Ảnh minh họa: Corbis

Ảnh minh họa: Corbis

Việc mua lướt sóng tiềm ẩn nhiều rủi ro

(ĐTCK-online) Một số CTCK cho rằng, thị trường đang tiềm ẩn rủi ro trong ngắn hạn, vì vậy việc mua lướt sóng T+4 tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, VND vẫn giữ quan điểm, thị trường đang hội tụ nhiều yếu tốt thuận lợi để giải ngân.

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 8/8.

 

HNX-Index có thể chinh phục ngưỡng cản 84-86 điểm

(CTCK Công thương - CTS)

HNX-Index đã vượt được kênh giảm điểm kéo dài từ tháng 2/2011 sau khi đã 3 lần chinh phục ngưỡng cản này không thành công vào tháng 3, 4 và 5/2011.

Thông tin tích cực về khả năng có những giải pháp bình ổn thị trường ngay trong tháng 6 này đã nhận được sự hưởng ứng tốt từ phía nhà đầu tư. Dự báo, HNX-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm chinh phục ngưỡng cản 84-86 điểm.

VN-Index cũng đang trên đường chinh phục ngưỡng cản 485 điểm. Nếu các giải pháp bình ổn đưa ra thuyết phục được nhà đầu tư, HNX-Index và VN-Index hoàn toàn có thể chinh phục được ngưỡng cản này.

Thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn

(CTCK FPT - FPTS)

Phiên giao dịch ngày 7/6 diễn ra khá tích cực với đà tăng điểm xuất hiện ngày từ đầu phiên trên cả hai sàn HOSE và HNX. Thị trường đã có phiên phục hồi đáng kể cả về điểm số lẫn khối lượng giao dịch sau khi có thông tin về mục tiêu phát triển và bình ổn thị trường chứng khoán của UBCK và Chính phủ.

Tại sàn HNX, đà tăng được duy trì tốt trong toàn phiên giao dịch do tiếp tục được hỗ trợ từ lực cầu vào nhóm cổ phiếu chủ chốt. Trong khi đó, diễn biến của VN-Index có phần kém hơn khi đà tăng có dấu hiệu suy yếu vào cuối phiên do sự phân hóa từ nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn.

Có thể thấy, những thông tin tích cực gần đây đã tác động không nhỏ đến tâm lý đầu tư. Nhiều nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng trở lại của thị trường khiến cho diễn biến thị trường trở nên sôi động hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Dòng tiền vào thị trường cũng dần được cải thiện.

Tuy nhiên, sự trở lại của dòng tiền vẫn gặp nhiều rào cản do các yếu tố vĩ mô vẫn còn khó khăn, hạn chế dư nợ phi sản xuất và sự phụ thuộc khá lớn vào khối đầu tư nước ngoài. Khả năng tăng điểm trong ngắn hạn không thực sự chắc chắn và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi một số mã cổ phiếu thuộc nhóm dẫn dắt thị trường bắt đầu đuối sức khi gặp ngưỡng cản.

Do đó, mặc dù thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn nhưng rủi ro với hoạt động lướt sóng vẫn khá cao. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng trong hoạt động mua vào ở thời điểm hiện tại, đặc biệt với các cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian vừa qua.

 

Việc mua lướt sóng tiềm ẩn nhiều rủi ro

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một phiên giao dịch khá hứng khởi và hào hứng trong ngày 7/6, một trong những nguyên nhân của điều này đến từ phản ứng tích cực của thị trường sau thông tin Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và NHNN phối hợp đề xuất giải pháp phát triển ổn định và có hiệu quả thị trường chứng khoán.

Tâm lý của các nhà đầu tư cho thấy những tín hiệu khá tích cực khi bên mua mạnh dạn và chủ động tham gia thị trường từ khá sớm, kéo theo đó là tốc độ giao dịch được đẩy nhanh cũng như việc cải thiện đáng kể của tính thanh khoản trên cả hai sàn.

