Việc của broker là bảo vệ thành quả cho nhà đầu tư

Việc của broker là bảo vệ thành quả cho nhà đầu tư

(ĐTCK) Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Khu vực miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, môi giới chứng khoán (broker) đang đứng trước áp lực là vừa phải gia tăng NAV (giá trị tài sản ròng) tối ưu, vừa phải bảo vệ an toàn cho khách hàng. Đây là 2 điều rất mâu thuẫn. 

Nếu như trước đây, khi thị trường lập đỉnh mới, đa số nhà đầu tư giành thắng lợi thì hiện tại, dù chỉ số đi lên nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn thua lỗ. Ông có thể “cắt nghĩa” điều này?

Thị trường hiện nay đang diễn ra theo như kịch bản tôi đã nhận định trước đó và sẽ tiến lên vùng +/- 1.225 điểm. Tuy nhiên, tại vùng này, nhà đầu tư sẽ phải trải qua một giai đoạn hết sức khó chịu. Đó là VN-Index tăng nhưng danh mục thì vẫn lỗ.

Nguyên nhân là do hiện nay, thị trường đang tiến sát vùng đỉnh trung hạn, nên sẽ xảy ra hiện tượng phân hóa rất mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc, có những nhóm cổ phiếu tạo đỉnh trước thị trường và sẽ có những nhóm tạo đỉnh sau thị trường. Điều này dẫn đến việc nếu nhà đầu tư lựa chọn sai mã, dù thị trường chung có tăng điểm thì danh mục của họ vẫn lỗ. Những nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ trải nghiệm rất rõ điều này tại các đỉnh lớn của thị trường.

Chỉ số chứng khoán đi lên kéo theo margin tăng tại các công ty chứng khoán. Ông nhìn nhận như thế nào về mức độ rủi ro margin ở giai đoạn hiện nay?

Ông Dương Văn Chung 

Điều này là hiển nhiên bởi vì muốn thị trường tăng thì cần thêm dòng tiền mới vào, trong đó có cả tiền margin. Đối với tôi, giai đoạn tạo đỉnh hiện nay rất khác so với các năm trước đây. Theo đó, các năm trước, chỉ có các nhà đầu tư chuyên nghiệp "chơi" với nhau nên khi margin tạo đỉnh, thị trường sẽ “gãy” ngay lập tức. Nhưng hiện nay, dòng tiền đến từ các nhà đầu tư mới tham gia rất nhiều nên tiền margin theo giá trị tuyệt đối sẽ liên tục tạo đỉnh mới.

Hiện nay, tại MBS cũng như một vài công ty chứng khoán khác, giá trị dư nợ margin liên tục tăng nhưng điều đáng mừng là tỷ lệ giữa giá trị dư nợ/tổng giá trị chứng khoán lại không tăng hoặc thậm chí giảm. Điều này cho thấy, lượng tiền mới vẫn đổ vào hoặc giá trị chứng khoán tăng do giá tăng.

Kết hợp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật thị trường hiện nay, tôi cho rằng, rủi ro margin đang có sự chuyển dịch dần từ nhà đầu tư cũ, vốn đã có lãi rất nhiều, chuyển sang những nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Khi thị trường tạo đỉnh và sụt giảm thì nhà đầu tư mới sẽ là những người chịu rủi ro nhiều nhất nếu sử dụng margin, bởi vì họ không có lợi nhuận từ trước để làm “đệm” dự phòng.

Trong bối cảnh hiện nay, ông có cho rằng, bản thân các broker đang chịu nhiều “áp lực” khi tư vấn cho khách hàng?

Là một người quản lý các môi giới, tôi nhận thấy chính mình, cũng như các broker khác đang chịu áp lực lớn, vì nhiệm vụ của broker với khách hàng là vừa phải gia tăng NAV tối ưu, vừa phải bảo vệ an toàn NAV cho nhà đầu tư. Đây là 2 điều rất mâu thuẫn, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Trong thời gian qua, không ít nhà đầu tư đã có lãi, do đó, điều tôi mong muốn nhất lúc này là khách hàng có thể bảo vệ được thành quả này. Tuy nhiên, số đông nhà đầu tư không dừng lại, tiếp tục tạo áp lực là làm sao để kiếm được nhiều hơn thế. Thực tế đã chứng minh, thành công trên thị trường chứng khoán luôn thuộc về số ít và vì vậy, làm hài lòng số đông còn lại là áp lực rất lớn cho các broker.

Một số công ty chứng khoán đang khuyến nghị nhà đầu tư tạm thời nên “đứng ngoài” thị trường, nhưng điều này rất khó xảy ra. Nếu là nhà đầu tư, ông sẽ chọn chiến lược nào?

Khi chỉ số VN-Index đang ở dưới 1.200 điểm, tôi không khuyến nghị nhà đầu tư đứng ngoài thị trường. Nhưng nếu chỉ số vượt 1.200 điểm và tiệm cận +/- 1.225 điểm thì tôi cũng sẽ khuyến nghị nhà đầu tư tạm đứng ngoài thị trường. Nguyên nhân bởi đây là vùng khá rủi ro.

Hiện tại, với P/E thị trường vào khoảng 21 lần, nhiều cổ phiếu có P/E ở mức 30 - 40 lần, không thể phủ nhận thị trường đang bị định giá quá cao và đã phản ánh trước kết quả kinh doanh của cuối năm 2018. Vì vậy, nếu là nhà đầu tư, tôi sẽ bán cổ phiếu khi VN-Index vượt 1.200 điểm và “cầm tiền” đứng ngoài quan sát thị trường cho tới khi có sự điều chỉnh về mức giá hấp dẫn mới tham gia trở lại.

Tuy nhiên, những con sóng của thị trường chứng khoán luôn được tạo ra bởi sự quá đà nên chắc chắc sẽ có những cú tăng vượt kỳ vọng rồi mới giảm trở lại. Nếu đã xác định trước những đặc điểm này, nhà đầu tư sẽ không bị "quay cuồng" với những con sóng nữa.

Một điểm cần lưu ý đó là nhà đầu tư thành công là những người có phương pháp đầu tư cụ thể và tuân thủ kỷ luật. Trong khi những nhà đầu tư giao dịch theo bản năng và bị những con sóng dẫn dắt đa phần sẽ thất bại.

Tin bài liên quan