Việt Nam mang gì sang “chào” nhà đầu tư Nhật Bản?

Việt Nam mang gì sang “chào” nhà đầu tư Nhật Bản?

(ĐTCK) Tập đoàn Bảo Việt, CTCP FPT, CTCP Hãng hàng không Vietjet, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước, Tập đoàn Đầu tư Novaland... là những doanh nghiệp Việt Nam tham gia đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì, từ ngày 21 - 24/8 tới. 

“Hành trang” mời gọi nhà đầu tư Nhật Bản là nền tảng hoạt động ổn định, cùng khát vọng vươn tầm.

“Giấc mơ” doanh nghiệp Việt Nam

Với việc bắt tay với đối tác chiến lược Sumitomo Life Insurance (Nhật Bản) - sở hữu 18% vốn - và thu hút được một số cổ đông nước ngoài lớn khác như Deutsche Bank AG, Target Value Fund, CitiGroup Global Market Ltd…, đại diện Tập đoàn Bảo Việt (BVH) dự kiến có bài phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Nhật Bản trong tuần tới.

Đây cũng là doanh nghiệp có quy mô vốn thuộc hàng Top đầu trên sàn chứng khoán Việt Nam (vốn hóa thị trường ngày 16/8/2017 là trên 39.000 tỷ đồng), đồng thời duy trì kết quả kinh doanh ổn định từ nhiều năm gần đây.

Năm 2012, Sumitomo Life trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của Bảo Việt sau khi HSBC thoái vốn. Tổ chức này đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ Bảo Việt trong việc phát triển sản phẩm, đa dạng các kênh phân phối, hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, quản lý chất lượng nhằm nâng cao năng suất, quản lý rủi ro... Đáp lại, khoản đầu tư tại Bảo Việt đã mang lại hiệu quả tốt cho Sumitomo Life, với tỷ lệ cổ tức hàng năm nhận được từ 8 - 15% trên mệnh giá cổ phiếu.

Vốn Nhật chọn doanh nghiệp Việt trên sàn
Đông đảo nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào Việt Nam tháng 7/2014

Cán mốc doanh thu vượt 1 tỷ USD vào năm 2016, theo chia sẻ của lãnh đạo BVH, đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển của một tập đoàn tài chính – bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam, xác lập nền tảng để thực hiên khát vọng phát triển bền vững.

Với giá trị vốn hóa đạt gần 2 tỷ USD và tổng tài sản đạt gần 4 tỷ USD, trong tầm nhìn tương lai, ông Đào Đình Thi, Chủ tịch BVH cho biết, sẽ phát huy sức mạnh cộng hưởng từ các nguồn lực, chuẩn bị tâm thế vững vàng để sẵn sàng cất cánh. Lộ trình của BVH là năm 2018 sẽ khẳng định thương hiệu Việt, năm 2019 xác lập đẳng cấp quốc tế và 2020 xác lập vị trí số 1 trên thương trường.

Tại CTCP Hãng hàng không Vietjet, doanh nghiệp này đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết vào tháng 2/2017, hiện mới có một cổ đông lớn nước ngoài đến từ Singapore (nắm 5,1% vốn).

Là doanh nghiệp năng động, bắt kịp xu hướng phát triển của ngành dịch vụ hàng không, Vietjet Air có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, với 1.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tính tới 30/6/2017, tổng tài sản của Vietjet Air đạt 24.945 tỷ đồng, tăng 50,8%, vốn chủ sở hữu đạt 7.964 tỷ đồng tăng hơn 130% so với 1 năm trước.

Trong cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư lớn Nhật Bản tuần tới, ông Chu Việt Cường, thành viên Hội đồng quản trị Vietjet Air sẽ tham dự để tìm cơ hội hợp tác với các đối tác xứng tầm.

Các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Sabeco, SCIC… dự kiến mang đến nhà đầu tư Nhật Bản câu chuyện về cơ hội đầu tư từ hoạt động bán vốn Nhà nước trong năm 2017. Hiện Vinamilk đã có quyết định thoái tiếp 3,33% vốn Nhà nước; Sabeco sẽ phải thoái hết vốn Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, còn SCIC đã công bố kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại hơn 100 doanh nghiệp đang quản lý.

Trong nhiệm vụ thoái vốn Nhà nước, bên cạnh bài toán làm cách nào để mang lại lợi ích lớn nhất (bán với giá tốt nhất) cho Nhà nước, các chủ thể này còn phải giải một bài toán khó hơn, là làm cách nào để tìm được những nhà đầu tư hiệu quả, có khả năng đầu tư lớn vào doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp có gốc Nhà nước phát triển lành mạnh trong tương lai.

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp quy mô vốn hàng nghìn tỷ đồng trên, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Quân đội (MBS) là một trong số ít tổ chức tài chính trung gian có mặt trong Đoàn xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản.