Về mặt kỹ thuật, tâm lý thị trường đã được cải thiện sau đợt tăng giá từ mức 371 điểm lên mức 461 điểm. Dòng tiền “nóng” của đợt sóng này tập trung vào các mã chủ chốt có tính thanh khoản cao như PVX, SSI, KLS, BVS,... Đây cũng là các mã mang tính dẫn dắt và giữ nhịp cho đợt sóng này. Tuy nhiên, nhóm các mã có ảnh hưởng lớn đến chỉ số VN-Index đang có dấu hiệu đuối sức khi chạm lại mức đỉnh đạt vào thứ 6 tuần trước (3/6) như VIC, MSN, BVH, VPL v.v....

Chỉ số VN-Index đang nằm trong vùng hỗ trợ 420 (+/-5 điểm) và vùng kháng cự 460 (+/-5 điểm). Với 2 cây nến thể hiện sự lưỡng lự, chúng tôi cho rằng việc mua lướt sóng T+4 trong các phiên tới sẽ tiềm ẩn rủi ro. Việc mua nên được cân nhắc trong trường hợp chỉ số VN-Index có mức điều chỉnh hợp lý và tăng trở lại với sự lôi kéo dòng tiền mới và sự giữ chân dòng tiền cũ ở lại.

Như vậy trong phiên giao dịch ngày 7/6, mặc dù đà tăng có thể của thị trường vẫn còn tiếp tục nhưng nếu nhìn lại các yếu tố vĩ mô, các yếu tố tạo nên sự tăng trưởng bền vững của thị trường, thì vẫn còn hàm chứa sự bất ổn, do đó chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên cẩn trọng và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định để có thể giảm thiểu rủi ro.

 

Thị trường có nhiều cơ hội kéo dài thêm đợt phục hồi

 (CTCK Bảo Việt - BVSC)

Thị trường tăng điểm trong nghi ngờ của rất nhiều nhà đầu tư. Lượng cầu khá quyết đoán đã đủ sức hấp thụ áp lực cung ở các vùng giá cao. Nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ bên sàn HNX chính là đầu tàu trong phiên tăng điểm ngày 7/6 và nhóm bluechips bên HOSE có phần diễn biến “theo” thị trường.

Sự lệch pha giữa các nhóm cổ phiếu bên sàn HOSE và hơn nữa, động thái chốt lời của các nhà đầu tư ngắn hạn sẽ tiếp tục là lực cản khiến các phiên điều chỉnh có thể sẽ sớm xuất hiện.

Vẫn còn quá sớm để đặt kỳ vọng đây là đáy của thị trường. Tuy nhiên, chúng tôi bảo lưu quan điểm sau một đợt “rũ bỏ” mạnh, thị trường đang có nhiều cơ hội để kéo dài thêm đợt hồi phục hiện tại.

 

Thị trường đang hội tụ các yếu tố tích cực

(CTCK VNDirect - VND)

Việc thị trường tăng điểm mạnh trở lại sau hai phiên điều chỉnh chứng tỏ thị trường có một xung lực khá mạnh và càng củng cố mô hình W. Liên tục trong các bản tin gần đây, chúng tôi có đề cập đến mô hình này như một tín hiệu khẳng định cho cơ hội đầu tư ngắn hạn. Cho dù dòng tiền vào thị trường chưa thực sự mạnh mẽ, đồ thị thị trường có khá nhiều nét tương đồng so với tháng 11/2010.

Về mặt kỹ thuật, thị trường đã mất 6 tháng mới hội tụ các yếu tố tích cực như hiện tại. Trong hội thảo trực tuyến ngày 6/6, chúng tôi cũng đã kết luận: Cả mô hình W và chiến lược đầu tư theo Elliott đều đồng thuận cho nhịp nảy lại này của thị trường, vì vậy nhà đầu tư ngắn hạn nên cân nhắc rủi ro và cơ hội để có quyết định giải ngân.

Phiên tăng điểm với thanh khoản tăng của ngày 7/6 đã chứng tỏ sự bền vững của mô hình W. Nhà đầu tư vẫn có thể xem xét giải ngân vào các mã cổ phiếu có thanh khoản tốt.

