sinh.

Mối nghi còn lớn hơn khi đây đó có thông tin cho rằng, tại Việt Nam, đã có công ty chứng khoán trang bị “robot môi giới”, theo đó, robot có thể tính toán các kịch bản của chỉ số và điều chỉnh lệnh tự doanh của công ty chứng khoán để chỉ số về đúng vùng mong đợi của “ông chủ” mỗi khi cần chốt giá trị danh mục, hay chốt hiệu quả trên sàn phái sinh.

Trước nghi vấn được nêu lên, ông Nguyễn Quang Thương, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, bản thân nhà quản lý cũng từng nghe dư luận này, nhưng việc xây dựng, quản lý, điều hành chỉ số thuộc thẩm quyền của các Sở GDCK.

Về cảm quan, nhà đầu tư có thể cảm thấy/nghi ngờ về việc có ai đó, có bàn tay vô hình nào đó làm “méo” chỉ số, nhưng khi ngồi lại, tìm hiểu sâu về sự vận hành của chỉ số sẽ thấy, đây là bộ chỉ số được xây dựng theo thông lệ quốc tế, vận hành theo các quy tắc rõ ràng, minh bạch, được xem xét, giám sát định kỳ về tính tuân thủ, nếu không đạt, cổ phiếu trong VN30 sẽ bị thay thế. 

Trong VN30, không có cổ phiếu nào có thể ảnh hưởng quá 10% đến chỉ số, các cổ phiếu phải đảm bảo thanh khoản nhất định với tỷ suất vòng quay chứng khoán tối thiểu 0,02%, tỷ lệ free - float (cổ phiếu tự do chuyển nhượng) tối thiểu 5%... 

Liên quan đến có hay không ai đó có thể tác động đến chỉ số thông qua các giao dịch trên sàn, ông Thương cho rằng, nhà đầu tư có quyền dự báo thị trường, tìm kiếm lợi nhuận thông qua các giao dịch hợp pháp.

Chỉ khi các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định pháp lý, chẳng hạn có dấu hiệu thao túng, làm giá thì đây là những hành vi phải được giám sát, thanh tra để ngăn chặn nguy cơ trục lợi bất hợp pháp trên thị trường.

Sau gần 2 năm vận hành sàn phái sinh, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Hùynh Quang Hải tại sự kiện ra mắt sản phẩm phái sinh thứ hai đầu tháng 7 vừa qua thì “sàn này đã phát huy hiệu quả tích cực, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Sở GDCK Singapore đã kết nối và thể hiện mong muốn hợp tác trong phát triển sản phẩm phái sinh trên cổ phiếu Việt Nam”.

Với mức giao dịch trên 100.000 hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30/phiên hiện nay, tăng 10 lần so với năm 2017, sàn phái sinh Việt Nam đang tạo nên những dấu ấn bất ngờ trong đánh giá của nhiều chủ thể.

Tuy nhiên, so với các TTCK quốc tế, sự tăng trưởng của sàn phái sinh Việt Nam mới chỉ trên bề mặt giá trị giao dịch, còn rất nhiều việc cần làm phía trước để xây cái gốc, đó là xây sản phẩm tốt, xây lực lượng nhà đầu tư hiểu biết, trên nền tảng đó, phái sinh mới đủ sức trở thành công cụ đầu tư phổ biến, đúng chất “phòng ngừa rủi ro” cho các chủ thể tham gia.

Tin bài liên quan