Doanh nghiệp này mới lên sàn niêm yết vào năm 2016 sau một quá trình dài tái cấu trúc “con tàu đắm” Chứng khoán Thăng Long. Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS cho biết, chỉ còn chút thời gian nữa (dự kiến đến năm 2018), MBS sẽ làm sạch toàn bộ các tồn đọng tài chính trước đó, để có một MBS lành mạnh, mang khát vọng vào Top 3 công ty chứng khoán tại Việt Nam kể từ năm 2020.

Hiện MBS có tệp khách hàng trên 90.000 tài khoản, đứng vững vị trí Top 5 công ty chứng khoán tại Việt Nam. Đưa cổ phiếu lên sàn, MBS thể hiện rõ nét 2 giá trị: tinh thần kinh doanh thượng tôn luật pháp và sự minh bạch. Không dễ để duy trì văn hóa kinh doanh tử tế trên thị trường nhạy cảm và biến động rất khó lường, nhưng Tổng giám đốc MBS cho biết, Công ty kiên định một hướng đi và dường như cốt cách MBS đã “cảm” được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp.

“Một số quỹ đầu tư lớn đã tìm đến MBS, ngỏ lời muốn trở thành cổ đông chiến lược của Công ty, trong đó có một số tổ chức đến từ Nhật Bản. Chúng tôi muốn mở rộng kết nối để tìm nhà đầu tư chiến lược có cùng tầm nhìn, cùng quan điểm kinh doanh với MBS và xác định đi lâu dài với Công ty”, ông Hà nói. 

Đổi mới chính sách, rộng cửa gọi dòng vốn chuyên nghiệp

Bộ Tài chính cho biết, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tính đến 30/6/2017 đạt khoảng 24 tỷ USD, tăng 38% so với cuối năm 2016; số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20.564 tài khoản, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Khối ngoại liên tục mua ròng trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu, tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2017, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 9.300 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và mua ròng 14.400 tỷ đồng trái phiếu.

Về nhà đầu tư nước ngoài, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam có gần 22.000 tài khoản vốn ngoại, trong đó 33% đến từ Nhật Bản. Trong nỗ lực gọi các dòng vốn chuyên nghiệp vào Việt Nam thì vốn từ Nhật Bản là một trong những dòng vốn được ưa thích nhất. Không chỉ là nhà đầu tư hàng đầu khu vực với trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, Nhật Bản còn là tấm gương về văn hóa, kỷ luật, kiên nhẫn.

Trong chuyến thăm đất nước Mặt Trời Mọc hồi tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã mạnh mẽ truyền tải một mong muốn: đón các nhà đầu tư Nhật Bản đến để cùng hợp tác tạo ra giá trị mới, bởi tiềm năng hợp tác còn rất lớn, trong bối cảnh Việt Nam cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Để tăng sức hấp dẫn dòng vốn ngoại, bên cạnh nỗ lực của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tháo gỡ các rào cản, tăng cường cải cách trong cơ chế cổ phần hóa, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc niêm yết các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có quy mô lớn trên thị trường chứng khoán và giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước để tăng hàng hóa có chất lượng cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Sau khi Chính phủ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh ngày 10/8 vừa qua, đến tháng 10 năm nay, sản phẩm chứng quyền (covered warrant) sẽ được triển khai tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cùng với việc đưa các bộ chỉ số mới "bật sáng” các cơ hội đầu tư trên một thị trường đang có 1.900 doanh nghiệp niêm yết.

Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ triển khai là tiếp tục xử lý các vướng mắc để thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên nhóm các thị trường chứng khoán đang phát triển.

Trong nỗ lực thúc đẩy các dòng vốn chuyên nghiệp vào Việt Nam, chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết, Uỷ ban Chứng khoán đặc biệt quan tâm đến việc cải thiện tính minh bạch của doanh nghiệp, của thị trường chứng khoán.

Để xác lập sự minh bạch, cần đưa chuẩn mực kế toán của doanh nghiệp Việt Nam về cùng gốc là chuẩn mực kế toán quốc tế. Trên cùng mặt bằng đó, các nhà đầu tư chuyên nghiệp có căn cứ chọn lựa những địa chỉ tiềm năng.

Tháng 6/2017, trong chuyến công tác tại Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Hội nghị tương lai châu Á và chia sẻ một bài phát biểu quan trọng. Theo Thủ tướng, chúng ta vẫn thường nghe về “Giấc mơ Mỹ”, hay “Giấc mộng Trung Hoa”, nhưng trên các phương diện truyền thông, “Giấc mơ Việt Nam” lại ít được biết đến.

Để đánh thức “giấc mơ Việt Nam”, việc tìm kiếm, thu hút và giữ chân các dòng vốn từ những nền kinh tế lớn để xây nên các thương hiệu Việt trên trường quốc tế là câu chuyện dài, rất cần chất liệu từ những khát vọng của doanh nghiệp và tầm nhìn chiến lược của nhà quản lý.

Tin bài liên quan