 

Sự phân hóa sẽ trở nên rõ rệt

(CTCK Dầu khí - PSI)

Phiên 7/6, dòng tiền tích cực tiếp tục chảy vào thị trường và thanh khoản tăng mạnh trở lại. Các chỉ báo Money Flow Index, Relative Strength Index đều tiếp tục tăng lên. Stochatics cũng chưa có dấu hiệu đảo chiều giảm.

VN-Index có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn và khả năng test lại kháng cự đỉnh 463 điểm. Từ 450 điểm trở lên tới 463 điểm là một vùng phân phối trước đó với KLGD phân bố dày đặc, sẽ trở thành vùng giá kháng cự rất mạnh với VN-Index.

Để có thể tiếp tục tăng mạnh, dòng tiền vào thị trường phải duy trì bình quân ít nhất từ mức 1.000 tỷ đồng/2 sản trở lên. Trong điều kiện vĩ mô hiện tại, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán khó có thể cải thiện tăng trên diện rộng hay duy trì mức cao. Dòng tiền hỗ trợ qua kênh mua cổ phiếu quỹ của DN sẽ chỉ có tác dụng trên một nhóm nhỏ các bluchips. Do đó, sự phân hóa trên sàn ngày càng trở nên rõ rệt và để tránh những rủi ro trong ngắn hạn, NĐT có thể sẽ phải cân đối lại danh mục của mình.

 

Thị trường khó duy trì được đà tăng điểm

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Trái với phiên ngày 6/6, dòng tiền trong phiên giao dịch 7/6 đã có vẻ “mạnh dạn” hơn, bất chấp nguồn cung vẫn rất dồi dào. Trong khi các biến số vĩ mô mới chỉ nhen nhóm một vài yếu tố tích cực (lãi suất liên ngân hàng giảm, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng), sự cải thiện về cả điểm số lẫn thanh khoản trong phiên này cho thấy các thông tin tích cực liên quan tến TTCK được công bố trong những ngày vừa qua rõ ràng đã cải thiện tâm lý cho NĐT. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng đây là động thái giữ giá, khi mà hơn 100 triệu cổ phiếu được giao dịch ngày 3/6 vẫn chưa về đến tài khoản NĐT.

Lực cầu khá vững trong khi nguồn cung ít nhiều đã được tiết chế vào cuối phiên. Điều này dẫn đến nhiều kỳ vọng về khả năng tăng điểm sẽ được duy trì, ít nhất cho đến phiên ngày 8/6.

Về trung hạn, trước bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự tích cực (lạm phát, nhập siêu), chúng tôi không cho rằng thị trường sẽ duy trì được đà tăng điểm. Hiện thực hóa lợi nhuận là chiến lược dành cho NĐT đang nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn này.

 

Việc tăng giá như hiện nay khó duy trì được lâu

(CTCK Trí Việt - TVSC)

Một phiên tăng giá với cầu tăng mạnh và cung co hẹp luôn cảnh báo thị trường sẽ sớm có phiên phân phối mạnh một lần nữa (giống phiên cuối tuần trước, ngày 3/6/2011). Và nó cũng cảnh báo rằng việc tăng giá như hiện nay khó duy trì được lâu.

Tình trạng giá tăng mạnh do cầu lên cao và cung co hẹp trên toàn thị trường thường chỉ thấy ở giai đoạn cuối của các chu kỳ tăng giá.

 

Sẽ có các phiên tăng giảm mạnh đan xen

(CTCK ACB - ACBS)

TTCK Việt Nam bất ngờ đảo chiều tăng mạnh ngày 7/6. Do không nhận được hỗ trợ của MSN và VIC nên VN-Index tăng yếu hơn HNX-Index. Khối lượng giao dịch được cải thiện trên hai sàn cho thấy bên mua ngày càng tích cực hơn.

Do tâm lý nhà đầu tư đang dao động mạnh nên TTCK Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục có các phiên tăng, giảm mạnh đan xen.